Startup "Uber cho gia sư" Edubox: Sẽ phải “đốt” rất nhiều tiền nhưng lại khó thu phí người dùng

PV| 02/08/2021 14:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Nam Nguyễn, người sáng lập công ty tư vấn chuyển đổi số (CĐS) Opla Consulting, startup Edubox mới được đầu tư trong Shark Tank là mô hình kinh tế chia sẻ, nền tảng kết nối gia sư không có gì mới mẻ ở Việt Nam. Do là mô hình thuần tuỳ B2C nên sẽ "đốt tiền" rất nhiều nhưng lại khó thu phí và thu phí cũng rất phức tạp.

Nền tảng "Uber cho gia sư" đạt 18.000 người dùng sau 2 năm ra mắt

Xuất hiện tại Shark Tank mới nhất, startup "Uber cho gia sư" Edubox của nhà sáng lập và điều hành Nguyễn Hà Minh Thông đến để gọi vốn 4 tỷ đồng  cho 25% cổ phần của công ty.

Theo chia sẻ của nhà sáng lập, Edubox là một ứng dụng công nghệ mang đến giải pháp gia sư cho các học sinh. Giải thích thêm về dự án của mình, Minh Thông cho biết, phụ huynh thường khó đưa ra được câu trả lời cho một số câu hỏi trong bài tập về nhà của các em học sinh vì nhiều lý do. Chính vì vậy, Edubox đã mang đến một giải pháp: khi các em học sinh đặt câu hỏi khó trên ứng dụng, sẽ có các giáo viên đối tác trả lời. Trong lúc trả lời, giáo viên sẽ "bắt mạch" được học sinh đó yếu kiến thức chỗ nào, từ đó, gửi cho phụ huynh thông tin và đưa ra giải pháp nên học thêm bao nhiêu để lấy lại kiến thức. "Các em học sinh không cần học dàn trải, yếu môn nào học môn đó", Minh Thông giải thích thêm.

Đó cũng là những khác biệt của Edubox so với gia sư truyền thống. Ngoài ra, trên ứng dụng cũng hiển thị tên giáo viên và chi phí để học sinh có thể lựa chọn.

Nhà sáng lập Minh Thông cho biết Edubox hiện có 18.000 người dùng, trong đó học sinh chiếm 3.000, còn lại là các đối tác. Dự án Edubox ra mắt vào tháng 7/2019, tiền thân là một ứng dụng đặt giáo viên về nhà dạy offline. Edubox có kế hoạch đạt 50.000 user (người dùng) mới chuyển sang mô hình online. Thế nhưng, Covid xảy ra, mảng offline đứng lại.

Chia sẻ về doanh thu của Edubox, Minh Thông cho biết GMV (Tổng giá trị giao dịch) của doanh nghiệp (DN) rơi vào khoảng 4.000 USD và thu phí 30%/1 giao dịch. Edubox sẽ thu phí của phụ huynh và trả ngược lại cho gia sư.

Về mục tiêu sử dụng vốn, Minh Thông cho biết, DN của mình đã lập trình ra một nền tảng dạy online riêng. Anh lên gọi vốn để kết nối ứng dụng (app) với website, dùng vốn để nâng cấp app lên, chuẩn bị được phần server chịu tải nhiều người học cùng lúc. Còn lại dùng để marketing, quảng bá cho Edubox.

Minh Thông cũng tiết lộ, đội ngũ đã bỏ vào 1 tỷ đồng cho dự án này, một nhà đầu tư thiên thần ngay thời điểm mới ra ý tưởng, đầu tư 200 triệu đồng cho 5% cổ phần.

Shark Bình nhận xét, mô hình Edubox đang làm CĐS trong giáo dục nhưng có những điểm sau Shark chưa bị thuyết phục: "Thứ nhất non và xanh quá. Gần như chưa có kết quả gì cả. Thứ hai là chưa tìm thấy long mạch. Đã chưa tìm thấy long mạch, bạn lại không có gió đông. Tức là không có bệ phóng nào thổi bạn bay lên thật nhanh".

Từ đó, Shark Bình cho rằng có hai cách để tăng trưởng một DN, một cách là gọi vốn đốt tiền, đã có rất nhiều startup nói chung và startup CĐS trong giáo dục nói riêng chết vì con đường đó. Ngược lại, đó là Venture Builder (nôi khởi nghiệp), Corporate Startup (mô hình khởi nghiệp trong công ty), Growth Hack (hack tăng trưởng),… đã có nhiều startup thành công bằng con đường như thế…nhờ đứng trên vai người khổng lồ, đứng trong hệ sinh thái nào đó. 

"Khi Growth Hack thành công thì công ty sẽ đủ mạnh để deal với các nhà đầu tư nước ngoài với một định giá siêu to khổng lồ", Shark Bình phân tích.

Còn Shark Linh nhận định, quan trọng nhất với Edubox bây giờ là tìm khách hàng. Đồng thời, do đang ở trong giai đoạn còn trẻ nên Shark Linh cho rằng, startup nên tập trung phát triển công nghệ và cần tìm một người giúp mình thu hút được khách hàng. 

"Trong giai đoạn đầu mình cần thời gian để tạo sản phẩm, tìm khách hàng, không phải là mình đầu tư để đốt tiền. Mình đầu tư để kiên nhẫn tạo một sản phẩm tốt, một nền tảng bền vững để mình có thể đi xa", Shark Linh nhấn mạnh.

Cuối cùng, Edubox đã lựa chọn Shark Linh với đề nghị 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần, với KPI thưởng lại 5% trong vòng 1 - 2 năm tới. "Shark Linh rất giỏi về marketing và làm thương hiệu, chưa kể công nghệ là một mảng mà Shark Linh thường xuyên đầu tư. Shark Linh hoàn toàn có thể giúp dự án của mình bay xa hơn nữa", Minh Thông lý giải về quyết định của mình.

Startup

Shark Linh sẽ phải thật sự đầu tư thời gian để giúp Edubox chứ nếu chỉ đưa tiền thì cũng vô ích vì mô hình "Uber cho gia sư" có rất nhiều vấn đề từ thu phí, chất lượng gia sư...

Mô hình không mới mẻ và Shark Linh sẽ còn rất nhiều việc phải làm với Edubox

Theo ông Nam Nguyễn, nhà sáng lập công ty tư vấn CĐS Opla Consulting, Edubox là mô hình kinh tế chia sẻ, nền tảng kết nối gia sư và học sinh không có gì mới mẻ ở thị trường Việt Nam. "Các Shark đều biết đây là mô hình đốt tiền để kéo gia sư và rất nhiều tiền để kéo học sinh nên hết sức thận trọng. Vì thế, việc Shark Bình và Shark Linh đưa ra lời đề nghị đều tin rằng mình đã thấy mô hình tương tự khác thất bại nên sẽ làm khác và tốt hơn", ông Nam Nguyễn nhận định.

Ông Nam cho biết đã xem qua ứng dụng của Edubox và thấy rằng còn rất thô sơ, đơn giản. Người sáng lập của Opla Consulting cho rằng mô hình nền tảng (platform) của Edubox "tưởng ngon mà khó xơi": Vấn đề "thu phí" rất phức tạp, nếu nạp tiền trong ứng dụng sẽ vướng mức phí 35% của Apple Pay; Vấn đề chất lượng gia sư cũng cần cơ chế kiểm duyệt, đánh giá, bảo hành; Vấn đề kỹ thuật video dùng qua bên cung cấp thứ 3 thì tốn phí, tự xây thì tốn tiền, chất lượng khó đảm bảo; Vấn đề đảm bảo phụ huynh và gia sư không bắt tay dùng ngoài nền tảng để tránh thu phí trung gian.

Từ đó, ông Nam cho rằng, do đây là mô hình thuần tuỳ B2C (DN đến khách hàng) nên sẽ "đốt tiền" rất nhiều. Mô hình "Growth hack" - phát triển qua cộng đồng hoặc nền tảng khác không hề đơn giản khi không có tiền hoặc lợi ích tương đương. "Tôi hơi lo lắng cho Shark Linh trong thương vụ đầu tư này vì Edubox còn rất nhiều việc phải làm phía trước, trừ khi Shark Linh thật sự đầu tư thời gian để giúp người sáng lập, chứ nếu chỉ đưa tiền thì cũng vô ích", ông Nam Nguyễn bày tỏ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong các mùa Shark Tank trước, Shark Linh chưa "xuống tiền" đầu tư thực sự bất kì thương vụ nào sau vòng thẩm định (Due Diligence) và đàm phán các điều khoản đầu tư. Vì thế, Edubox sẽ có nhiều lý do để lo lắng trong tương lai, nhất là khi sau thương vụ đầu tư 20 triệu USD vào nền tàng Snapask - một mô hình kết nối gia sư tương tự có trụ sở tại Hồng Kông đang có tham vọng tấn công vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Snapask phát triển nhanh chóng, hiện có hơn 2 triệu người dùng và kết nối với 250.000 gia sư tại 8 thị trường trên thế giới. Sau 5 năm hoạt động, Snapask đã huy động được hơn 55 triệu USD vốn đầu tư. Snapask sử dụng mô hình định giá khác nhau ở mỗi thị trường và gia sư ở mỗi địa phương có thể kiếm được nhiều hơn khoảng 50% - 60% so với các công việc gia sư truyền thống.

Hiện tại, mỗi tháng Snapask xử lý khoảng 2 triệu câu hỏi và có mặt tại nhiều thị trường như Australia, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore, Đài Loan và Thái Lan./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Startup "Uber cho gia sư" Edubox: Sẽ phải “đốt” rất nhiều tiền nhưng lại khó thu phí người dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO