Trong số các quỹ đầu tư quan tâm đến vũ trụ ảo (metaverse) Meta Spatial có thể nhắc đến các cái tên như: Okex, Polygon, Mexc, CMC, X21, Master Venture, Redkite, ZBS, Au21…
Sẽ ra mắt nền tảng đầu tiên trên thế giới đưa người từ thế giới thực vào thế giới ảo
Ý tưởng về việc hình thành các metaverse đã liên tục được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Microsoft, Nvidia, Epic Games nhắc đến thời gian gần đây. Hiểu một cách đơn giản, metaverse là một vũ trụ ảo, nơi mọi người có thể hiện diện và giao tiếp với nhau giống như ở thế giới thật.
Mới đây, tại hội nghị Facebook Connect, Facebook cho biết họ sẽ đổi tên thành Meta. Tên mới của Facebook lấy cảm hứng từ metaverse (vũ trụ ảo), mô tả tầm nhìn làm việc và giải trí trong thế giới ảo của công ty trong thời gian tới. "Ngày nay, mọi người nhìn nhận chúng tôi như một công ty mạng xã hội, tuy nhiên, trong DNA của mình, chúng tôi là một công ty phát triển công nghệ để kết nối mọi người và vũ trụ ảo là mặt trận tiếp theo, giống với mạng xã hội khi chúng tôi vừa bắt đầu", CEO Mark Zuckerberg cho biết.
CEO Zuckerberg bày tỏ hy vọng thập kỷ tới đây, metaverse sẽ tiếp cận 1 tỷ người dùng, giao dịch hàng trăm tỷ USD thương mại điện tử, hỗ trợ việc làm cho hàng triệu tác giả và nhà phát triển.
Không chỉ Facebook và các tập đoàn công nghệ hàng đầu, tại Việt Nam thời gian qua cũng xuất hiện nhiều startup với định hướng phát triển các vũ trụ ảo metaverse. Trong đó, nổi bật nhất thời gian gần đây là Meta Spatial, một dự án công nghệ được phát triển bởi đội ngũ nhiều kỹ sư người Việt.
Theo ông Ngô Văn Cường, nhà sáng lập/giám đốc công nghệ của Meta Spatial, sau một tháng ra mắt, dự án đã đạt được một số thành công nhất định có thể nói đến như chúng tôi nhận được gần 1 triệu người đăng ký theo dõi. Cộng đồng của Meta Spatial đã nhanh chóng tăng lên 100.000 thành viên chỉ sau một thời gian rất ngắn. Điều này đã cho thấy niềm tin và sự ấn tượng của người dùng với một dự án công nghệ còn khá non trẻ như Meta Spatial.
Mặc dù cộng đồng đã đón nhận nhưng ông Cường cho rằng, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, dự án có tầm nhìn và sứ mệnh là đưa Meta Spatial trở thành đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra một vũ trụ ảo metaverse có tính ứng dụng trong thế giới thực.
Để làm được điều này Meta Spatial đã xây dựng sẵn một nền tảng công nghệ để hỗ trợ cho các startup khác có thể xây dựng những ứng dụng metaverse phục vụ cho cộng đồng. Đây chính là sứ mệnh của Meta Spatial và đội ngũ phát triển đang trong giai đoạn hoàn thành nền tảng công nghệ này - Meta Platform sẽ được công bố đến cộng đồng trong một vài tuần tới.
Meta Platform sẽ là nền tảng đầu tiên trên thế giới cho phép sự cá nhân hoá tuyệt đối để đưa một công dân từ thế giới thực vào trong thế giới ảo. "Đây là công nghệ hết sức phức tạp nhưng chúng tôi sẵn sàng cung cấp và hỗ trợ cho bất kỳ startup nào muốn tham gia vào hệ sinh thái của Meta Spatial", ông Cường nhấn mạnh.
Phải làm việc 24 giờ trong nhiều ngày liên tục vì được quá nhiều đối tác quan tâm
Do là một trong số rất ít các dự án tung ra bản thử nghiệm sản phẩm nên Meta Spatial đã được cộng đồng ghi nhận là một trong số những dự án metaverse đúng nghĩa. Nhờ vậy, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian qua là việc đội ngũ phát triển đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác trên khắp thế giới.
"Chúng tôi gần như phải làm việc 24 giờ mỗi ngày trong suốt nhiều ngày liên tục để đạt được thoả thuận với họ", ông Cường cho biết thêm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của Meta Spatial đến từ việc do đây là một công nghệ mới nên dự án phải định hướng thị trường. Để làm được điều này, đội ngũ phát triển đã phải lên một kế hoạch kỹ lưỡng và tỷ mỉ để người dùng, cộng đồng có thể hiểu đúng nghĩa về metaverse và Meta Spatial không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thuần tuý, mà nó còn là một hệ sinh thái công nghệ.
Mặc dù vậy, Meta Spatial cũng gặp những thuận lợi nhất định. Do là một trong số rất ít các startup hoàn thiện sản phẩm đến giai đoạn cuối cùng mới công bố nên đã được cộng đồng tin tưởng và đón nhận.
Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Cường cho biết, Meta Spatial sẽ tiếp tục nghiên cứu và tối ưu sản phẩm. Đồng thời, dự án cũng sẽ sớm ra mắt hệ sinh thái Meta platform để hỗ trợ các startup khác có thể cùng nhau xây dựng các sản phẩm metaverse phục vụ cho cộng đồng.
Đánh giá về việc lý do tại sao metaverse lại hấp dẫn đến mức Facebook lại quyết định đổi tên công ty để theo đuổi công nghệ này, ông Cường cho rằng, công nghệ này là một xu thế tất yếu như một số nhận xét của giới chuyên gia, nó sẽ bùng nổ và thay thế các công nghệ như hiện tại.
"Tôi nghĩ ở một góc độ nào đó con người luôn muốn được sáng tạo và muốn được trải nghiệm cuộc sống dưới nhiều góc độ. Nhưng một vấn đề phải nhắc đến ở đây, để có thể đi vào đời sống, metaverse cần phải chứng minh được tính ứng dụng và mang lại giá trị cho thế giới thực sau một thời gian nữa", ông Cường bày tỏ.
Về những giới hạn của metaverse, ông Cường cho rằng, nó đến từ nhận thức và trải nghiệm của người dùng, cũng như việc các công nghệ hỗ trợ như AR, VR còn đang rất hạn chế về mặt công nghệ lẫn thiết bị. Mặc dù vậy, với việc các ông lớn công nghệ như Facebook, Microsoft, Nvidia… đang gấp rút xây dựng các ứng dụng metaverse, ông Cường khẳng định, trong tương lai, các tập đoàn này sẽ ứng dụng công nghệ này để ảo hoá tất cả mọi lĩnh vực và tạo ra sự tương tác mượt mà từ thế giới thực vào thế giới ảo.
Cuối cùng, ông Cường cho rằng, mọi vấn đề đều của 2 mặt và metaverse cũng vậy. Bên cạnh những ưu điểm như mở rộng tính sáng tạo của người dùng hay mang lai sự kết nối, ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, thì ở góc độ nào đó nếu lạm dụng metaverse cũng mang đến sự xa cách giữa con người với con người.
"Nhưng đó chỉ là quan điểm ở thời điểm hiện tại, vì công nghệ phát triển rất nhanh và con người cần bắt kịp nó", ông Cường nhận định./.