Truyền thông

Sửa đổi, bổ sung Luật báo chí để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Trường Thanh 18/05/2024 09:22

Xây dựng Luật Báo chí sửa đổi nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn hiện đại.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Theo đó, việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn hiện đại.

Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Theo Bộ TT&TT, thực tiễn thi hành Luật Báo chí cho thấy, tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ...

Đến nay, sau hơn 7 năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông. Cụ thể về một số nội dung như: Chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước và báo chí ở địa phương, phân quyền một số thủ tục hành chính cho địa phương; chính sách của Nhà nước phát triển báo chí; nhiệm vụ cống hiến của Hội Nhà báo Việt Nam; hoạt động báo chí trên không gian mạng, phát triển mô hình phù hợp thực tiễn để thúc đẩy báo chí phát triển; phạm vi hoạt động của cơ quan báo chí; hoạt động của tạp chí khoa học; điều kiện cung cấp hoạt động báo chí đối với các chức năng xã hội, chức năng xã hội - nghề nghiệp...

Các hạn chế, bất cập nêu trên cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp.

Mặt khác, trong những năm vừa qua, một số luật có các nội dung liên quan đến lĩnh vực báo chí đã được ban hành và sửa đổi như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung năm 2018; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022; Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020…

Do đó, nhằm thể chế hóa các nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng, Luật Báo chí được ban hành từ năm 2016 đến nay cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

20170620163027-vd.jpg
Luật Báo chí được ban hành từ năm 2016 đến nay cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ảnh: Internet.

4 chính sách trong Luật Báo chí sửa đổi

Luật Báo chí sửa đổi gồm 4 chính sách, cụ thể:

Chính sách 1: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí. Mục tiêu của chính sách là khắc phục hạn chế của quy định hiện hành, phân biệt rõ báo và tạp chí để chống “báo hóa” tạp chí, quy định cụ thể các nội hàm, khái niệm để có các quy định điều chỉnh phù hợp; Khắc phục tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích...

Chính sách 2: Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí. Mục tiêu là nâng cao trách nhiệm, vai trò của Hội Nhà báo, đảm bảo sự minh bạch, trong sạch của môi trường làm báo; Thúc đẩy môi trường báo chí minh bạch, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và nâng cao uy tiến của ngành báo chí...

Chính sách 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí. Mục tiêu là hình thành các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin; Có hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho hoạt động liên kết của cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, tận dụng các nguồn lực cho hoạt động báo chí, phong phú nội dung sản phẩm báo chí và trách nhiệm rõ ràng trong hoạt động liên kết...

Chính sách 4: Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng. Mục đích là mở rộng không gian hoạt động của báo chí trên không gian mạng để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới, định hướng dư luận trên không gian mạng; Thúc đẩy cơ quan báo chí đưa thông tin lên không gian mạng, tuân thủ quy định pháp luật về báo chí, tăng cường giam sát, quản lý hoạt động báo chí trên không gian mạng...

Bốn chính sách nêu trên tập trung giải quyết 06 nhóm vấn đề: Phân biệt báo và tạp chí để chống “báo hóa” tạp chí và tạp chí khoa học hoạt động không đúng tính chất; Mở rộng không gian hoạt động của báo chí trên không gian mạng để lan tỏa nội dung báo chí rộng hơn, từ đó làm tốt công tác truyền thông chính sách và giải bài toán đa dạng nguồn thu của báo chí; Kinh tế báo chí: Kinh doanh để làm báo; Nâng cao vai trò của cơ quan chủ quản báo chí; Nâng cao tiêu chuẩn cơ quan báo chí, phóng viên; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về báo chí.

Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý quý I/2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Báo chí cũng như việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

dsc_9237.jpg
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp. Ảnh: Anh Đức.

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn là cần thiết

Tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục quốc hội với báo Nhân Dân đầu tháng 3 vừa qua, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn.

Việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi phải bảo đảm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Cùng với đó, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý báo chí. Đặc biệt, bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) số 24/TrT-BTTTT

2. Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Báo chí số 47/BC-BTTTT

3. Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) số 48/BC-BTTTT

4. Báo cáo Tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp đối với đề nghị xây dựng Luật Báo chí sửa đổi

5. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=85388

6.https://ictvietnam.vn/lan-toa-kinh-nghiem-mo-hinh-cds-cho-cac-co-quan-bao-chi-64333.html

Bài liên quan
  • Cần điều chỉnh Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng
    Có thể nói, 7 năm qua, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để góp phần xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí, tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí Việt Nam phát triển.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi, bổ sung Luật báo chí để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO