Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, với chuyển đổi số (CĐS), tất cả mọi thành phần đều phải tham gia thì mới có tài nguyên số. Đó là một tài nguyên mới, hơn cả một “mỏ vàng”, giúp phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá.
Thông tin trên được Phó Thủ tướng chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023) do VINASA chủ trì và tổ chức, với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” ngày 24/5.
Chiến lược dữ liệu nâng tầm CĐS
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhấn mạnh, "CĐS tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế - xã hội. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh”.
Để thúc đẩy tiến trình này, theo ông Khoa, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức để chung tay: Tư vấn, góp ý xây dựng một hàng lang pháp lý thông thoáng; Tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; Hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành.
“Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội”, ông Khoa nói.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, CĐS không thể một người làm được, CĐS không thể một tổ chức làm được, CĐS không thể một nước làm được. Mà CĐS, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên vô tận, sáng tạo từ tư duy trí tuệ con người. Nó thay đổi tài nguyên thiên nhiên mà thế giới đã và đang tạo lập, khai thác.
“Đó là 1 nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ CNTT sang công nghệ số, từ thông tin quản lý bằng giấy tờ sang cơ sở dữ liệu quốc gia, coi đây là nguồn tài nguyên vô tận. Toàn bộ nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ với những thành tựu công nghệ mới đáng ghi nhận như kết nối vạn vật, tự động hoá, blockchain… Áp lực CĐS của chính phủ là rất lớn để chuyển đổi nhanh sang chính phủ điện tử thông qua các hoạt động dịch vụ công (DVC), nhiệm vụ theo thẩm quyển để dẫn dắt cuộc cách mạng này.
Do đó, CĐS quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh (SXKD)…,
“Chính phủ phải đặt vai trò dẫn dắt, đặt trách nhiệm là người lái còn tàu CĐS, có như vậy, kinh tế số, xã hội số sẽ cùng phát triển”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Tuy nhiên, khoa học công nghệ thay đổi liên tục, DN cũng vận động liên tục, các DN, các chuyên gia CĐS cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.
Cũng theo Phó Thủ tướng, CĐS là câu chuyện toàn cầu. Cả thế giới đang có nhu cầu CĐS. Các DN công nghệ Việt Nam cần xác định tham gia CĐS là tham gia thị trường toàn cầu, là đi ra thế giới, giải quyết các bài toán lớn của quốc tế.
Sau đó, các DN sẽ phải mang những công nghệ, kinh nghiệm, nhưng kiến thức, và sự đoàn kết có được, giải các bài toán của Việt Nam, đưa ra những mô hình kinh tế mới hiệu quả cho nền kinh tế; kiến tạo những giá trị mới cho đất nước, cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, việc Diễn đàn lựa chọn chủ đề là: “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” thực sự mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực đối với năm dữ liệu nói riêng và CĐS nói chung".
Từ đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, diễn đàn sẽ giúp nâng cao nhận thức về dữ liệu và CĐS từ đó có những quyết định hành động cùng vì một Việt Nam số. Thông qua diễn đàn, các đối tượng chịu tác động của thể chế tham mưu, góp ý trực tiếp đối với công tác hoàn thiện thể chế về dữ liệu số và CĐS.
”Các tổ chức, DN cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong thể chế mà thực tiễn mình gặp phải, kiến nghị và đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoàn thiện thể chế, đặc biệt đối với việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số quốc gia, CĐS quốc gia”, Thứ trưởng Bộ TT&TT bày tỏ.
Tiếp theo, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, diễn đàn sẽ giúp các tổ chức, DN tìm ra cơ hội đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số, tạo tiền đề cho ngành kinh tế dữ liệu trong tương lai; Tìm lời giải CĐS cho các DN nhỏ và vừa (SME); Tìm kiếm cơ hội để “go global”, đưa sản phẩm, dịch vụ CĐS đi ra nước ngoài.
“Bộ TT&TT đã mở chiến dịch hỗ trợ các DN công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài với hy vọng mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam vươn ra thế giới”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Khai thác dữ liệu phục vụ chính phủ số, kinh tế số và xã hội số
Chia sẻ với chủ đề “Xây dựng và khai thác dữ liệu số quốc gia”, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS quốc gia – Bộ TT&TT chia sẻ về quan điểm phát triển dữ liệu số: Việc phát triển Chính phủ số vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số; Dữ liệu là tài nguyên mới có thể coi là đất đai trên không gian số, nên cơ quan nhà nước (CQNN) xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; CQNN thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Theo ông Tiến, về định hướng dữ liệu số trong năm 2023: Người dân, DN chỉ cung cấp thông tin một lần cho CQNN, khi thực hiện DVC trực tuyến; DN được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do CQNN cung cấp để phục vụ SXKD; CQNN sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.
Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai cho biết, việc xây dựng chiến lược dữ liệu số của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh với nhiều khó khăn dẫn đến các bài toán cần phải giải quyết bao gồm: Chuẩn hoá dữ liệu; Dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở; Đầu tư dự án CNTT; Hệ thống phần mềm dùng chung; Triển khai đô thị thông minh.
Nói về những thách thức khi xây dựng Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai, theo ông Dũng, đầu tiên, do đây là việc làm mới, chưa có tỉnh/thành phố nào trên cả nước làm. Do vậy, Lào Cai chủ yếu tham khảo qua các tài liệu và xây dựng dựa trên góc nhìn giải quyết các bài toán mà tỉnh nhận thấy. Thứ hai, về chính sách của Trung ương thì chưa ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia, còn các Bộ, ngành cũng chưa ban hành được đầy đủ Chiến lược dữ liệu của ngành; Chưa ban hành đầy đủ danh mục CSDL dùng chung, dữ liệu mở; Chưa ban hành đầy đủ danh mục các hệ thống/phần mềm chuyên ngành mà cấp địa phương cần thực hiện. Vì vậy, gây khó khăn trong việc có căn cứ để tỉnh thực hiện.
Thách thức cuối cùng là do đa số các CQNN trên địa bàn tỉnh chưa nắm được bức tranh dữ liệu tổng thể của ngành mình. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác thu thập, khảo sát lấy dữ liệu. Ngoài ra, nhiều cơ quan còn lúng túng trong việc xác định các bài toán của đơn vị có thể giải quyết hiệu quả bằng phân tích, dự báo dữ liệu.
Để giải quyết những rào cản này, theo ông Dũng, tỉnh đã hợp tác với tập đoàn FPT để thực hiện tư vấn Chiến lược dữ liệu trong thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và tập đoàn FPT. Chính nhờ sự tham gia của các chuyên gia đã giúp ích nhiều trong công tác trình bày, khảo sát đến từng các Sở, ngành để các Sở, ngành hiểu được tầm quan trọng và cách thức phối hợp để hoàn thiện Chiến lược dữ liệu của tỉnh.
Giải pháp thứ hai là tỉnh Lào Cai đã phải rà soát tất cả văn bản, định hướng của Chính phủ và của các Bộ, ngành liên quan đến phát triển dữ liệu để đảm bảo Chiến lược dữ liệu tuân thủ theo định hướng của Quốc gia và của Bộ, ngành. “Quan điểm của Lào Cai là với các dữ liệu mà các ngành đã có văn bản định hướng rõ ràng thì sẽ tuân thủ thực hiện theo. Còn với dữ liệu mà các Bộ, ngành chưa ban hành thì sẽ xuất phát từ nhu cầu quản lý thực tế theo chức năng, nhiệm vụ của Sở, ngành”, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai nói.
Ngoài ra, Sở TT&TT Lào Cai đã khảo sát toàn diện các Sở, ngành từ nhu cầu quản lý dữ liệu, nhu cầu dùng chung dữ liệu và nhu cầu chia sẻ dữ liệu để có cơ sở xác định đâu là các cơ sở dữ liệu dùng chung để tập hợp chia sẻ trở lại cho các cơ quan nhà nước, giúp hạn chế trùng lặp dữ liệu.
Về những bài học rút ra, theo Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai, cần xác định rõ 2 mức khi làm Chiến lược dữ liệu. Ở mức tỉnh/thành phố thì là xác định các định hướng, các bài toán phát triển dữ liệu cho các ngành, lĩnh vực, không nên quá chi tiết vào dữ liệu của từng, ngành lĩnh vực. Còn ở mức các Sở, ngành thì cần bám sát theo các văn bản định hướng của Bộ, ngành, kết hợp với nhu cầu sử dụng dữ liệu thực tế trong hoạt động chuyên môn.
Bên cạnh đó, cần xác định được rõ bối cảnh mà địa phương mình đang gặp phải để giải quyết đúng trọng tâm mà tỉnh/thành đang cần giải quyết. Hay phối hợp với các tập đoàn lớn mạnh, có đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ giỏi để phối hợp trong công tác xác định bài toán, định hướng khai thác dữ liệu trong từng ngành, lĩnh vực.
“Các địa phương nên làm sớm, vì chiến lược dữ liệu sớm được ban hành thì các cơ quan sẽ có định hướng chung để thực hiện ; góp phần đảm bảo các dữ liệu được chia sẻ, liên thông; giảm việc phải chuẩn hoá, làm sạch dữ liệu trong công tác phân tích, xử lý dữ liệu ; đồng thời cũng là định hướng để các cơ quan đầu tư CNTT không bị chồng chéo, trùng lắp, gây ra lãng phí nguồn lực”, ông Dũng kết luận.
Với góc nhìn của DN, ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT Information System - thành viên Tập đoàn FPT đã có những đề xuất thiết thực, nhằm tạo điều kiện để các DN công nghệ số như FPT hỗ trợ đắc lực hơn cho khối nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL).
Thứ nhất, đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do chính phủ và DN cung cấp. Thứ hai, cần sớm thành lập Cơ quan chuyên trách Quốc gia về Hợp tác Công tư cho ngành CNTT. Thứ ba, chuyên gia FPT đề xuất thí điểm cơ chế cho phép DN được cung cấp một số dịch vụ từ các CSDL quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên gia FPT cho biết thêm, để xây dựng CSDL hiệu quả, cần thực hiện kết hợp giữa ba yếu tố công nghệ, con người, hành lang pháp lý.
Ngoài FPT, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn khác của Việt Nam như Viettel, VNPT, MISA, FSI cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa DN và chính quyền trong tạo lập, khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, DN và những mô hình hợp tác hữu ích./.