Chuyển đổi số

Yên Bái tăng cường sử dụng chữ ký số để bứt phá chuyển đổi số

Hoàng Linh 16:14 18/05/2023

Công cuộc chuyển đổi số (CĐS) đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Đây cũng chính là cơ hội và thử thách để chữ ký số (CKS) tiến gần tới nhiều người dân hơn nữa khi CĐS sẽ số hóa hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản,… giúp giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và nhân dân.

Ngày 18/5/2023, tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị Tuyên truyền về CKS, dịch vụ chứng thực CKS năm 2023.

Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức tỉnh Yên Bái, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CKS, xác thực điện tử, an toàn thông tin và các tổ chức, DN có liên quan đã tham dự.

hoi-nghi-18052023.jpg
Đông đảo đại diện các cơ quan Yên Bái bày tỏ quan tâm đến áp dụng triển khai CKS

Sử dụng CKS cá nhân còn thấp

Ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc NEAC cho biết thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet và công cuộc CĐS diễn ra ở khắp nơi, giao dịch điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. “Việc triển khai áp dụng CKS rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, DN và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, DN”.

ong-truong-neac-18052023.jpg
Ông Đặng Đình Trường: áp dụng CKS rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, DN và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.

Tại Việt Nam, hiện nay 100% DN đã sử dụng CKS chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, ông Trường cho biết tỷ lệ người dân sử dụng CKS còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 5/2023, trên toàn quốc, số lượng chứng thư số đang hoạt động 2.080.000 chứng thư số tăng 16,13 % so với cùng kỳ năm 2022 (là 1.791.057 chứng thư số). Trong số các chứng thư số đang hoạt động có 1.596.127 chứng thư số DN, tổ chức và 483.675 chứng thư số cá nhân.

Theo phân tích của ông Trường, một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng CKS cá nhân còn thấp gồm: người dân, DN chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng CKS hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng, quy định về áp dụng CKS chưa phủ rộng đến khắp các loại hình giao dịch điện tử...

Công cụ thiết yếu để CĐS

Trao đổi với đông đảo đại biểu quan tâm tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC cho biết "CKS" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng. Theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác: Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên (Quy định tại khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ).

ong-hoan-18052023.jpg
Ông Phạm Quốc Hoàn: CKS là công cụ thiết yếu để CĐS

CKS có hệ thống pháp lý đầy đủ, áp dụng cho tất cả các đối tượng sử dụng (cá nhân, tổ chức), đối tượng áp dụng (văn bản, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng...); có thị trường cung cấp dịch vụ CKS cạnh tranh, công nghệ đa dạng; có các loại hình công nghệ thuận tiện: USB Token, SIM PKI, ký số từ xa (remote signing). Các nhà cung cấp dịch vụ có kinh nghiệm triển khai các dự án áp dụng CKS trong các ngành quan trọng như thuế, hải quan, bảo hiểm.

Ông Hoàn nhấn mạnh: “CKS là công cụ thiết yếu để CĐS. Các tổ chức trong tất cả các ngành đã bắt đầu thực hiện CĐS, thực hiện đổi mới, số hóa các quy trình và dịch vụ để duy trì hoạt động kinh doanh, dịch vụ công trực tuyến. CKS đã thể hiện như một công nghệ nền tảng thiết yếu có thể giúp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục đồng thời cho phép số hóa các quy trình lâu nay vẫn là thủ công và dựa trên giấy tờ”.

“CKS được công nhận về mặt pháp lý, các cơ quan, DN ngay cả trong các ngành được quản lý chặt chẽ như dịch vụ công, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đều có thể áp dụng để ký số từ xa các giao dịch, văn bản, hóa đơn, chứng từ điện tử, thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch CĐS”, Phó Giám đốc NEAC chia sẻ thêm.

khai-truong-18052023.jpg
Các đại biểu nhấn nút khai trương tích hợp CKS vào cổng DVC tỉnh Yên Bái

Yên Bái tăng cường sử dụng CKS để bứt phá CĐS

Tỉnh Yên Bái đang tích cực CĐS nhằm trở thành mô hình mẫu về CĐS toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về CĐS ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Năm 2023 được tỉnh Yên Bái chọn là năm “bứt phá trong CĐS”, chính vì vậy, ông Đặng Đình Trường cho biết việc tăng cường sử dụng CKS trong giao dịch điện tử, xác định tính pháp lý cho các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng góp phần khẳng định công cuộc CĐS tại Yên Bái đang diễn ra mạnh mẽ, tích cực.

CKS được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu (tổ chức, DN). CKS đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, DN và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử, là yếu tố quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới CĐS, chính phủ số trong tương lai.

ong-nguyen-thuc-manh-18052023.jpg
Ông Nguyễn Thúc Mạnh: việc sử dụng CKS trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái được triển khá sớm

Ông Nguyễn Thúc Mạnh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cho biết thêm trong bối cảnh CMCN 4.0, CĐS, CKS đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ tổ chức cá nhân, DN, cơ quan nhà nước giao dịch trên môi trường mạng ở các khía cạnh: Phục vụ tính toàn vẹn của giao dịch, ký kết hợp đồng trực tuyến; đảm bảo tính toàn vẹn của tài liệu điện tử, email, văn bản, hợp đồng, văn bản báo cáo; xác định danh tính cá nhân, tổ chức trong các hoạt động trực tuyến; Chứng thực và phê duyệt các thông tin tài liệu điện tử.

Theo ông Nguyễn Thúc Mạnh, việc sử dụng CKS trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái được triển khá sớm. Hiện cơ bản các cơ quan, người đứng đầu, cấp phó tỉnh Yên Bái đã được cấp CKS chuyên dùng để ký, phát hành văn bản điện tử, và điều hành công việc trên địa bàn. Bên cạnh đó, các công chức được cấp CKS của tỉnh cũng đã tăng lên. 50% cán bộ tương đương cấp huyện đã được cấp sử dụng, ký phát hành văn bản điều hành, thực hiện các TTHC bằng CKS.

Ngoài triển khai CKS chuyên dùng, theo chỉ đạo của tỉnh, ông Nguyễn Thúc Mạnh cho biết Yên Bái cũng phát triển CKS công cộng phục vụ cá nhân, DN để phát triển công dân số.

Mặc dù có các giải pháp tuyên truyền, vận động trong bộ máy đến người dân, DN nhưng hiện nay tỷ lệ DN, tổ chức, cá nhân được cấp CKS còn thấp, chưa đến 2%, do đó việc Sở TT&TT, NEAC phối hợp tổ chức, tuyên truyền phát triển CKS công cộng đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay.

ky-ket-ky-so-yen-bai-18052023.jpg
NEAC, Sở TT&TT tỉnh Yên Bái, Câu lạc bộ CKS và giao dịch điện tử Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA công cộng) đã ký kết hợp tác với các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng CKS, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa để thực hiện các giao dịch điện tử.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày các giải pháp, xu hướng mới trong việc ứng dụng CKS như triển khai ký số trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phục vụ số hóa, bóc tách dữ liệu; tích hợp giải pháp ký số vào cổng dịch vụ công; ứng dụng CKS vào hóa đơn điện tử và các nền tảng hợp đồng điện tử./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái tăng cường sử dụng chữ ký số để bứt phá chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO