Tại sao các vụ lừa đảo trực tuyến tăng trong 6 tháng đầu năm 2023?
Các hình thức lừa đảo trực tuyến đang gia tăng với mức độ tinh vi và người dân cần tăng cường nhận diện.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ TT&TT chiều ngày 5/7, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT cho biết Bộ TT&TT đã phát động “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023 trên không gian mạng Việt Nam.
Theo đó, Cục ATTT đã xác định 24 hình thức lừa đảo và đang tích cực tuyên truyền đến người dân. Theo ông Trần Quang Hưng, “các hình thức lừa đảo này không hẳn mới nhưng năm nay đang có sự chuyển dịch sang hướng tập trung vào các đối tượng người yếu thế là người già, trẻ em, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp…”.
Phân tích hiện trạng này, ông Hưng cho biết khi công nghệ phát triển nhanh, điện thoại thông minh (smartphone) được phổ cập rộng rãi, nhiều người dân sử dụng công nghệ, smartphone nhiều hơn. Bên cạnh đó, hiện đang có xu hướng hình thành các hình thức lừa đảo có tổ chức tập trung và đã xuất hiện tại một số nước lân cận và cũng có những đối tượng là người Việt tham gia vào lừa đảo nên có tình trạng diễn ra mạnh hơn.
Cũng do công nghệ phát triển nhanh, các đối tượng tội phạm cũng khai thác, giả mạo giống như thật hơn, nên việc nhận diện các hình thức lừa đảo khó hơn. Do vậy, Bộ TT&TT phát động chiến dịch tuyên truyền nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2023, ông Hưng cho hay.
Ông Trần Quang Hưng nhận định nhiều người dân bị lừa do chưa được cập nhật, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo trực tuyến nên việc tập trung tuyên truyền nhận diện các hình thức lừa đảo đến càng nhiều người càng tốt, nhất là cảnh báo người yếu thế. Đây là cái gốc xử lý về lâu dài.
Các hình thức lừa đảo thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi, theo đó, ông Trần Quang Hưng cho biết chiến đấu về công nghệ thì cần tuyên truyền nhanh nhất, sớm nhất.
Ông Trần Quang Hưng cũng nhấn mạnh chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” có điểm khác so với các năm trước. Mọi năm, việc tuyên truyền nhận diện về lừa đảo trực tuyến là của cơ quan nhà nước (CQNN), doanh nghiệp (DN) và chưa chạm tới người dân nhất. Năm nay, bên cạnh cơ quan nhà nước, các DN trong Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng, người nổi tiếng (KOLs), đoàn thanh niên…, chiến dịch có nhiều hình thức tuyên truyền và có tiếp cận dễ dàng hơn như có các video clip phù hợp nhất cho từng nền tảng mạng xã hội để việc tuyên truyền nhanh, phù hợp, dễ tiếp cận nhất.
Cũng theo ông Trần Quang Hưng, trước đây, việc nhận diện lừa đảo trực tuyến khiến CQNN phải khá mất nhiều thời gian. 6 tháng gần đây, người dân chủ động báo cho CQNN về các hành vi lừa đảo. Đây là thông tin quý giá giúp các cơ quan chức năng biết và kịp thời cảnh báo.
Ngay trong tuần này, ông Trần Quang Hưng cho biết, đang có những vụ việc về lừa đảo người dân cài đặt app mạo danh cơ quan thuế để nộp thuế trực tuyến. Có người dân đã nhận diện được hình thức lừa đảo và này gửi đến cổng khonggianmang.vn. Cục ATTT đã phân tích ra là có đến 195 hệ thống, tập trung thu hút người dân cài đặt app giả mạo nộp thuế, làm dịch vụ công dễ dàng rồi đăng ký tài khoản dẫn đến bị lừa tiền.
Phó Cục trưởng Cục ATTT nhận định, các hình thức lừa đảo trực tuyến cần được tuyên truyền để lan toả nhanh nhất, sớm nhất và những người tham gia mạng biết được các lừa đảo thì báo cáo với các cơ quan chức năng và gửi đến các hệ thống trực tuyến, đầu số 156 để phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến cơ quan chức năng nắm bắt được thông tin nhanh nhất để có biện pháp kịp thời.
Tổng cục Thuế cảnh báo tình trạng giả danh cơ quan thuế để trục lợi
Về tình trạng giả danh cơ quan thuế để trục lợi, Tổng cục Thuế ngày 5/7 cũng đã thông tin cảnh báo đến cộng đồng DN và người nộp thuế về việc thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện quảng cáo các dịch vụ trực tuyến về những tên miền, app giả mạo cơ quan thuế được các đối tượng xấu thiết lập và sử dụng với mục đích lừa đảo về việc ủy quyền đóng thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp;…
Đáng chú ý, hiện tượng các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động mà còn sử dụng in nhắn giả mạo thương hiệu để gửi tin nhắn nhằm thực hiện thủ đoạn phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng truy cập các app giả mạo cơ quan thuế.
Điển hình, một số đối tượng giả danh công chức thuế gọi điện cho người dân hướng dẫn truy cập vào đường link “gdtgov.cfd” tải App giả mạo Tổng cục Thuế để cập nhật Căn cước công dân (CCCD) vào hồ sơ đăng ký kinh doanh. Có trường hợp các đối tượng giả danh cơ quan thuế để yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân…
Cơ quan thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh). Vì vậy, để tránh tình trạng lừa đảo khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế hoặc thực hiện các nghiệp vụ về thuế, người nộp thuế có thể liên hệ các đầu mối của Cục Thuế, Chi cục Thuế trên địa bàn để được hỗ trợ qua số điện thoại được niêm yết trên trang Thông tin điện tử của các Cục Thuế.
Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo, người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý rằng, Trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn". (Ví dụ: Trang TTĐT Tổng cục Thuế có tên miền: https://www.gdt.gov.vn)
Nhằm giúp người nộp thuế phòng tránh với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, Tổng cục Thuế đề nghị, trường hợp nhận được các tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới DN viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật./.