Thị trường rộng mở
Thương mại song phương giữa Việt Nam và ASEAN trong những năm gần đây ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nếu như năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN mới đạt 21,7 tỷ USD, thì đến 11/2022 con số này là 31,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với 4 năm trước. Các nhóm hàng xuất khẩu chính gồm sắt thép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt, may…
Có thể nói, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại và mẫu mã, đặc biệt là hàng dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản… Một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường các nước ASEAN. Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải đã phải nhanh chóng chuyển hướng thị trường khi việc xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc bị tác động bởi chiến tranh và dịch bệnh. Chọn thị trường mới là khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp cũng hoàn thành việc xin cấp chứng nhận Halah và trong thời gian ngắn nữa, nước ép thanh long cũng sẽ lên kệ siêu thị tại Malaysia.
"Trong bối cảnh hiện nay, cước phí logistics càng ngày càng tăng, tôi nhận thấy các nước ở gần Việt Nam là cơ hội cho mình và đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo nên mình cố gắng tập trung vào những thị trường mới nổi như Malaysia, Indonesia", ông Phạm Cao Vân, Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải cho hay
Hiện nay, ASEAN là thị trường đứng thứ 4 thế giới về quy mô, tiếp tục được đánh giá là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khu vực thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt.
ASEAN là thị trường không quá khắt khe lại thuận tiện về vận chuyển, logistics giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển kéo theo hoạt động xuất khẩu hàng Việt gặp nhiều thuận lợi.
Doanh nghiệp phải tự làm mới mình
Việc tham gia Hiệp định RCEP đã mở ra cơ hội đối với hàng xuất khẩu không chỉ ở ưu đãi thuế quan mà còn ở nguyên tắc cộng gộp xuất xứ toàn khối. Nguyên tắc này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chí xuất xứ của hiệp định, dễ dàng hưởng ưu đãi thuế quan, đặc biệt trong bối cảnh nhiều hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ các nước thành viên RCEP.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức khi tất cả các nước thành viên RCEP đều được hưởng lợi từ hiệp định. Hơn nữa, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tương tự Việt Nam hoặc sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn, gây ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Phân tích lý do khiến hàng Việt khó "chen chân" vào thị trường ASEAN, các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, nguyên nhân chính là do sự tương đồng nhất định về chủng loại hàng hóa. Ngoài ra hàng vào ASEAN còn phải cạnh tranh quyết liệt với hàng công nghệ cao của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong quá trình xuất khẩu sang thị trường ASEAN doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ những nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Riêng với các mặt hàng nông sản, nhiều hàng rào kỹ thuật cũng được dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước khiến "cánh cửa" để hàng hóa Việt xuất khẩu sang thị trường này ngày càng hẹp hơn.
Là doanh nghiệp kinh doanh lâu năm trên thị trường ASEAN, đại diện Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo thừa nhận, việc cạnh tranh ở thị trường ASEAN không hề đơn giản. Riêng với thị trường Thái Lan, sản phẩm Mỹ Hảo cũng chỉ bán được tại các địa phương vùng sâu vùng xa, còn tại Bangkok và những điểm du lịch lớn lại không thể "chen chân" được với sản phẩm Thái Lan.
Dù vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động tìm hiểu các cam kết trong Hiệp định để vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi, đồng thời đáp ứng quy định, yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng thì cơ hội sẽ là nhiều hơn thách thức. Để phát huy lợi thế từ Hiệp định RCEP, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
"Thị trường ASEAN nhập nhiều nhất là Thái Lan, trong đó thanh long và sau đó là dừa. Nói chung thị trường mở nhưng doanh nghiệp chúng ta có hàng hay không. Điều này đòi hỏi người sản xuất nông dân phải liên kết với doanh nghiệp để có thể tạo ra nguyên liệu đạt chuẩn", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.
Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa… cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia, từ đó tập trung chuyên sâu về chế biến để tạo sự khác biệt và vượt trội về chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại để hạn chế những rủi ro trong quá trình thực hiện và thanh toán hợp đồng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và khu vực, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa thế giới và khu vực để có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả./.