Thị trường bưu chính phát triển nhanh và những vấn đề
Tại Hội nghị chuyên đề Bưu chính công tác bảo đảm an toàn, an ninh và mã địa chỉ bưu chính Vpostcode do Bộ TT&TT tổ chức ngày 28/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Lĩnh vực bưu chính - chuyển phát đang phát triển nhanh cùng với sự bùng nổ và tiềm năng của thương mại điện tử (TMĐT).
Đứng trước cơ hội như vậy, số doanh nghiệp (DN) chuyển phát với quy mô hoạt động, doanh thu khác nhau xin cấp phép tăng nhanh. Hiện thị trường có khoảng 500 DN bưu chính - chuyển phát được cấp phép. Ngoài nhiều DN bưu chính, còn nhiều DN vận tải nữa cũng xin cấp phép để phục vụ thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định có một số hiện tượng nhức nhối như DN áp dụng giá dịch vụ bưu chính - vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh dẫn đến bóp méo thị trường. Nhiều DN xin cấp phép hoạt động và xe chuyển phát được ghi là "Xe bưu chính" nhưng không thực hiện chuyển phát, tránh bị kiểm tra.
Cũng tại Hội nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cho biết: tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện để lắp ráp vũ khí trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt 7.270 bưu phẩm, bưu kiện tán phát qua dịch vụ bưu chính chứa 8.022 loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản Facebook, 6000 đường dẫn video YouTube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Trong khi đó, Đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an nhận định: Nhiều DN bưu chính do cạnh tranh, chạy theo lợi nhuận đã bỏ qua các quy định của pháp luật về bưu chính và vận chuyển hàng hóa, chưa chú trọng trong việc kiểm soát sản phẩm gửi dẫn đến việc bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để vận chuyển các loại hàng hóa cấm như ma túy, vũ khí…
Không ít DN bưu chính, giao hàng nhanh được thành lập và kinh doanh trong khi phương tiện, nhân lực không đủ nên chỉ đứng ra làm đơn vị trung gian, thu gom các đơn hàng rồi thuê lại mạng lưới bên thứ 3 để hưởng phần trăm, dẫn đến chất lượng không đảm bảo, cá biệt có trường hợp đánh tráo hàng hóa…
Đối với TMĐT, đa số hàng hóa là nguyên đai nguyên kiện từ khi chấp nhận, khai thác đến khi phát cho khách hàng nên DN bưu chính không kiểm soát được nội dung bưu gửi theo quy định tại Luật Bưu chính. Thực tế công tác cho thấy chủ yếu các bưu gửi bị phát hiện chứa ma túy, vũ khí, công cụ hỗ trợ là qua dịch vụ TMĐT. Thời gian qua các đối tượng có sự chuyển dịch từ việc lợi dụng dịch vụ của DN bưu chính truyền thống như bưu điện, Viettel sang sử dụng dịch vụ của các DN khác như giao hàng nhanh, gửi hàng tiết kiệm…
Do phương thức, thủ đoạn gửi nhận của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó và qua mặt sự phát hiện của giao dịch viên tiếp nhận bưu gửi. Các đối tượng thường đăng quảng cáo trên mạng Internet, bán hàng online và gửi làm nhiều lần, kê khai tên mặt hàng trong bưu gửi không dừng…
Ông Nguyễn Đức Lê, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương nhận định: Vẫn có những đối tượng tìm mọi cách chống phá, tìm các phương tiện để vận chuyển hàng hóa ngoài danh mục cấm, bưu kiện mầm bệnh… qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh.
Tăng cường các biện pháp số để thị trường lành mạnh
Trước những thách thức đối với bưu chính chuyển phát trong thời gian qua, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết Bộ TT&TT sẽ tạo thuận lợi cho DN phát triển, chuyển đổi số thành công và tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế nhưng các DN phải tuân thủ các quy định pháp luật để phát triển lâu dài, bền vững làm lành mạnh thị trường. Bộ TT&TT cùng các đơn vị liên quan sẽ tăng cường kiểm tra DN để giúp DN Việt phát triển.
Bộ TT&TT đang lập cơ sở dữ liệu các DN bưu chính - chuyển phát để cập nhật dữ liệu, số liệu để quản lý và định hướng DN phát triển. Các DN không nên chạy theo xu hướng thị trường như đã từng xảy ra đối với một số lĩnh vực mà giờ đây nhiều đơn vị phải thoái vốn do thị trường đã sàng lọc.
Ông Nguyễn Đức Lê, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết: khi môi trường mạng ngày càng phát triển, các hoạt động giao dịch điện tử đều đã lưu trên hệ thống nên bất cứ lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra được. Trên bưu kiện hiện nay cũng đã dán mã vạch, cơ quan chức năng kiểm tra, có thể quét mã vạch và có các thông tin giao dịch.
Hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường đang chuẩn bị triển khai một hệ thống xác nhận hóa đơn chứng từ điện tử, theo đó, các công ty bưu chính – vận chuyển trước khi vận chuyển hàng hóa trên đường sẽ được cung cấp tài khoản để có thể quét hóa đơn chứng từ lên hệ thống. Ví dụ, xe chở hàng hóa có biển số sẽ kèm thông tin số lượng hàng hóa nhập lên lên hệ thống. lực lượng quản lý thị trường ở 63 tỉnh, thành căn cứ mã QR để có thể kiểm tra, đối chiếu hàng hóa trên xe.
Ông Lê cũng nhấn mạnh: Các DN bưu chính – chuyển phát hiện nay cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhưng không vì thế mà buông lơi trách nhiệm của mình. Các DN phải kết hợp cơ quan chức năng để làm lành mạnh thị trường, đảm bảo an toàn sản phẩm, dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đối với người gửi hàng hóa qua đường bưu chính, phải chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến hàng hóa liên quan. Các hàng hóa lớn phải có hóa đơn, cung cấp hóa đơn điện tử, cung cấp thông tin của người gửi, người nhận.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công an đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị như: Thanh tra Bộ, Vụ BC, Các sở TT&TT các tỉnh, thành phố và các DN bưu chính thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 95/CT-BTTTT 11/2016 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong việc thực hiện và sử dụng dịch vụ bưu chính và chỉ thị số 28/CT-BTTTT ngày 8/5/2020 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.
Thông qua công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực, Bộ TT&TT, các DN bưu chính chủ động phối hợp, trao đổi Bộ Công an khi có thông tin liên quan hoạt động gửi hàng cấm, đặc biệt là vũ khí, công cụ phương tiện hỗ trợ để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.
Bộ TT&TT phối hợp Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động toàn dân giao nộp vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị địa phương đẩy mạnh tổng kiểm tra mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Được biết, ngày 8/5/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-BTTTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện. Các DN, đơn vị bưu chính phải phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.