Việt Nam chưa dự báo được lũ quét
Lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng thiên tai vô cùng nguy hiểm, hàng năm đều gây thiệt hại về người và tài sản cho tại các tỉnh miền núi.
Tuy nhiên, để dự báo, cảnh báo được chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là "bài toán khó" đang được ngành KTTV đặc biệt quan tâm tìm lời giải.
Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế; thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất; sự thay đổi về sử dụng đất, khai thác khoáng sản, làm đường…
"Chúng ta sẽ triển khai nghiên cứu, điều tra trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng, đi cùng phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ, địa phương nắm bắt hiện trạng, nguy cơ, có định hướng quy hoạch, có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại".
Ông Trần Hồng Thái -
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV
Nhằm bước đầu khắc phục những hạn chế đó, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã chỉ đạo Tổng cục KTTV và các viện nghiên cứu, các nhà khoa học bằng mọi giá cần có những giải pháp để thực hiện.
Đến nay, Tổng cục KTTV đã bước đầu có các giải pháp tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.
Mức cảnh báo nguy cơ từ cao đến rất cao, chi tiết hiển thị theo phổ màu kèm bảng biểu địa danh khu vực để các cấp quản lý, cơ quan chỉ đạo về phòng chống thiên tai nắm bắt nhanh chóng, trực quan.
Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: "Tổng cục đang chuyển tải các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV qua nhiều kênh thông tin. Cụ thể, Tổng cục đã xây dựng Trang tin báo cáo về các thông tin dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại địa chỉ https://www.khituongvietnam.gov.vn/. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV cũng được chuyển tải qua kênh chính thức đến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với phương thức chủ yếu là truyền file dữ liệu".
Từng bước ứng dụng
Ngoài việc thông tin kịp thời, Tổng cục KTTV sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả việc cảnh báo, dự báo sớm các thiên tai, thực hiện chỉ đạo của Bộ TNMT, Tổng cục KTTV đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn việc tổ chức nhắn tin dự báo, cảnh báo sớm nhất đến người dân địa phương bị tác động bởi thiên tai.
Ngành KTTV cũng sẽ tiếp tục thực hiện cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương tại các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai để cụ thể hóa chiến lược xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động theo định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới, nhằm tiếp tục giảm hơn nữa thiệt hại do thiên tai gây ra.