Truyền thông

Tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Hồng

P.V 09:53 03/10/2023

Phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) sẽ thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh, thành phố trong vùng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... tạo động lực bứt phá về kinh tế - xã hội cho khu vực trong tương lai.

Yêu cầu cấp bách từ thực tiễn

Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố, chiếm 6,42% diện tích (21.278 km2). Vùng có trình độ phát triển kinh tế thứ 2 cả nước, sau vùng Đông Nam Bộ. Giai đoạn 2005 - 2020, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,94%/năm; năm 2020, chiếm 29,4% GRDP cả nước, thu nhập bình quân gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỉ lệ đô thị hóa trên 41%, trên 99% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; vùng đất rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển của vùng ĐBSH chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Giao thông vận tải chưa phát triển hài hòa, đường bộ, đường không phát triển khá tốt nhưng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu. Vùng ĐBSH chưa tạo được sự đồng bộ, liên hệ hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng để tạo tiền đề cho đầu tư, thu hút đầu tư và phát triển.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) Nguyễn Danh Huy cho rằng, vùng ĐBSH còn khó khăn trong thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có vấn đề thể chế. Theo ông Huy, thể chế chưa đủ, chưa tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, nguồn lực tư nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải cũng không đơn giản.

Nhận định về phát triển ĐBSH, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, một điểm rất rõ trong phát triển của vùng ĐBSH là phát triển không đồng đều giữa các tỉnh. Vùng cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tầm vóc và sự quan tâm đầu tư của đất nước.

Vì thế, phát triển kết cấu hạ tầng vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được nêu ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH, được cụ thể hóa tại chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề nguồn lực là bài toán cần có lời giải để đáp ứng yêu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần có các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện những dự án liên vùng kết nối.

Ưu tiên triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng

Vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông - Vận tải vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là "lối mở" để gỡ các "nút thắt" đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ trong thời gian tới.

vd42-1605.jpg
Cần huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực đồng hộ.

Trong chương trình này, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSH theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững.

Cụ thể, đến năm 2025, với đường bộ, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; huy động nguồn vốn tiếp tục đầu tư đường Vành đai 5, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; hoàn thành cải tạo nâng cấp tuyến Quốc lộ 4B qua Lạng Sơn; huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trong vùng như Quốc lộ 4B đoạn qua Quảng Ninh, Quốc lộ 21C đoạn Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.

Về đường sắt, trong giai đoạn này, Bộ Giao thông - Vận tải tập trung khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số ga trên tuyến đường sắt hiện có Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn; tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi). Đáng chú ý, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Để tăng cường năng lực vận tải trên sông Hồng, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống. Cùng với đó là khai thác hiệu quả Cảng Hàng không Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi.

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, sẽ ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngân sách đầu tư cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics, cảng cạn gắn với đầu mối vận tải lớn.

Từng bước tái cơ cấu thị phần vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ ưu tiên phát triển thành phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch là nâng cấp, cải tạo, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không hiện có trong vùng; ưu tiên bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm.

Cùng với đó, đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO