Tập trung nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" trong năm 2020

Xuân Tuấn| 04/09/2020 22:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất.

Chiều 4/9 tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 8/2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, đồng thời, đánh giá bước đầu về tình hình KTXH năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021...

Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu

Trong tháng 8 vừa qua, chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19 rất thành công. Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp.

Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Trong bối cảnh, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp và sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch COVID-19. Một số ý kiến dự báo về khả năng "suy thoái kép" của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh.

Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2 - 3% trong năm 2020.

Chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23% chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp (DN) chưa giải quyết được thị trường đầu ra. Dự trữ ngoại hối tăng.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt không cao, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tính đến hết tháng 7/2020, đã thực hiện chi gần 88 nghìn tỷ đồng (ngoài dự toán NSNN năm 2020) để hỗ trợ chính sách, trong đó miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cho các DN, người dân khoảng 71,9 nghìn tỷ đồng; chi khoảng 15,8 nghìn tỷ đồng từ NSNN cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%); cao nhất giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, tổ chức 7 đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ phân loại dự án, tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc…

Công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng, song chúng ta đã thu hút được 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6 - 2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, nguồn cung thịt lợn tăng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000 - 83.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Một điểm sáng của ngành nông nghiệp là nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%).

Đặc biệt đã xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%...

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Kéo theo đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước). Tính chung 8 tháng giảm 0,02%.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là DN nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89.000 DN thành lập mới, giảm 2%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số DN quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm hiệu quả, khách quan, công bằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới.

Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành tham dự họp báo

06/6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 tại Indonesia đều đạt giải cao; trong đó có 01 huy chương vàng, 04 huy chương bạc và 01 huy chương đồng.

Các lĩnh vực xã hội được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và DN gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện. Đời sống người dân được bảo đảm; thiếu đói không phát sinh trên phạm vi cả nước (có 16.500 lượt thiếu đói, 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói; giảm 75,3% về số lượt hộ và giảm 75,4% về số lượt nhân khẩu).

Tai nạn giao thông tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả, giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giảm 12,4%, số người chết giảm 14,8%, số người bị thương giảm 15,2%).

Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm, gây bức xúc trong nhân dân. Thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 4 nghìn tỷ đồng.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chúng ta chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế trong nước; nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH là rất khó khăn.

Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Toàn cảnh họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020

Trong giai đoạn này, Thủ tướng chỉ đạo chú trọng củng cố trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế. Coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển KTXH.

Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên có tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn.

Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, nhưng cũng không cách ly, giãn cách rộng một cách không cần thiết, khiến người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" trong năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO