Thách thức bảo hộ bản quyền trên không gian mạng và giải pháp

Hoàng Linh| 26/04/2022 22:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời đại số mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền tác giả.

Bảo hộ bản quyền để phát triển kinh tế - xã hội

Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT, Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trung bình mỗi ngày, mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 30 phút để vào Internet, trong đó 2 giờ 33 phút là dành cho mạng xã hội. 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày. Chỉ số này cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Điều đó cho thấy người Việt Nam rất quan tâm đến thông tin và Internet.

Tại toạ đàm "Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng" ngày 26/4/2022 do Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức, ông Ngô Minh Quý, Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel cho biết người sử dụng mạng giờ đây chuyển từ đọc tin tức trên báo giấy sang đọc tin tức online. Người đọc cũng có xu hướng đọc bình luận, chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội. Mạng xã hội trở thành một nguồn cung cấp thông tin không chính thống, theo đó, tốc độ lan toả thông tin trở nên nhanh chóng và phủ rộng, khó nắm bắt.

Trước xu hướng này, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho rằng người Việt Nam "nghiện" Internet và mạng xã hội. "Điều này có mặt lợi và cũng có mặt hại. Mặt lợi là giới trẻ tiếp thu công nghệ nhanh. Nhiều người trẻ, startup kinh doanh, kiếm tiền trên mạng rất giỏi. Còn mặt hại là người dùng phụ thuộc, mất tập trung quá nhiều vào điện thoại, mạng xã hội".

Thách thức bảo hộ bản quyền trên không gian mạng và giải pháp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt: môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của chủ thể

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thầm quyền tài phán quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng, bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt khi môi trường số ngày càng phát triển.

Theo số liệu khảo sát của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP và Hàn Quốc là 9,89 GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4,48% GDP.

Tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả với tinh thần

Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất gia nhập 02 Hiệp ước về Internet của WIPO là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việt Nam đã nộp hồ sơ và vừa mới trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022.

Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL cũng đã chủ động tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Bộ TT&TT cũng như các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) để trình Quốc hội thông qua trong tháng 5/2022. Trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL cũng đã tích cực phối hợp với Bộ TT&TT trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Ngày SHTT thế giới năm nay, Tổ chức SHTT thế giới đưa ra thông điệp "SHTT và thế hệ trẻ - Đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai tươi sáng", theo đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng kỳ vọng và tin tưởng các bạn bè, cùng với sự nhiệt huyết, đam mê và năng động của mình sẽ tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động thuộc lĩnh vực, văn học, nghệ thuật và khoa học và giữ vai trò tiên phong, đi đầu trong các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và cùng nhau kiến tạo nên một tương lai tươi sáng.

Thể chế và sự vào cuộc của toàn dân

Bảo vệ bản quyền tác giả, công cụ pháp lý được xem là cái gậy và Luật SHTT sửa đổi được các chuyên gia đánh giá là tiệm cận với các quy định quốc tế. Cho biết thêm về Luật SHTT sửa đổi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL cho biết Quốc hội đang xem xét để thông qua Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật SHTT để đảm bảo Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong hai hiệp định là Hiệp định CPTPP và EVFTA, trong đó có những cam kết liên quan đến trong môi trường không gian mạng.

Việc thông qua Luật sửa đổi sẽ phù hợp với thực tiễn đặt ra trong xã hội, các quan hệ xã hội với một số điểm mới như: (1) có những điều chỉnh về quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất, bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng; (2) các quy định liên quan đến cân bằng lợi ích, giới hạn ngoại lệ quyền.

Thách thức bảo hộ bản quyền trên không gian mạng và giải pháp - Ảnh 2.

Các đại biểu nhận định cuộc chiến chống vi phạm bản quyền cần sự hợp tác của các bên, phải toàn dân đánh giặc

Theo nguyên tắc, bà Oanh cho biết các quyền tác giả, quyền liên quan là các quyền dân sự, độc quyền và bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi khai thác, sử dụng tác phẩm thì phải xin phép, phải thực hiện nghĩa vụ bản quyền trừ các trường hợp liên quan tới trường hợp giới hạn ngoại lệ.

Luật SHTT sửa đổi lần này cũng có những điều chỉnh liên quan để cân bằng lợi ích, trong đó đề xuất sửa đổi các quy định thuận lợi cho mọi người khai thác sử dụng, bảo vệ được bản quyền.

Theo ông Lê Quang Tự Do, các công cụ bảo vệ bản quyền trên không gian mạng cũng gồm 3 nhóm: các công cụ của cơ quan nhà nước (CQNN), của doanh nghiệp và của cá nhân.

"CQNN với nguồn lực cán bộ rất hạn chế nên cần sự hợp tác của các bên, các tổ chức để cùng đạt được lợi ích trong bảo vệ bản quyền. Việc bảo vệ bản quyền SHTT phải đấu tranh rất mạnh. Sự vào cuộc của các bên, doanh nghiệp và người dân nhằm cùng giám sát và yêu cầu tuân thủ", ông Lê Quang Tự Do cho hay.

Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh ý thức của người dùng cũng rất quan trọng việc đảm bảo quyền SHTT. "Nhiều người Việt tâm lý thích miễn phí, thậm chí có thể xem các nội dung "lậu" trên mạng với hình ảnh ảnh kém, trong khi chỉ có thể trả 20.000 - 30.000 đồng/tháng để xem được những bộ phim, bản nhạc, bài hát chất lượng. Bộ TT&TT sẽ tích cực tham gia trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền nhưng cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phải toàn dân đánh giặc".

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, thế giới tuân thủ quyền SHTT rất cao. Thế giới làm được thì không có lý gì Việt Nam không thể làm được.

Nguyên Bộ trưởng cho biết: "bảo vệ bản quyền tác giả là một việc khó nhưng càng việc khó càng phải làm, vừa làm vừa tìm kiếm kinh nghiệm. Việc phối hợp giữa các cơ quan để bảo vệ quyền SHTT cũng rất quan trọng".

Nguyên Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng Internet và mạng xã hội mang lại rất nhiều tinh hoa nếu chúng ta biết gạn lọc. "Chúng ta phải trách nhiệm với tinh hoa với nhân loại và có trách nhiệm với người mang lại trí thức cho mình"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức bảo hộ bản quyền trên không gian mạng và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO