Thách thức lớn nhất của ngân hàng chuyển đổi số là tư duy của lãnh đạo

Nguyễn Thu Huyền| 19/11/2021 14:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, chuyển đổi số là xu thế của thời đại, buộc các ngân hàng phải có tư duy đổi mới, có vai trò tiên phong để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề hội thảo “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - còn nhấn mạnh đến vai trò của việc thay đổi tư duy của lãnh đạo, người dân trong tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng.

PV: Thưa ông, câu chuyện chuyển đổi số ngành ngân hàng được các chuyên gia đánh giá là cần phải ưu tiên vì lĩnh vực này tác động trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của người dân. Vậy, để chuyển đổi số thành công và muốn được người tiêu dùng đón nhận tích cực thì hệ thống ngân hàng phải làm gì?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Việc chuyển đổi số trong thời đại 4.0 thì ngân hàng là một nhân tố hết sức quan trọng và phải đóng vai trò tiên phong trong để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hơn nữa, đây cũng là xu thế của thời đại, bắt buộc các ngân hàng phải có tư duy đổi mới.

Thách thức lớn nhất của ngân hàng chuyển đổi số là tư duy của lãnh đạo - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tôi nhận thấy việc chuyển đổi từ một ngân hàng truyền thống sang một ngân hàng tương tác có nét nổi bật, đó là họ đặt khách hàng là trung tâm thay vì sản phẩm là trung tâm. Điều này cho thấy chuyển đổi số phải là sự thay đổi hẳn về mặt tư duy, để các ngân hàng có tâm thế chuẩn bị để bước vào công cuộc chuyển đổi số.

Thực tế hiện nay các ngân hàng cũng đã chủ động, mà trước hết là đầu tư công nghệ, thay đổi tư tưởng, đào tạo nguồn nhân lực để có bước chuyển đổi số phù hợp và nhanh nhất.

PV: Vậy thách thức thực sự cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Thách thức lớn nhất đối với chuyển đối số ngân hàng trước hết là vấn đề tư duy. Tư duy của chính người đứng đầu của tổ chức tín dụng, và tư duy của người dân khi sử dụng dịch vụ. Khi ngân hàng đưa ra một sản phẩm mà tư duy người tiêu dùng không đồng thuận thì sẽ rất khó.

Đặc biệt, việc lấy khách hàng là trung tâm thì tư duy của người dân lại càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Do đó, việc xây dựng, khảo sát, đánh giá hệ sinh thái để làm sao từ đó đưa hệ sinh thái vào phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân là yêu cầu bức thiết của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi số thành công thì vai trò của hành lang pháp lý cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét để trình Quốc hội sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai một cách đồng bộ, bởi vì vẫn còn vướng hành lang pháp lý.

Như vậy, có thể thấy dù chúng ta đặt ra quyết tâm rất cao với sự chuẩn bị về tài chính, vật lực nhưng nếu không có hành lang pháp lý cũng không thể làm được gì.

Thách thức lớn nhất của ngân hàng chuyển đổi số là tư duy của lãnh đạo - Ảnh 2.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng rất e ngại khi cho chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông vay ưu đãi (Ảnh: Hữu Thắng).

PV: Với câu chuyện vốn cho hạ tầng giao thông, ông có thể đánh giá nhu cầu vốn và những tồn tại trong việc đầu tư vốn cho hạ tầng giao thông hiện nay?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Nhu cầu vốn cho đầu tư cho giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên, đối với các công trình giao thông, việc thu hồi vốn thường kéo dài, ngoài ra việc thu phí lại tăng theo lộ trình nên không đảm bảo tính hiệu quả đầu tư.

Hơn nữa, hiện có hơn 100.000 tỷ dư nợ cho vay về hạ tầng giao thông đang là bài toán khó đối với các tổ chức tín dụng. Cho nên, việc đặt vấn đề để tiếp tục cho vay các dự án giao thông được các tổ chức tín dụng đánh giá hết sức thận trọng.

Thực tế, lộ trình xây dựng thu phí đối với các dự án giao thông, các nhà đầu tư đều không đảm bảo được yêu cầu, điều này khiến cho doanh thu của các chủ đầu tư của các dự án giao thông không đảm bảo được việc trả nợ cho ngân hàng theo đúng tiến độ.

Đây là vấn đề hết sức khó khăn, do vậy, các ngân hàng rất hạn chế và thậm chí là rất cảnh giác cho vay đối với các dự án đầu tư giao thông khi khó thu hồi được vốn và lãi vay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2021, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT giao thông khoảng 105.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất vào hai ngân hàng gồm BIDV và VietinBank Đáng chú ý, tỉ lệ nợ xấu tín dụng BOT giao thông thời gian qua tăng gấp 4 lần tỉ lệ nợ xấu chung của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế.

Tại đối thoại chuyên đề “Giải pháp tài chính đầu tư đường bộ cao tốc - Lựa chọn kênh tiếp cận”, ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ban Tài trợ Dự án, Ngân hàng BIDV cho biết, BIDV đã tài trợ vốn cho 33 dự án hạ tầng giao thông với tổng dư nợ xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% vốn của ngành ngân hàng trong lĩnh vực BOT.

Về mặt lợi ích, các dự án BOT giao thông cũng đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Thế nhưng về khía cạnh ngân hàng, do dự án không theo đúng kế hoạch ban đầu nên các ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng đều phải thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như là cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất. Điều này gây áp lực lớn đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của ngân hàng.

"Đối với các ngân hàng đang tài trợ vốn, khi cân đối rủi ro và giữa lợi ích, việc cho vay lĩnh vực BOT đến nay chưa đem lại lợi ích tương xứng, trong khi rủi ro thì cứ thường xuyên hiện hữu. Vì vậy, chúng tôi hơi nhụt chí trong vấn đề xem xét tham gia vào các dự án BOT giao thông tới đây", ông Hưng cho hay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức lớn nhất của ngân hàng chuyển đổi số là tư duy của lãnh đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO