Về cơ bản các thành phần chính trong CPS sẽ bao gồm: các tác nhân tham gia sử dụng các dịch vụ CPS: người dân, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức có liên quan; tiếp đó là các kênh giao tiếp: môi trường, công cụ giúp người sử dụng tương tác với các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ, ví dụ các cổng dịch vụ công trực tuyến, các trang thông tin điện tử của các bộ hay các kiosk trang bị thông tin tại một cửa điện tử...
Theo ông Nguyễn Minh Hải, Tư vấn giải pháp Fortinet Việt Nam: "Xuyên suốt hạ tầng CNTT của CPS, an toàn an ninh thông tin (ATANTT) là thành phần không thể thiếu, đó là điều kiện bảo đảm để triển khai thành công các thành phần của CPS".
Vẫn theo ông Hải, nội dung bảo đảm ATANTT cho CPS bao gồm: bảo vệ an toàn các thiết bị, an toàn mạng, an toàn hệ thống, an toàn các ứng dụng CNTT, an toàn các dữ liệu quản lý và giám sát...
Yêu cầu ATANTT đối với CPS
Tập đoàn bảo mật Fortinet cho rằng, đối với yêu cầu giám sát và phát hiện, các hệ thống hạ tầng CNTT cho CPS cần được trang bị các giải pháp bảo mật để bảo vệ người dùng đầu cuối, đội ngũ vận hành hệ thống CNTT và các vùng biên của CPS.
Tiếp theo đó là xây dựng và giám sát các bộ chính sách về an ninh thông tin thống nhất là xuyên suốt giữa các cơ quan chính phủ. Đồng thời cần phải giám sát liên tục các hoạt động của các hệ thống, các thiết bị bảo mật ATANTT để nhanh chóng phát hiện các lưu lượng tấn công mạng.
Cần thu thập cũng như lưu trữ các thông tin về hoạt động của toàn bộ hệ thống ATANTT phục vụ giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý sự cố. Định kỳ cũng phải thực hiện các bài kiểm tra dò quét các lỗ hổng trên máy chủ, máy chủ website, trên các website hay là các thiết bị mạng để kịp thời phát hiện ra các lỗ hổng và xử lý các bản vá đó. Cuối cùng là phải đào tạo nhân lực, đội ngũ vận hành ATANTT để nâng cao trình độ tay nghề của họ.
Liên quan đến việc giám sát chủ động và xử lý các cuộc tấn công, yêu cầu đầu tiên là các hệ thống CNTT cần phải trang bị các công nghệ, các giải pháp có khả năng phân tích chủ động, phát hiện các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các cuộc tấn công phức hợp nhằm thu ngắn thời gian phát hiện các cuộc tấn công có chủ đích. Và cũng cần phải xây dựng được bộ quy trình để xử lý nhanh chóng sự cố, giảm thiểu thiệt hại và thời gian để ngưng trệ của hệ thống.
CPS đang phải đối mặt với ATANTT như thế nào?
Về các thách thức ATANTT trong CPS, tại hội thảo chuyên đề 6 với chủ đề "Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới CPS trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong khuôn khổ sự kiện "Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, do số lượng người sử dụng các dịch vụ của CPS là rất lớn, và họ sử dụng nhiều các thiết bị đa dạng khác nhau để tương tác với các dịch vụ của CPS. Hệ thống CNTT của CPS không thể kiểm soát được các thiết bị này, nên không thể đảm bảo rằng đó là các phần mềm, các thiết bị có được cài các thành phẩn chống virus hay không, bản thân các thiết bị đó có sạch hay đã nhiễm virus, và chúng có tương tác với các thành phần liên quan đến CPS hay không?
Để vận hành hệ thống CNTT của CPS cũng đòi hỏi một đội ngũ nhân lực CNTT đông đảo, và có trình độ chuyên môn cao, chỉ cần sai sót trong việc thiết lập một chính sách cũng dễ dẫn đến một lỗ hổng, tạo điều kiện cho các nhóm tin tặc xâm nhập. Đội ngũ nhân lực vận hành hệ thống CNTT liên quan đến CPS tại Việt Nam còn khá mỏng, dẫn đến việc một người phải đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau dẫn đến trình độ nhân lực còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó các chính sách ATANTT giữa các phân vùng mạng, giữa các hệ thống, giữa các ban bộ ngành còn chưa thống nhất và còn nhiều lỏng lẻo chưa theo các tiêu chuẩn Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về ATANTT. Các ứng dụng của CPS cũng đa dạng do có nhiều DN và các tổ chức có trình độ khác nhau phát triển, dẫn đến việc, quy trình nâng cấp cũng như cập nhật các bản vá lỗ hổng còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên bên cạnh những thách thức, ATANTT của CPS cũng có một số những lợi thế nhất định, ví dụ như, nhà nước có những khoản ngân sách lớn để đầu tư vào các giải pháp bảo mật, bảo vệ cho các hạ tầng quan trọng của CPS. Bên cạnh đó nhà nước đã có các chính sách đãi ngộ tốt để thu hút nhân lực có chuyên môn cao, và có những chế tài, khen thưởng cần thiết để duy trì các chính sách về ATANTT giữa các ban bộ ngành.
Những câu hỏi đặt ra để đảm bảo ATANTT mạng cho CPS
Với những thách thức và những lợi thế đã được chỉ ra, làm thế nào để bảo vệ ATANTT cho hệ thống CPS khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, đội ngũ công chức, viên chức làm việc mọi nơi, mọi lúc, làm sao có thể phát hiện ra được các tài khoản bị lộ?
Cũng do tình hình COVID-19, để ngăn chặn các cuộc tấn công ở vùng biên của CPS, các hệ thống CNTT của CPS cần phải làm gì, cần trang bị thiết bị, công nghệ nào? làm sao đảm bảo các kết nối, các kênh truyền từ các ban bộ ngành về trung ương? Trong trường hợp phải đối diện với các cuộc tấn công mạng thì làm sao có thể nhanh chóng khoanh vùng và hạn chế các thiệt hai? Và cuối cùng là làm sao để chủ động phát hiện ra được các mã độc đang âm thầm ẩn mình trong hạ tầng mạng?
Đó là một loạt các câu hỏi cần phải có lời giải để cho các hệ thống CNTT của CPS an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Với mỗi một trường hợp yêu cầu ATANTT được liệt kê ở trên, các công ty về ATANTT đều có những giải pháp tương ứng, phù hợp để giúp cho các hệ thống CNTT của CPS đối phó, và nhà nước cần phải đầu tư cho những giải pháp này một cách bài bản nhằm đảm bảo ATANTT cho các hệ thống công nghệ giao tiếp, phục vụ người dân, tổ chức và DN./.