Thái độ, thói quen của người đọc sách đang thay đổi

Huyền Thương| 19/04/2021 07:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Màn hình hiện đại và định dạng đọc sách điện tử không thể mang lại đầy đủ những trải nghiệm xúc giác nhất định như khi đọc sách giấy. Đọc ebook trên màn hình thiết bị điện tử cũng có thể tiêu hao nhiều tài nguyên tinh thần của chúng ta hơn, khiến việc ghi nhớ những gì chúng ta vừa đọc khó hơn một chút.

Độc giả ngày nay khác với độc giả ngày xưa như thế nào? Có phải sự phổ biến của các công nghệ máy đọc sách, của màn hình máy tính và điện thoại khiến sách giấy rơi vào khủng hoảng và diệt vong, giống như những gì ngành công nghiệp âm nhạc đã trải qua, khi đĩa CD và các loại băng từ dần bị quên lãng, thay vào đó là âm nhạc kỹ thuật số? Số phận của ngành xuất bản có giống với ngành âm nhạc?

Thực chất, sự trỗi dậy của Internet chỉ là một khía cạnh của cuộc cách mạng kỹ thuật số, một sự chuyển đổi công nghệ đã và đang tiếp tục tác động đến ngành xuất bản. Kể từ đầu những năm 1980, ngành xuất bản luôn trong tình trạng tranh luận liên tục về tác động của các công nghệ mới đối với phương thức làm việc, hệ thống quản lý và chuỗi cung ứng, đặc biệt là thói quen đọc sách của độc giả. Sự nổi lên của các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon và các cuộc tranh luận công khai về sách điện tử, chỉ là những biểu hiện rõ ràng hơn của một cuộc cách mạng đã ảnh hưởng đến ngành xuất bản ở mọi cấp độ của chuỗi giá trị.

Thói quen đọc sách của độc giả đã thay đổi ra sao?

Phát minh về in mang tính cách mạng của Johannes Gutenberg vào thế kỷ 15 đã làm nên cuộc cách mạng của sách và ngành công nghiệp xuất bản. Cùng với đó, thói quen đọc sách của mọi người cũng thay đổi so với thời đại trước khi có máy in và sách giấy.

Đến bây giờ, trong thế kỷ 21, chúng ta lại trải qua một cuộc cách mạng sách khác, nhờ vào công nghệ kỹ thuật số. Các công nghệ như Internet, màn hình thông minh, máy tính bảng và máy đọc sách điện tử một lần nữa định hình lại toàn bộ thói quen đọc và học tập của chúng ta.

Một trong những thay đổi quan trọng mà công nghệ kỹ thuật số mang lại là cách chúng ta thu thập thông tin mới. Đã qua rồi cái thời chúng ta phải lục tung mọi kệ sách đầy bụi trong thư viện để tìm một thông tin, một cuốn sách. Giờ đây, người ta có thể truy cập hàng trăm tài nguyên về hầu hết mọi chủ đề chỉ với một cú nhấp chuột và bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm. So với cách thức tìm kiếm ngày xưa và việc sục sạo trong kho lưu trữ thư viện, việc sử dụng công cụ tìm kiếm hiệu quả hơn nhiều.

Công nghệ thậm chí đã thay đổi cách chúng ta sử dụng thư viện. Ví dụ, thay vì tìm kiếm từng giá sách một, bạn có thể chỉ cần lên mạng Internet và đặt mua trực tuyến cuốn sách bạn muốn, trước khi đến lấy sách trực tiếp. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Một số thư viện hiện đại thậm chí còn cung cấp cho các thành viên cơ hội mượn sách điện tử và truy cập trực tuyến vào cơ sở dữ liệu của họ. Các thư viện từ chối thích ứng với công nghệ tiên tiến sẽ đối mặt với nguy cơ trở nên lạc hậu.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, số lượng người dùng đọc sách điện tử ở Mỹ đã tăng lên nhanh chóng. Với việc sách điện tử phổ biến trên toàn thế giới, nhiều dịch vụ đọc sách điện tử đã xuất hiện.

Rõ ràng, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, với smartphone và các thiết bị lưu trữ di động dung lượng cao, thói quen chụp ảnh của chúng ta đã thay đổi. Với sự xuất hiện của các dịch vụ phát nhạc trực tuyến, Spotify đã thay thế các ứng dụng máy tính để bàn rất được yêu thích như Winamp và băng thông rộng tốc độ cao đã loại bỏ máy nghe nhạc MP3 khiêm tốn.

Thái độ, thói quen của người đọc sách đang thay đổi - Ảnh 1.

Thói quen đọc sách của độc giả đã thay đổi?

Một thay đổi tương tự cũng đã ảnh hưởng đến thói quen đọc của chúng ta nói chung. Chúng ta không cần phải sở hữu một cuốn sách "bằng xương bằng thịt" nữa. Có vô số cách khác nhau để đọc sách, bài báo và bất kỳ loại tài liệu viết nào khác. Chúng ta cũng có nhiều màn hình cho phép tương tác với nội dung, từ trình đọc sách điện tử thân thiện với mắt đến máy tính bảng và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, điều thú vị là doanh số bán sách giấy vẫn mạnh, thị trường sách giấy hầu như không có sự sụt giảm nào đáng kể. Vì vậy, có thể nói rằng, mặc dù công nghệ số đang thay đổi nhiều mặt của đời sống, đang thay đổi thói quen đọc sách nói chung, song với những người yêu sách, mức độ của sự thay đổi này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của độc giả. Dù thiết bị đọc sách điện tử có số lượng người dùng rộng rãi, nhiều người vẫn thích sách giấy hơn.

Khoảng một thập kỷ trước, khi Amazon giới thiệu thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên Amazon Kindle, các nhà xuất bản đã hoảng sợ cho rằng sách kỹ thuật số sẽ tiếp quản ngành công nghiệp này, giống như cách mà công nghệ kỹ thuật số đã biến đổi ngành công nghiệp âm nhạc. Và trong một thời gian, nỗi sợ hãi đó dường như hoàn toàn chính đáng. Có thời điểm, quỹ đạo tăng trưởng của sách điện tử là hơn 1.200%. Các nhà sách bị ảnh hưởng, doanh số bán hàng sách giấy giảm sút. Sách điện tử cũng giúp việc tự xuất bản trở nên dễ dàng hơn, điều này đe dọa các nhà xuất bản truyền thống.

Nhưng những năm gần đây, tình thế gần như đã đảo ngược một cách đáng ngạc nhiên. Doanh số sách giấy dần ổn định - thậm chí còn tăng - và doanh số bán sách điện tử đã giảm.

Sự khác biệt của việc đọc ebook và đọc sách giấy

Kể từ những năm 1980, các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau - bao gồm tâm lý học, kỹ thuật máy tính, thư viện và khoa học thông tin - đã tìm hiểu về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thể đưa ra một câu trả lời thống nhất cuối cùng. Trước năm 1992, hầu hết các nghiên cứu đều kết luận rằng khi mọi người đọc trên màn hình, mọi người đọc chậm hơn, kém chính xác hơn và kém toàn diện hơn so với đọc sách giấy. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu cho thấy có ít sự khác biệt đáng kể về tốc độ đọc hoặc ebook và sách giấy. Và các khảo sát gần đây cho thấy mặc dù hầu hết mọi người vẫn thích sách giấy - đặc biệt là khi đọc chuyên sâu, đọc những cuốn sách dày - nhưng thái độ, thói quen đọc sách của độc giả đang thay đổi khi máy tính bảng và công nghệ đọc sách điện tử được cải thiện.

Thái độ, thói quen của người đọc sách đang thay đổi - Ảnh 2.

Sự khác biệt giữ sách điện tử và sách giấy

Mặc dù vậy, bằng chứng từ các màn hình hiện đại và định dạng đọc sách điện tử không thể mang lại đầy đủ những trải nghiệm xúc giác nhất định như khi đọc sách giấy và quan trọng hơn là khi đọc những nội dung dài. So với sách giấy, đọc ebook trên màn hình thiết bị điện tử cũng có thể tiêu hao nhiều tài nguyên tinh thần của chúng ta hơn, khiến việc ghi nhớ những gì chúng ta vừa đọc khó hơn một chút.

Một khả năng lý giải ngày càng thuyết phục hơn trong thời đại số là những hệ lụy mệt mỏi của công nghệ kỹ thuật số. Mọi người dành nhiều thời gian trước màn hình đến nỗi khi đọc sách, họ muốn được "offline". Theo một cuộc thống kê nhỏ với 1.247 thành viên tham gia, có 41% số người nói rằng họ chỉ đọc sách giấy. Ngày nay, một lượng lớn thời gian thức dậy của mọi người được dành cho mạng xã hội, làm việc trên máy tính và thời gian sử dụng thiết bị nói chung. Có vẻ như một trong những yếu tố hấp dẫn nhất đối với hầu hết, là khả năng tắt màn hình của họ để đọc sách. Chọn một cuốn sách hay, cảm nhận mùi giấy và chỉ đơn giản là tiếng sột soạt khi bạn lật trang, tất cả vẫn hấp dẫn độc giả như bao giờ và mang lại cảm giác thư giãn hơn nhiều so với việc đọc trên màn hình.

Các quốc gia trên thế giới dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc?

Cùng với tác động của công nghệ, đại dịch COVID-19 vừa qua cũng là một sự kiện "có một không hai" trong lịch sử tác động đến thị trường sách và thói quen đọc sách của độc giả trên toàn thế giới. Khi hầu hết các nước trên thế giới rơi vào tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19, nhiều người nhận thấy mình có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Đối với những người yêu sách trên thế giới, thời gian giãn cách xã hội, phong tỏa là cơ hội hoàn hảo để "đốt" hết đống sách yêu thích của họ. Những thông tin sau cho thấy thói quen đọc sách đã thay đổi như thế nào trên toàn cầu vào năm 2020.

Global English Editing đã thu thập các số liệu thống kê này từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả Pew Research và trang bán sách trực tuyến lớn nhất Amazon. Thống kê cho thấy 35% người dùng web trên toàn thế giới cho biết họ đọc sách nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch và 14% cho biết họ đọc nhiều hơn đáng kể. Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ nhất ở Trung Quốc, nơi 44% người được hỏi cho biết họ đã tăng thời gian đọc sách do đại dịch COVID-19.

Sự gia tăng này trở nên rõ ràng vào tháng 3/2020, khi nhiều quốc gia thực hiện phong tỏa lần đầu tiên. Có 1,51 tỷ lượt truy cập vào các trang web thương mại điện tử sách và văn học trong tháng đó - tăng 8,5% so với tháng trước. Tiểu thuyết The Stand của Stephen King là một trong số những cuốn sách được đọc nhiều trong đại dịch.

World Culture Score Index đã thực hiện một nghiên cứu toàn cầu để đo lượng thời gian mà mọi người trên thế giới dành cho việc đọc sách hàng tuần. Kết quả của nghiên cứu này không chỉ rõ loại sách nào mà mọi người đang đọc, đó có thể là tin tức trực tuyến, là email công việc hoặc là tạp chí, sách in. Ngoài ra, nghiên cứu không báo cáo thông tin cụ thể về những người được khảo sát (như độ tuổi, trình độ học vấn hoặc giới tính) hoặc bao nhiêu người được khảo sát. Các phát hiện như sau:

Ấn Độ: 10 giờ 42 phút

Ấn Độ đứng đầu danh sách khi người dân nước này dành trung bình 10 giờ 42 phút mỗi tuần để đọc.Đạt được vị trí số 1 trong danh sách là một thành tích khá lớn đối với quốc gia có tỷ lệ người biết chữ thấp hơn mức trung bình toàn cầu (chỉ 74%). Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng hơn 6 lần kể từ khi đất nước giành được độc lập vào năm 1947, đây có thể là một chỉ báo cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc đọc sách của người Ấn Độ. Tuy nhiên, thời gian dành cho việc đọc này không nhất thiết phản ánh lượng thời gian đọc sách giấy và có thể bao gồm thời gian dành cho việc đọc trực tuyến hoặc ở định dạng điện tử.

Thái Lan: 9 giờ 24 phút

Thái Lan là quốc gia có số giờ đọc sách cao thứ hai. Tại đây, những người trả lời khảo sát báo cáo rằng họ dành trung bình hàng tuần là 9 giờ 24 phút để đọc. Các cuộc khảo sát bổ sung đã phát hiện ra rằng khoảng 88% dân số đọc sách giấy và dành khoảng 28 phút mỗi ngày để đọc chúng. Điều này có nghĩa là thời gian dành cho việc đọc trực tuyến nhiều hơn đáng kể. Như đã thấy ở Ấn Độ, điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng đã thay đổi thói quen đọc sách ở Thái Lan. Trên thực tế, lượng thời gian dành cho việc đọc sách giấy đã giảm so với các báo cáo được xuất bản trong những năm trước.

Trung Quốc: 8 giờ

Độc giả dành thời gian đọc sách nhiều thứ ba trên thế giới là Trung Quốc.Những người ở đây cho biết họ dành khoảng 8 giờ mỗi tuần để tham gia hoạt động này. Quốc gia này có tỷ lệ biết chữ 96,4%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 86,3%. Người Trung Quốc chỉ dành khoảng 11 phút mỗi ngày để đọc báo và tạp chí. Trong một nghiên cứu do OECD thực hiện, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 90% sinh viên ở Thượng Hải, Trung Quốc cho biết họ đọc sách cho mục đích giải trí, con số này tăng lên so với những năm trước. Sự gia tăng này cho thấy có lẽ việc đọc sách đang trở nên phổ biến hơn đối với người dân nước này.

(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái độ, thói quen của người đọc sách đang thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO