Thanh Hóa xây dựng hạ tầng đồng bộ để phát triển kinh tế số

Trường Thanh| 04/11/2020 20:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và phấn đấu phát triển kinh tế số đến hết năm 2025 đạt 20% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn).

Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền điện tử

Theo Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 6/10/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa phấn đấu phát triển kinh tế số đến hết năm 2022 chiếm 15% GRDP; đến hết năm 2025 chiếm 20% GRDP. 

Theo đó, Thanh Hóa đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền điện tử (CQĐT), góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày một tốt hơn, tiến đến nền kinh tế số - xã hội số, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, vì một Thanh Hóa thịnh vượng.

Hiện nay tại Thanh Hóa, hệ thống cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước (CQNN) từ tỉnh đến cấp xã đã được triển khai đồng bộ. Các phần mềm ứng dụng CNTT đóng vai trò trụ cột của CQĐT đã được xây dựng, tiêu biểu là Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; trục liên thông văn bản LGSP của tỉnh kết nối với trục quốc gia tích hợp 187 thủ tục hành chính (TTHC) lên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG); 100% văn bản, hồ sơ công việc được điều hành, xử lý, lưu trữ trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) triển khai đồng bộ cả 3 cấp, từ tỉnh đến xã...

Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh tại 215 điểm cầu kết nối từ các cơ quan cấp tỉnh đến UBND cấp huyện, cấp xã đã và đang phát huy lợi thế rõ rệt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cuộc họp.

Thanh Hóa phấn đấu phát triển kinh tế số đến hết năm 2025 chiếm 20% GRDP - Ảnh 1.

Các kỹ sư của VNPT Thanh Hóa đánh giá tình hình lưu lượng, sự cố trên mạng lưới và phân tích đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ Viễn thông - CNTT. Ảnh: Thái Sơn.

Năm 2020, Thanh Hóa đưa vào hoạt động hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, giúp số hóa toàn bộ hệ thống báo cáo của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ báo cáo định kỳ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, giúp đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Việc đưa vào hoạt động phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND cấp huyện cũng sẽ tạo ra tác động tích cực, đổi mới trong việc xây dựng bộ máy hành chính.

Hạ tầng viễn thông băng thông rộng, nền tảng cho triển khai xây dựng CQĐT được triển khai đến 100% thôn, bản. Hệ thống một cửa điện tử hiện đại, đồng bộ được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân, DN mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch.

Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office) được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Hệ thống phòng họp không giấy (Ecabinet) đang được triển khai tại các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện...

Đến nay, 100% các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã điều hành, xử lý công việc trên hệ thống TD-Office; và có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi căn bản, chuyển từ hình thức làm việc giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử trong CQNN; văn bản điện tử dần thay thế văn bản giấy, ước tiết kiệm chi phí hàng năm cho việc phát hành văn bản giấy của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên 30 tỷ đồng; thời gian gửi, nhận văn bản từ tỉnh đến xã chỉ còn tính bằng giây. Tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 97%.

Ứng dụng chữ ký số được quan tâm và đẩy mạnh sử dụng trong các cơ quan, đơn vị, đến nay 100% các cơ quan hành chính và lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp chứng thư số phục vụ việc ký số văn bản, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.

Hiện nay, Thanh Hóa đã cung cấp 281 DVC mức độ 3 và 177 DVC mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi, cho người dân, DN thực hiện các TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Đã tích hợp 239 DVC mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng DVCQG (xếp thứ 2, sau Hà Nội).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt trên 45,54%. Tỷ lệ giải quyết TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn luôn đạt trên 99%. Cổng DVC của tỉnh đã tích hợp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và kết nối với Cổng thanh toán quốc gia.

Xây dựng môi trường giao tiếp điện tử hiện đại, minh bạch

Quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn với chuyển đổi số tại Thanh Hóa đã đạt được những thành công bước đầu. Việc chú trọng xây dựng CQĐT trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và DN làm trung tâm đang là hướng đi đúng để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với nhân dân một cách văn minh, hiện đại, an toàn, tăng "chỉ số minh bạch" của nền hành chính Nhà nước, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Hữu Quyết, cùng với sự năng động và tiềm lực mới của nền kinh tế tỉnh nhà - được xác định là một cực tăng trưởng mới trong khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ tại Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn tới, Thanh Hóa sẽ cố gắng phấn đấu cùng với các ngành, các cấp để đưa CNTT phát triển lên một tầm cao mới; dùng CNTT giải quyết các bài toán của người dân và DN tỉnh nhà.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa xây dựng hạ tầng đồng bộ để phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO