Việc thành lập Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng, chống tin giả (TFFN) là sáng kiến do Việt Nam chủ trì xây dựng nhằm thiết lập cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tin giả trong khu vực, được các nước ASEAN ủng hộ và đánh giá cao.
Tại cuộc họp lần thứ nhất, các nước đã trao đổi về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm xử lý tin giả của quốc gia mình, đồng thời rà soát các kết quả mà ASEAN đã thực hiện được về vấn đề xử lý tin giả để đề xuất cách thức thực hiện hiệu quả hơn.
Kể từ năm 2017, ASEAN đã bắt đầu thảo luận về các giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn tin giả và giảm thiểu tác hại của nó.
Trong thời gian vừa qua, khuôn khổ hợp tác ASEAN về thông tin cũng đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: Khuôn khổ và Tuyên bố chung nhằm giảm thiểu tác hại của tin giả; Giá trị cốt lõi về trình độ kỹ thuật số của ASEAN được Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 14 thông qua vào năm 2018; Khuôn khổ về phát triển sự sẵn sàng kỹ thuật số của các công dân ASEAN được AMRI lần thứ 15 thông qua vào năm 2021,…
Hiện nay, tin tức giả mạo đã trở thành một trong những vấn đề được ưu tiên quan tâm hàng đầu của lĩnh vực thông tin ASEAN. Việc SOMRI thông qua quyết định thành lập Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng, chống tin giả là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh ASEAN đang tiếp tục nỗ lực giải quyết tình trạng tin giả và thông tin sai lệch.
Từ những kết quả đã đạt được, phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) cho biết: "TFFN cần xem xét các sáng kiến đã thực hiện và thảo luận về cách tăng cường hiệu quả hợp tác hướng tới các mục tiêu và hoạt động như đã được phê duyệt".
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng cần tiếp tục cập nhật và trao đổi thường xuyên về các biện pháp đối phó với thông tin sai lệch để chia sẻ kinh nghiệm và cải thiện quản lý trong nước nhằm tăng cường các hoạt động chung trong khu vực.
Các hoạt động trọng tâm của TFFN trong thời gian tới là xây dựng quy trình hướng dẫn phối hợp xử lý tin giả giữa các nước ASEAN; Nghiên cứu và tổ chức phát triển hoạt động kiểm chứng thông tin (fact checking) trong ASEAN.
Đồng thời, các quốc gia sẽ cùng trao đổi, xây dựng khái niệm, cách hiểu chung về các thuật ngữ trực tuyến nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách, và pháp luật; Phát triển các "Best practices" về xử lý các sai phạm trực tuyến (về chính sách - pháp luật; hỗ trợ kỹ thuật; chiến lược nâng cao nhận thức; cách thức cung cấp thông tin và truyền thông cộng đồng,...); Cung cấp báo cáo khuyến nghị thường niên cho SOMRI và AMRI; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cho các quốc gia về xử lý tin giả.
Nhóm công tác chuyên trách ASEAN về tin giả cũng sẽ cung cấp báo cáo khuyến nghị thường niên cho Hội nghị quan chức cấp cao phụ trách thông tin ASEAN (SOMRI), Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) và triển khai hoạt động tăng cường năng lực cho các quốc gia về xử lý tin giả.
"Tôi tin rằng TFFN có thể phát triển nhiều nội dung quan trọng để đưa ra khuyến nghị hữu ích cho các quyết định của SOMRI trong việc đối phó với vấn nạn tin giả và đảm bảo mang lại cho người dân một môi trường Internet an toàn", bà Chi nhấn mạnh./.