Truyền thông

Thành tựu của báo chí Việt Nam trong bối cảnh số

TS. Nguyễn Nga Huyền, Khoa Marketing & Truyền thông, Trường Quản trị & Kinh doanh - ĐH Quốc gia HN 03/09/2024 10:15

Nói đến thành tựu của báo chí trong những năm qua, đặc biệt trong thời kì chuyển đổi số, không thể chỉ bằng vài trang giấy.

Tóm tắt:

* Nỗ lực ứng dụng công nghệ: Báo chí Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ, mặc dù gặp nhiều khó khăn và hạn chế về cơ chế và quy định cũ.

Nhiều tờ báo đã triển khai các chuyên trang, megastory, emagazine; các Đài Truyền hình phát triển ứng dụng trên
nhiều nền tảng.

Chú trọng đến trải nghiệm người dùng thông qua công nghệ đọc hành vi và thói quen tiêu dùng tin tức.
* Cạnh tranh với mạng xã hội thích nghi và tận dụng mạng xã hội để thu hút độc giả.
* Khẳng định lại vị thế vốn có: Vẫn là kênh thông tin quan trọng cho giới học giả và xã hội, thực hiện tốt chức năng thông tin khách quan, trung
thực, đa chiều, và phản biện xã hội.
- Nhiều học giả nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các bài báo và chuyên mục, khẳng định chất lượng thông tin
và thu hút sự quan tâm của dư luận.
* Tăng cường dấn thân vào các điểm nóng xã hội:
- Báo chí Việt Nam luôn nâng cao tính chiến đấu, đặc biệt là chống tham nhũng thể hiện sự dấn thân và tinh thần
cách mạng của báo chí Việt Nam. - Quan tâm đến các vấn đề quốc tế và các điểm nóng trên thế giới.

Mỗi năm, ngành báo chí đều có những hội nghị tổng kết cuối năm để nhìn lại những gì đã làm được, mà qua đó, công chúng đều thấy rõ tầm quan trọng của báo chí trong đời sống với tư cách là một quyền lực “mềm” để phản ánh, phản biện và giải quyết những khoảng trống mà pháp luật cũng như việc thực thi luật pháp chưa “chạm” đến.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí tại Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, khó khăn, do những rào cản từ cơ chế, từ các quy định cũ liên quan đến đấu thầu, chứng minh tính hiệu quả của dự án để được cấp trên phê duyệt, nhưng nhìn trên một bình diện rộng hơn, với những gì báo chí đã và đang làm được trước những hạn chế kể trên, vẫn có thể nhìn nhận đây là một thành tựu.

Nỗ lực ứng dụng công nghệ

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí tại Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, khó khăn, do những rào cản từ cơ chế, từ các quy định cũ liên quan đến đấu thầu, chứng minh tính hiệu quả của dự án để được cấp trên phê duyệt, nhưng nhìn trên một bình diện rộng hơn, với những gì báo chí đã và đang làm được trước những hạn chế kể trên, vẫn có thể nhìn nhận đây là một thành tựu.

Không khó để bắt gặp các sản phẩm báo chí của nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong thời gian qua đã chú trọng ứng dụng công nghệ để có những sản phẩm báo chí thu hút công chúng. Điển hình có thể kể đến chuyên trang Chiến thắng Điện Biên Phủ [1] được ra mắt gần đây nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng của Báo Nhân Dân, hay các megastory, emagazine như “Những người phụ nữ mang thế giới về Việt Nam” [2], chuyên mục Dân Việt trò chuyện [3] (của báo điện tử Dân Việt), chuyên mục Dmagazine [4] (của báo điện tử Dân trí), chuyên mục Emagazine (của báo Lao động điện tử). Nhiều tờ báo địa phương cũng nỗ lực đầu tư vào emagazine cho các phiên bản điện tử như: Hà Nội mới, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Quảng Nam v.v.

Báo chí giờ đây đã điều hướng mối quan tâm đến trải nghiệm người dùng khi nỗ lực đầu tư vào các công nghệ “đọc” hành vi của người dùng, ghi lại thói quen tiêu dùng tin tức của họ, để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng, như lời của chuyên gia chương trình Google News Initiative tại Việt Nam: “Việc hiểu hành vi và phân loại độc giả là các bước quan trọng để phát triển độc giả” [5].

Với vai trò là Đài truyền hình quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) từ lâu đã có những bước phát triển chiến lược trong việc ứng dụng công nghệ vào toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, phân tích tin tức. Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo do VTV phát triển, là một minh chứng đầy tự hào về nỗ lực này. Với VTVgo, khán giả có thể xem trực tiếp các chương trình của VTV theo thời gian thực, hoặc xem lại các chương trình đã phát vào bất cứ thời điểm và địa điểm nào.

Tương tự như mô hình của VTVgo, nhiều ứng dụng đã ra đời để đáp ứng nhu cầu tin tức trên nền tảng số của công chúng như: hệ thống phân phối nội dung đa phương tiện VTC Now của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam), ứng dụng VOV - Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam), hoặc các ứng dụng của các tờ báo điện tử như Vietnamnet, VnExpress, Tuổi trẻ Online, Dân trí, Thanh Niên, VTC News, VTV Times, ... cũng là kết quả của những nỗ lực đầu tư vào công nghệ.

vtv-go-700.jpg

Tại Việt Nam, để xây dựng được những ứng dụng như VTVgo, VTC Now đòi hỏi những nguồn lực lớn về tài chính để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, quy trình, xây dựng đội ngũ nhân sự, và duy trì được guồng máy sản xuất nội dung liên tục. Lãnh đạo Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung Số (VTV Digital) cho biết, VTV đang hướng đến một nền tảng công nghệ dùng chung cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm: “Một sản phẩm làm ra phải được phân phối trên đa nền tảng, chạy trên một nền tảng công nghệ chung, từ đó mới đạt được hiệu quả tối đa” [6].

Ngày càng cạnh tranh với mạng xã hội (MXH)

Kể từ khi MXH xuất hiện và liên tục phát triển số lượng người dùng, báo chí bị đặt vào thế cạnh tranh gay gắt với phương tiện truyền thông mới này. Đặc biệt, ở nước ta, khi Internet vào khá sớm và người dân được tạo điều kiện để tiếp cận với hội nhập xuyên biên giới trên không gian mạng, thì MXH lại càng chiếm lĩnh nhanh và mau chóng có được lượng người dùng đông đảo.

Số liệu từ báo cáo Digital 2024 cho biết, người dùng Internet tại nước ta chiếm gần 80% dân số, và tính đến tháng 1/2024, có gần 73 triệu tài khoản MXH đang hoạt động, tăng 9,8% so với cùng kì năm 20237. Với số lượng người dùng lớn như vậy, các MXH phổ biến tại thị trường Việt Nam như Facebook, Zalo, Tiktok, Facebook Messenger, Instagram, Youtube... đã chứng minh sự hấp dẫn, thu hút của mình đối với công chúng. Báo cáo trên cũng cho biết, trong số các lý do chính của việc sử dụng MXH tại Việt Nam, lý do “đọc tin tức” (reading news stories) ở vị trí thứ hai, chiếm 48,5%. Điều đó chứng minh sự tồn tại của MXH với tư cách là một kênh thông tin được ưa dùng tại Việt Nam cho đến nay.

Trước đây, ở thời kì đầu bùng phát mạnh mẽ của MXH, báo chí Việt Nam khá “lúng túng” trong việc “đối phó” với sự cạnh tranh này. Nhưng giờ đây, có thể thấy các cơ quan báo chí đã dần bắt nhịp được với tốc độ của MXH, nắm được “luật chơi”, tận dụng được những lợi thế của các nền tảng MXH xuyên biên giới, và thu hút được sự quan tâm của người dùng.

Trang Facebook VTV248 (của VTV Digital) là một ví dụ tiêu biểu của cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả trên MXH. Với 7,4 triệu người theo dõi, VTV24 thường xuyên nhận được nhiều nghìn lượt tương tác trên mỗi bài đăng của mình. Cách thức đăng tải tin bài trên trang cũng rất đa dạng: chữ kèm ảnh, chữ kèm video, chữ nổi bật trên nền màu... Ngoài ra, quản trị viên của trang cũng thường xuyên tương tác thông qua bình luận vào các bài đăng, khi thì bằng việc cung cấp thêm thông tin chi tiết, khi thì bằng việc dẫn link thông tin đến các nền tảng khác của mình (Youtube, Tiktok...).

Nếu như VTV ở phạm vi trung ương, thì ở cấp tỉnh, thành, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cũng là một ví dụ tiêu biểu. Trang Facebook fanpage của Đài với tên gọi “Hà Nội Online” [9] đạt tới 1 triệu người theo dõi (trên tổng dân số Hà Nội tính đến năm 2024 là 8,5 triệu người) và liên tục cập nhật các tin tức thời sự của Thủ đô. Nét đặc sắc của Hà Nội Online là thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, thể thao, tăng cường đăng bài dưới dạng video, và tập trung các bài đăng vào những thông tin đang được dư luận quan tâm.

hanoi-online.jpg

Và còn nhiều nữa những ví dụ về việc các cơ quan báo chí đã và đang hoạt động hiệu quả trên các nền tảng MXH như Báo Tuổi trẻ TP.HCM, VietnamPlus, Báo Nhân Dân... Cụ thể hơn, đại diện Báo Tuổi trẻ TP.HCM cho biết nếu như trước đây 75% nguồn thu của báo đến từ các phương thức kinh doanh báo chí truyền thống như bán báo và quảng cáo trên báo giấy, thì giờ đây 75% nguồn thu là từ các nền tảng số [10].

Khẳng định lại vị thế vốn có

Không quá khi cho rằng báo chí đã và đang khẳng định lại vị thế vốn có với giới chính trị và xã hội nói chung, khi vẫn là kênh chính để giới học giả lên tiếng về các vấn đề xã hội. Thành tựu này là một kết quả nhãn tiền khi báo chí làm tốt chức năng chủ chốt của mình trong xã hội: thông tin khách quan, trung thực, đa chiều; lên tiếng kịp thời trước những mối quan tâm của dư luận; phản biện xã hội vì lợi ích chung của nhân dân...

bao-chi-1.png

Những tên tuổi học giả lớn như GS. Võ Tòng Xuân [11] (Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân Dân, Giải Đặc biệt VinFuture 2023), GS. Đặng Hùng Võ [12] (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường), GS. Hồ Ngọc Đại [13] (nhà nghiên cứu công nghệ giáo dục hàng đầu), TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm [14]... hay những học giả trẻ tuổi hơn nhưng không kém phần uy tín như: TS. Vũ Thành Tự Anh [15] (Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam), PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa [16] (Giám đốc chương trình MPP, giảng viên trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright - Đại học Fullbright Việt Nam), nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung [17] (Hiệu trưởng trường Doanh nhânh PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh)... mỗi lần xuất hiện trả lời phỏng vấn trong một bài báo, hoặc tham gia viết bài bình luận cho một chuyên mục đều khẳng định chất lượng thông tin ở cả khía cạnh bề dày học thuật chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn, cũng như đạo đức nghề nghiệp, thu hút được sự chú ý quan tâm, đánh giá cao của dư luận xã hội.

Về cơ bản, sự lên tiếng của giới học giả đối với các vấn đề của xã hội là rất quan trọng trong việc hình thành thái độ dân chủ trong bày tỏ quan điểm, định hướng dư luận ở nước ta. Nhìn chung, tại các quốc gia văn minh và phát triển, tiếng nói của giới học giả luôn luôn được coi trọng, khi họ được nhìn nhận là những người có đạo đức, trình độ cao trong cộng đồng, có khả năng phân tích, đánh giá vấn đề thấu đáo, toàn diện. Do vậy, khi có được sự lựa chọn của giới này trong việc lên tiếng, báo chí sẽ giữ được vị thế của mình trong xã hội. Khi đó, mạng xã hội sẽ chỉ là chất xúc tác để lan tỏa rộng hơn vị thế của báo chí.

Tăng cường dấn thân vào các điểm nóng xã hội

Thời gian gần đây, sự dấn thân của báo chí Việt Nam vào các điểm nóng xã hội như chống tham nhũng hay các điểm nóng trên thế giới đang diễn ra chiến tranh, thiên tai... đã nâng lên mức cao hơn, thể hiện “tính chiến đấu” mạnh mẽ trong hoạt động báo chí nói chung và “bút chiến” nói riêng, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí” [18].

Trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, báo chí ngày càng mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Những tác phẩm bình luận, xã luận, các tuyến bài điều tra liên tục xuất hiện trên báo đài, phản ánh dòng chảy thông tin liên tục, nắm bắt những nhịp đập của đời sống và tham gia quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực.

Năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải gần 12.000 tin, bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng 2 lần so với năm 2021 [19]. Các tác phẩm báo chí đạt Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư 2022-2023 đã cho thấy sự dấn thân của các nhà báo trước các vấn đề nóng thuộc nhiều lĩnh vực trong xã hội [20].

Không dừng lại ở đó, báo chí cũng đẩy mạnh sự quan tâm đến những vấn đề “nóng” trên thế giới như chiến sự tại Dải Gaza, hay động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhiều năm nay đã có cơ quan thường trú tại Tel Aviv (Israel). Cuối năm 2023, khi chiến sự giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza trở nên căng thẳng, sự nguy hiểm đối với các phóng viên tăng lên gấp bội. Chỉ trong tuần đầu tiên đã có 11 nhà báo thiệt mạng tại Gaza và con số này tăng gấp đôi, lên 22 người sau 2 tuần xảy ra chiến sự [21].

“Kinh nghiệm tác nghiệp ở địa bàn đặc thù đòi hỏi phải xử lý tình huống tỉnh táo và mềm mỏng, bởi trong tình trạng chiến tranh các binh sĩ được trao quyền rất cao, mọi chuyện có thể diễn ra không theo các quy trình thông thường. Có như vậy, các phóng viên thường trú mới đảm bảo yêu cầu vừa giữ được an toàn cho bản thân, vừa có thông tin cập nhật và đầy đủ để phục vụ độc giả ở trong nước” - chia sẻ này của các nhà báo thường trú tại Tel Aviv của TTXVN, không quá lời, đã chứng minh cho tinh thần Cách mạng của báo chí Việt Nam.

Tương tự như vậy, ngày 06/2/2024 xảy ra trận động đất kinh hoàng tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, thì ngày 09/2/2024, Báo Nhân Dân quyết định cử tổ công tác gồm các phóng viên, biên tập viên và quay phim đi tác nghiệp trực tiếp tại “điểm nóng” này, với quyết tâm “trực tiếp đưa những thông tin sinh động, chân thực nhất dưới nhiều góc độ khác nhau tới bạn đọc” [22].

bao-nhan-dan-o-tho-nhi-ky.png

Mặc dù đây là lần đầu tiên Báo cử phóng viên tới các điểm nóng quốc tế để tác nghiệp, nhưng chính là một dấu mốc cho thấy sự tham gia chuyên nghiệp và nỗ lực hơn của báo chí Việt Nam trước các vấn đề trong khu vực và trên thế giới. Từ sự kiện này, công chúng Việt Nam có quyền hy vọng vào vai trò ngày càng tăng của báo chí Việt Nam trước các vấn đề trong nước và trên các diễn đàn quốc tế. Vì vậy, đây thực sự cần được ghi nhận là một thành tựu đáng tự hào của báo chí Việt Nam trong thời gian qua.

Nhìn nhận tổng thể, báo chí là một lĩnh vực khá hiếm hoi có được những thành tựu ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động tiêu cực. Tất nhiên cũng như báo chí thế giới, câu chuyện “cơm áo” với báo chí Việt Nam trong thời điểm này vẫn còn rất khó khăn. Để tồn tại đúng với chức năng cơ bản nhất của báo chí, và sau đó là định hình bản sắc rồi tiếp tục phát triển lên một tầm cấp cao hơn luôn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng với tất cả các tòa báo hiện nay.

Nói như vậy để thấy thực tế không phải toàn màu hồng, để thấy những thành tựu như đã nêu ở trên là rất gian nan thì mới đạt được, và cũng để thấy trước những nguy cơ dễ khiến báo chí đánh mất mình. Tất cả vẫn còn ở phía trước, hy vọng sang năm 2025, kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), sẽ có nhiều vấn đề được đúc kết ở quy mô sâu rộng hơn.

1. https://dienbienphu.nhandan.vn
2. https://nhandan.vn/megastory/nhung-nguoi-phu-nu-mang-the-gioi-ve-viet-nam/
3. https://danviet.vn/dan-viet-tro-chuyen.htm
4. https://dantri.com.vn/dmagazine.htm
5. https://ictvietnam.vn/goi-mo-mot-so-giai-phap-ung-dung-cong-nghe-hieu-qua-tai-co-quan- bao-chi-63990.html

6. https://baodautu.vn/giai-bai-toan-ung-dung-cong-nghe-so-tai-cac-toa-soan-bao-chi-d2109 29.html
7. https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam

8. https://www.facebook.com/tintucvtv24
9. https://www.facebook.com/www.hanoionline.vn
10. https://tuoitre.vn/bao-chi-can-tao-dot-pha-nguon-thu-tu-cac-nen-tang-mang-xa-hoi-2024 0316111620311.htm
11. https://special.nhandan.vn/Vo-Tong-Xuan-VinFuture/index.html
12. https://vnexpress.net/phan-loai-rac-ba-thung-chap-mot-4674659.html
13. https://baophapluat.vn/gs-ho-ngoc-dai-va-nhung-triet-ly-nguoc-dong-post490019.html
14. https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/kts-dao-ngoc-nghiem-di-san-van-hoa-cung-can-duoc-bao-ton-dung-cach-1183423.ldo

15. https://vnexpress.net/tam-nhin-kinh-te-tu-nhan-4231969.html
16. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thieu-co-che-chia-se-rui-ro-giua-nha-nuoc-va-nha- dau-tu-ppp-kem-hap-dan-post325586.html
17. https://vnexpress.net/nha-giao-duc-gian-tu-trung-khai-phong-giup-con-nguoi-vung-vang- 4683934.html
18. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.21.

19. https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/bao-chi-nhan-to-quan-trong-trong-dau- tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-208193.html
20. https://baotintuc.vn/thoi-su/54-tac-pham-xuat-sac-doat-giai-bao-chi-toan-quoc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-lan-thu-tu-20231105213313958.htm
21. https://dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/phong-vien-di-phong-vien-viet-tac-nghiep-trong-chien-tranh-14578
22. https://special.nhandan.vn/tacnghiep_thonhiky/index.html

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu của báo chí Việt Nam trong bối cảnh số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO