Truyền thông

Cẩn trọng khi áp dụng AI tại cơ quan báo chí

Bình Minh 08:09 29/08/2024

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, điểm yếu lớn nhất của trí tuệ nhân tạo là không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin chính xác.

Ba cấp độ ứng dụng AI ở cơ quan báo chí

Tại "Hội thảo tác động của AI đối với báo chí - Thách thức và cơ hội" do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trung tuần tháng 8 tại Quảng Ninh, nhiều ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ hữu ích cho người làm báo Việt Nam trong tác nghiệp góp phần sáng tạo sản phẩm báo chí nhanh hơn, tốt hơn. Cùng với đó, AI còn giúp các tòa soạn thu thập thông tin, dữ liệu, cá nhân hóa người dùng và tương lai gần, AI có thể còn được nhiều hơn thế nữa.

Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung cho rằng thực tế ứng dụng AI ở cơ quan báo chí thể hiện ở 3 cấp độ:

Cấp độ 1 - AI tham gia hỗ trợ phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) thực hiện sản phẩm báo chí. AI được xem như trợ lý ảo để hỗ trợ số liệu cho PV, BTV trong quá trình sản xuất tin, bài trong tòa soạn điện tử. Trợ lý ảo chuyên thống kê về thời gian đọc ở trên trang, từ khóa, gợi ý các bài liên quan... và cảnh báo những đề tài, những bình luận (comment) nhạy cảm cho đội ngũ người làm báo.

AI có thể tham gia như một đồng nghiệp để hỗ trợ PV, BTV thực hiện các sản phẩm báo chí, từ khai thác dữ liệu, gợi ý đề tài, cách tiếp cập nội dung, thực hiện một số công đoạn của sản phẩm báo chí, góp phần rút ngắn việc sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, làm sinh động hóa cách thức thể hiện sản phẩm báo chí.

euro-2024.jpg

"Tại Báo Tuổi trẻ, AI đã tham gia vào quá trình sản xuất video "Dự đoán tỷ số Euro 2024" rất sôi nổi và thành công ngoài mong đợi của người làm chương trình. Báo Tuổi trẻ đã sản xuất chương trình này cho tất cả các trận đấu vòng trong của Euro 2024 và thu hút rất nhiều lượt xem và tương tác trên Tuổi Trẻ Online", nhà báo Lê Xuân Trung dẫn chứng.

Cũng theo nhà báo Lê Xuân Trung, điều đáng mừng khác tương ứng với cấp độ 2, AI tham gia cải tiến quy trình hoạt động tòa soạn như việc AI phân tích ra những kết quả cho thấy bạn đọc quan tâm nhiều đến những nội dung sức khỏe, pháp luật nên tòa soạn đã ưu tiên phát triển nội dung này.

Tiếp đó, đến cấp độ 3, AI giúp tham gia vào quá trình ra quyết định của ban biên tập (BBT) khi đây làm nhiệm vụ tổng hợp toàn bộ đề xuất tin bài hàng ngày của các PV và tổng hợp những ý kiến phản hồi của bạn đọc để làm chất liệu cho cuộc họp giao ban tin buổi sáng.

"Không chỉ tham gia từ đầu vào, AI còn giúp đánh giá đầu ra của tin bài sau xuất bản. Căn cứ vào số lượng "view", số lượng tương tác, thời gian đọc... AI cung cấp cho tòa soạn và BBT con số tổng hợp chung của từng PV và phòng, ban. Từ đó, tòa soạn xây dựng chỉ tiêu (KPI) cho từng đối tượng phù hợp", Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ chia sẻ.

AI tạo ra một số vấn đề mới cho cơ quan báo chí

Không chỉ có thuận lợi, cơ hội mà theo nhiều ý kiến tại hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận, AI có thể tạo ra những nguy cơ mang tính sống còn đối với các cơ quan báo chí khi dần thay đổi hành vi của người dùng trong tiếp cận thông tin, đồng thời tạo ra những vấn đề mới trong báo chí.

z5757175945787_f3c3c5f4e6cfba99d21c99b9195f5978.jpg
Hội thảo tác động của AI đối với báo chí - Thách thức và cơ hội.

Theo nhà báo Đặng Sinh, BTV Báo Thanh niên, để tận dụng những cơ hội, vượt qua các thách thức mà AI tác động tới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí cần nhanh chóng có giải pháp tiếp cận, cập nhật và đưa ra quy định cụ thể liên quan đến ứng dụng AI đối với các cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà báo. Cần có hướng dẫn rõ ràng về các tiêu chuẩn đạo đức, chất lượng nội dung và việc xử lý thông tin tự động nhằm giảm thiểu những rủi ro và bảo vệ độc giả cũng như uy tín của báo chí.

Đối với các cơ quan báo chí cần duy trì bản sắc của riêng mình và đã đến lúc cần hạn chế việc phân phối thông tin miễn phí trên Internet. Việc khuyến khích đọc báo trả tiền sẽ giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững hơn.

Đối với các nhà báo cần có góc nhìn rõ ràng để không bị "máy hóa" trong quá trình sản xuất thông tin. Họ chỉ nên sử dụng AI ở vai trò hỗ trợ, giúp tiết kiệm thời gian cho những tác vụ cụ thể, để có thể thêm thời gian thực hiện các bài viết chuyên sâu, sáng tạo. Quy trình xử lý biên tập cũng cần phải nghiêm ngặt hơn để đảm bảo chất lượng nội dung và tránh sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.

"Các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng báo chí nên nhanh chóng cập nhật chương trình giảng dạy về AI. Điều này giúp người học hiểu và tận dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí. Việc kết hợp giữa kỹ năng báo chí truyền thống và công nghệ hiện đại sẽ giúp những người làm báo có thể vững vàng trong thời đại số", BTV Báo Thanh niên cũng đề xuất.

Nhìn nhận về thách thức và cơ hội, tương lai của báo chí trong kỷ nguyên AI, Tổng Biên tập Báo Nhân dân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh việc sử dụng AI đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc đối với các vấn đề nhân văn và đạo đức. AI dù có thông minh nhưng còn không ít nhược điểm, trong đó điểm yếu lớn nhất là không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin chính xác.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các công nghệ AI nếu được ứng dụng và triển khai sớm để tranh thủ tối đa sức mạnh, có thể tác động tích cực giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững hơn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi áp dụng AI tại cơ quan báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO