Truyền thông

Thành tựu ngoại giao kinh tế của Việt Nam nhìn từ câu chuyện thu hút FDI

Minh Nhật 10/12/2024 14:23

Công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, đặc biệt là trong việc thu hút vốn FDI, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu khu vực với các nhà đầu tư và mở ra nhiều cơ hội để nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời gian qua, ngoại giao kinh tế luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam. Theo Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có gần 50 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo đất nước, đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế.

Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.

Việt Nam tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá. Nhờ đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Với phương châm tận dụng mọi cơ hội hợp tác phát triển đất nước, nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho đất nước, người dân và doanh nghiệp như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói tại Hội nghị Thủ tướng với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hồi giữa tháng 7/2024, ngoại giao kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tính đến hết tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt gần 370 tỷ USD và nhập khẩu đạt trên 345,6 tỷ USD lần lượt tăng 14,4% và 16,4% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.

Về thu hút FDI, trong 11 tháng năm 2024, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng cũng tăng 7,1% so với cùng kỳ, ước đạt 21,68 tỷ USD.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 11 tháng các năm 2020- 2024 (đơn vị: USD) – (Nguồn: Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Bến đỗ” cho các dự án công nghệ cao

Nhìn vào bức tranh thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024, có thể thấy vượt lên trên số lượng, thì điều quan trọng là, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được cải thiện. Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của các dự án công nghệ cao, bao gồm cả các ngành công nghiệp tiên phong.

Theo đó, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong thời gian qua.

Một trong những ví dụ cụ thể là việc LG Display vừa tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư nhà máy ở Hải Phòng lên 5,65 tỷ USD. Chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án này được trao sau khi Samsung công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào Nhà máy Samsung Display ở Bắc Ninh.

Ngoài Samsung, LG…, nhiều dự án công nghệ cao khác cũng đang đổ bộ vào Việt Nam. Chẳng hạn, Heesung (Hàn Quốc), một đối tác thân cận của LG, đã tăng vốn đầu tư từ 154 triệu USD lên 279 triệu USD. Công ty TNHH Công Nghệ Shunsin Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Foxconn, cũng thông báo kế hoạch đầu tư 80 triệu USD cho dự án sản xuất vi mạch tích hợp tại Bắc Giang.

Trong khi đó, Universal Microwave Technology, một nhà cung cấp linh kiện cho SpaceX - công ty của tỷ phú Elon Musk cũng đang lên kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam…

Và chắc chắn không thể không nhắc tới các kế hoạch hợp tác đầu tư của NVIDIA mà gần đây nhất là Thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thoả thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách hoạt động toàn cầu NVIDIA. (Ảnh: VGP).

“Việc NVIDIA phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI tại Việt Nam sẽ là cú hích quan trọng giúp Việt Nam có được bước tiến lớn về công nghệ trong thời gian tới, có tác động lan tỏa tới các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, việc ký kết thỏa thuận với NVIDIA là thời khắc chuyển giao quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.

Gây ấn tượng về phát triển kinh tế và ngoại giao

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều ngày 10/12 vừa qua, ông David Petraeus, người đồng sở hữu Quỹ đầu tư KKR (Hoa Kỳ) - một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới với tổng giá trị tài sản 528 tỷ USD - đánh giá cao những yếu tố giúp Việt Nam trở thành nơi "vô cùng thu hút" để đầu tư, như ổn định chính trị, an ninh trật tự tốt, hạ tầng đang được cải thiện nhanh, có quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, coi trọng giáo dục và đào tạo, dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, có nhiều lợi thế so sánh với các nước xung quanh.

Ông David Petraeus cho biết, nhiều nhà đầu tư đã nhận ra những yếu tố này và sẽ ngày càng nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ tới Việt Nam. Trong đó, Quỹ đầu tư KKR sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. “Việt Nam là quốc gia mà KKR cần phải hành động nhiều hơn và sẽ hành động nhiều hơn”, ông nhấn mạnh.

thu-tuong1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông David Petraeus - một trong những đồng sở hữu Quỹ đầu tư KKR (Hoa Kỳ). (Ảnh: VGP).

Việc tiếp tục là điểm đến hàng đầu khu vực với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, có thể nói, là kết quả hết sức quan trọng, khẳng định sự hiệu quả và tiến bộ trong công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng của Việt Nam. Đồng thời, kết quả này tiếp tục là một trong những động lực chính đóng góp lớn vào tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam năm 2024.

Mặc dù số liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 chưa được công bố, nhưng theo “Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025” được Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 vừa qua, dự kiến GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt từ 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6 - 6,5%. Và năm 2025 mục tiêu đạt khoảng 6,5 - 7%, và có thể cao hơn là 7 - 7,5%.

Trong bài phỏng vấn vào đầu tháng 12/2024 với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), GS. Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhìn nhận thành tích kinh tế và những hoạt động ngoại giao đã góp phần tạo dựng hiệu quả hình ảnh tích cực của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về tình hình phát triển KT-XH của Việt Nam trong năm qua, GS. Hứa Lợi Bình cho rằng thành tựu phát triển KT-XH của Việt Nam trong năm 2024 vượt kỳ vọng. Với con số GDP cả năm dự kiến đạt 6,8 - 7%, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Kết quả này có được chủ yếu dựa vào sự lãnh đạo mạnh mẽ, hiệu quả của Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở hơn, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và lực lượng lao động trẻ đông đảo.

Cùng bày tỏ ấn tượng với tăng trưởng kinh tế và thành tựu ngoại giao của Việt Nam, trong bài phỏng vấn ngày 7/12 với TTXVN, GS. Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales đánh giá tăng trưởng GDP trong năm 2024 dự kiến đạt từ 6,1-7% là thành công của nền kinh tế Việt Nam.

Hướng tới năm 2025, GS. Carl Thayer nhận định dù sẽ tập trung cho các cuộc bầu cử, song Việt Nam vẫn cần ưu tiên giữ vững những đột phá đã đạt được trong năm 2024, đồng thời cải thiện, cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo vị Giáo sư này, năm 2025 sẽ là năm Việt Nam đặt trọng tâm mạnh mẽ vào nền kinh tế.

Về lĩnh vực đối ngoại, năm 2024, Việt Nam đã tiến hành nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024), Malaysia (tháng 11/2024). GS. Carl Thayer cho rằng đây là một sự đột phá của ngành ngoại giao Việt Nam, tất cả đều nằm trong chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, khi Việt Nam đã phát triển hàng chục mối quan hệ đối tác và đối tác chiến lược toàn diện với các nước.

“Những thành công ngoại giao đó đã khiến vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng và trên thế giới nói chung được nâng tầm mạnh mẽ”, GS. Carl Thayer đánh giá./.

Bài liên quan
  • Việt Nam và NVIDIA hợp tác thành lập hai Trung tâm về AI
    Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa công bố thông tin về hợp tác giữa Việt Nam với NVIDIA, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC (Vietnam Research and Development Center), và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu ngoại giao kinh tế của Việt Nam nhìn từ câu chuyện thu hút FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO