Thẻ căn cước công dân gắn chip: Có thực sự cần thiết?

PV| 21/08/2020 14:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc chuyển đổi sang thẻ căn cước công dân có gắn chip là xu thế quản lý bằng công nghệ mà nhiều nước trên thế giới đã làm.

Những ngày qua, người dân quan tâm nhiều đến đề xuất của Bộ Công an về thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử thay cho thẻ Căn cước công dân sử dụng mã vạch như hiện nay.

Trước thông tin đề xuất của Bộ Công an về việc thay thế thẻ căn cước công dân, gắn chip điện tử cho thẻ căn cước công dân sử dụng mã vạch như hiện nay, không ít người dân cảm thấy phiền hà vì vừa đổi xong lại phải đổi.

Thẻ căn cước công dân gắn chip: Có thực sự cần thiết? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lý giải nguyên nhân của điều này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, đây là việc rất bình thường. Vì bất cứ chính sách nào mới khi đưa ra có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân đều tạo sự chú ý, quan tâm của dư luận và cử tri. Việc dư luận, người dân và cử tri có phần bất ngờ là do công tác thông tin chưa giải thích đầy đủ tác dụng và tiện ích của thẻ chip so với thẻ từ.

Chứng minh thư 9 số được sử dụng từ năm 1957, sau 3 lần thay đổi vào năm 1964, 1999 thì đến năm 2012 được chuyển sang 12 số. Đến năm 2016, khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực thì việc cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch đã được triển khai thực hiện. Theo dự kiến trước đây thì chậm nhất là từ ngày 1/1/2020, việc cấp thẻ căn cước công dân được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên đến nay mới có 16 tỉnh thành trên cả nước đủ điều kiện thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân.

Cái cũ chưa được triển khai xong thì lại phải thay đổi cái mới. Trước thực tế này, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng: “Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an phải có đánh giá tác động của việc chuyển đổi thẻ chip thay cho thẻ mã vạch một cách đầy đủ. Bởi không thể chỉ đánh giá tác động mang tính chất định lượng mà phải có những đánh giá tác động mang tính chất định tính, để người dân hiểu hiệu quả và lợi ích của việc chuyển đổi này. Bên cạnh đó, cần có số liệu cụ thể để minh chứng rằng những tiện ích và lợi ích đó cao hơn. Nó mang lại hiệu quả trong việc quản lý nhà nước nhưng đồng thời phải đảm bảo sự thuận lợi, thuận tiện và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”.

Nếu đưa việc chuyển đổi thẻ căn cước công dân có mã vạch sang thẻ căn cước công dân có gắn chip vào triển khai thực hiện, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, cần phải lưu tâm nhiều vấn đề quan trọng. Qua thực tiễn triển khai các chính sách về quản lý cư dân thời gian qua, ông Hồng thấy, để chuyển đổi thẻ căn cước công dân có mã vạch sang thẻ căn cước công dân có gắn chip phải có sự chuẩn bị. Trong đó phải rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật trong việc quản lý công dân, quản lý căn cước công dân. Điều này rất thuận lợi khi hiện nay chúng ta sửa đổi Luật Cư trú gắn với việc Chính phủ đề xuất bỏ hình thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy sang quản lý cư trú dựa vào số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực thì mới phát huy được hiệu quả việc chuyển đổi này. Nếu chỉ dùng cái căn cước công dân để quản lý công dân như hiện nay thì không phát huy được hiệu quả của việc gắn chíp. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và để tạo điều kiện để cho người dân tiếp cận với những quy định mới này.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng, Bộ Công an, Chính phủ phải có đánh giá tác động để có tính toán một cách hợp lý lộ trình, cách thức tổ chức triển khai để đảm bảo thực hiện hiệu quả.

“Qua tham khảo những báo cáo mà chúng tôi được tiếp cận, hiện nay nhiều quốc gia đã có triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử và người ta đã tích hợp các thông tin về giấy phép lái xe, thông tin về bảo hiểm xã hội, thông tin về y tế vào thẻ căn cước. Việc triển khai và tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành mới có thể đảm bảo hiệu quả trên thực tế” - ông Hồng cho biết.

Việc chuyển đổi sang thẻ căn cước công dân có gắn chip là xu thế quản lý bằng công nghệ mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Để xu thế này trở nên phù hợp, tạo hiệu quả thực sự cho công tác quản lý nhà nước về dân cư, trước hết các cơ quan quản lý phải tạo được thuận lợi cho người dân, đảm bảo về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Như vậy, trách nhiệm của các cơ quan cần phải được xác định rõ và phải tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được các quy chế cũng như các vấn đề cần phải tiến hành thực hiện./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thẻ căn cước công dân gắn chip: Có thực sự cần thiết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO