Thể chế số giải quyết các điểm nghẽn, góp phần chuyển đổi số
Theo Bộ TT&TT, thể chế số tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, phối hợp hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành. Các chính sách mới ban hành trong năm 2024 đã giải quyết được những điểm nghẽn chính về thể chế tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế.
Giải quyết các điểm nghẽn chính
Tháo gỡ các nút thắt trong thực hiện đầu tư
Ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Nghị định sửa đổi này được ban hành, cùng với Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị đã tạo thành khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, xuyên suốt cho hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi từ bước phân bổ kinh phí đến bước triển khai, thực hiện; tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách trong chuyển đổi số (CĐS). Cụ thể, các thể chế đã giải quyết ba điểm nghẽn trong thực hiện đầu tư.
Một là tháo gỡ “điểm nghẽn” về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị CNTT.
Trong năm 2024, các khoản kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị CNTT bị tạm dừng, không được phân bổ đầu năm cho các bộ, ngành, địa phương do chưa phân định rõ nguồn đầu tư - thường xuyên thực hiện nhiệm vụ. Nguyên nhân là do sự không thống nhất trong nhận thức, cách hiểu quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công, NSNN, dẫn đến có cách hiểu là chỉ được sử dụng vốn đầu tư công cho mua sắm tài sản, trang thiết bị CNTT.
![thai-nguyen.jpg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/13/thai-nguyen.jpg)
Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ban hành ngày 24/10/2024 nhằm đảm bảo thống nhất đồng bộ về phạm vi, đối tượng áp dụng của Luật NSNN, Luật Đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để mua sắm tài sản, trang thiết bị. Sau khi “điểm nghẽn” về chi thường xuyên được thông, quy trình quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho mua sắm tài sản, trang thiết bị được thực hiện theo Nghị định số 82/2024/NĐ-CP.
Hai là giải quyết vấn đề tiềm ẩn về nguy cơ lãng phí, thất thoát NSNN.
Trước đây, nhiều cơ quan đầu tư, mua sắm một phần mềm giống nhau về chức năng, tính năng nhưng không ai biết và không kiểm soát được giá... dẫn đến tình trạng là 63 phần mềm cho 63 tỉnh, thành phố giống nhau, nhưng vẫn bán giá cao.
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP bổ sung quy định mới về phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực hay nói cách khác là “thương mại hóa” phần mềm nội bộ. Quy định này kỳ vọng giải quyết được vấn đề tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thoát NSNN có thể xảy ra trong đầu tư ứng dụng CNTT.
Ba là tháo gỡ “điểm nghẽn” về nguồn kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm cho các hoạt động duy trì, vận hành, bảo trì sản phẩm của các dự án đầu tư ứng dụng CNTT.
Trước đây, đầu tư cho CNTT chủ yếu là mua sắm máy tính, công cụ, dụng cụ làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó, kinh phí để vận hành, bảo trì tại các bộ, cơ quan trung ương được lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên theo định mức biên chế tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN (theo định mức phân bổ theo biên chế).
Hiện nay, đầu tư cho CNTT là đầu tư cho CĐS, là đầu tư cho các hệ thống thông tin (HTTT)/nền tảng quốc gia, dùng chung trong bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước chung, không phải đầu tư cho cá nhân người lao động. Kinh phí để vận hành, bảo trì các HTTT/nền tảng là rất lớn, kinh phí phân bổ theo định mức biên chế không thể đáp ứng được.
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP khẳng định: (i) trách nhiệm phải thực hiện quản trị, vận hành, bảo trì các HTTT, nền tảng số thường xuyên, liên tục; (ii) trách nhiệm phải bảo đảm kinh phí chi thường xuyên (nằm ngoài định mức phân bổ theo biên chế) để thực hiện quản trị, vận hành và bảo trì các HTTT, nền tảng số này nhằm bảo đảm hoạt động của hệ thống được ổn định, thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Giải quyết điểm nghẽn trong quản lý không gian mạng
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được ban hành ngày 9/11/2024 đã quyết điểm nghẽn, bất cập phát sinh trong thực tiễn từ hơn 10 năm nay trong quản lý không gian mạng là khó khăn trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người dùng mạng xã hội (MXH).
Hiện nay, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã yêu cầu tất cả MXH trong nước và xuyên biên giới tại Việt Nam đều phải xác thực tài khoản người dùng MXH bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được tương tác, đăng bài, chia sẻ thông tin.
Các tài khoản livestream bán hàng hoặc có giao dịch thương mại thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân. Như vậy, với quy định xác thực người dùng MXH thì bắt buộc cả người dùng và chủ quản MXH đều phải có trách nhiệm tuân thủ, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng phát tán tin giả, tin xấu độc, lừa đảo, trốn thuế và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các MXH cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Giải quyết hhai điểm nghẽn trong phát triển, khai thác dữ liệu
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Chiến lược về dữ liệu quốc gia đã tạo bước đột phá về thể chế dữ liệu.
![csdl-quoc-gia.jpg](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/13/csdl-quoc-gia.jpg)
Trước đây, dữ liệu do các cơ quan nhà nước (CQNN) tạo ra bị cát cứ, rời rạc, do đó chưa khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCCTT) của các CQNN, trùng lặp trong tạo lập.
Thể chế dữ liệu mới quy định về hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các TTHC, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, giảm cát cứ, thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN giúp phát triển Chính phủ số và cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC không còn phù hợp.
Luật Dữ liệu cũng đã quy định về xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia, lưu trữ CSDL quốc gia, hạ tầng cho CSDL quốc gia, CSDL các ngành, lĩnh vực, từ đó giải quyết điểm nghẽn về thiếu năng lực xử lý dữ liệu lớn các TTDL.
Tạo không gian, động lực mới phát triển cho nền kinh tế
Thể chế số mới được thiết lập, không chỉ giải quyết các điểm nghẽn, tồn tài từ nhiều năm mà còn tạo không gian, động lực mới cho phát triển nền kinh tế.
Cụ thể, Luật Dữ liệu mở ra phương thức phát triển kinh tế - xã hội mới dựa trên dữ liệu:
(1) Mở ra các cơ hội, lĩnh vực mới trên cơ sở khai thác, quản lý dữ liệu hiệu quả, khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ dữ liệu, xây dựng TTDL, xử lý dữ liệu.
(2) Phát triển thị trường dữ liệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo (ĐMST); cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu, sản phẩm, dịch vụ TTDL. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp dựa trên dữ liệu như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data),...
(3) Không gian mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu.
Trong khi đó, dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số được Bộ TT&TT chủ trì xây dựng sẽ mở ra con đường, không gian phát triển mới về công nghiệp công nghệ số, khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam dám và sẵn sàng tiếp cận, đưa về Việt Nam, sẵn sàng đi đầu, tiên phong ứng dụng, phát triển những công nghệ mới trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là bước đi chiến lược mang tính cách mạng, giúp Việt Nam tiên phong trong phát triển công nghiệp công nghệ số, định hình một nền kinh tế số hiện đại và bền vững.
Trong khi Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 mở ra con đường phát triển theo công thức C= SET + 1.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, công thức phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam thể hiện cách tiếp cận độc đáo, thể hiện khát vọng lớn và quyết tâm cao với các trọng tâm. Chiến lược sẽ hình thành một ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số, góp phần xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và tự chủ trong tương lai mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Luật Viễn thông sửa đổi có hiệu lực từ 01/7/2024 cũng đã mở rộng không gian phát triển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số. Theo đó, Luật quy định các dịch vụ mới như dịch vụ TTDL, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số.
Nói về vai trò quan trọng của thể chế số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số thì cần thể chế số. Thể chế cho Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Thể chế số thì cần vừa theo kịp vừa kiến tạo phát triển. Thể chế số mà có thì CĐS mới toàn dân, toàn diện được, nếu không thì chỉ là thí điểm lỗ chỗ. Thí điểm thành công mà không phổ cập được thì CĐS không tạo ra nhiều giá trị. Cách mạng CĐS thì chủ yếu là cách mạng về thể chế”.
Theo Bộ trưởng, công nghệ số tạo ra những thay đổi lớn, tạo ra lực lượng sản xuất mới, tạo ra cách thức hoạt động mới của tất cả các tổ chức, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Nhưng nếu pháp luật không cho phép, hoặc không tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các mô hình mới, cách thức vận hành mới thì đất nước sẽ không gặt hái được những lợi ích của công nghệ số. Mô hình mới, cách thức vận hành mới chính là quan hệ sản xuất mới./.