Thế giới Internet mới và cơ hội cho Việt Nam

TH| 10/01/2022 17:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2021 có thể được xem là một năm bùng nổ với thế giới blockchain. Theo CB Insights, lượng tiền đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng hơn 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng các nền tảng, giải pháp ứng dụng blockchain và đang tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Blockchain, web 3.0 sẽ mở ra một kỷ nguyên Internet mới

Chia sẻ tại Diễn đàn Tech Summit 2022 do VnExpress tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cho biết kỷ nguyên phát triển tiếp theo của Internet trên phạm vi toàn cầu sẽ bao trùm bởi 4 xu hướng: Metaverse, web 3.0, AI và blockchain.

Thế giới Internet mới và cơ hội cho Việt Nam  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA: kỷ nguyên phát triển tiếp theo của Internet trên phạm vi toàn cầu sẽ bao trùm bởi bốn xu hướng: Metaverse, web 3.0, AI và blockchain.

Thời gian qua, những công nghệ này bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó, web 3.0 hứa hẹn trở thành nơi lưu trữ dữ liệu chỉ thuộc về chính người dùng, tạo ra hệ thống xử lý dữ liệu phi tập trung khổng lồ. AI và tự động hóa dự kiến có quy mô thị trường khoảng 15.700 tỷ USD vào năm 2030. Toàn thế giới có khoảng 1.350 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển các công nghệ ảo, biến metaverse thành cuộc đua mới giữa các "ông lớn" Facebook, Apple, Google, Microsoft...

Trong khi đó, ông Johnny Trí Dũng, Giám đốc marketing (CMO) DecomWings, nhận định các công nghệ blockchain, web 3.0 sẽ mở ra một kỷ nguyên Internet mới. Năm 2021 được cho là năm bùng nổ của thị trường blockchain. Tại Việt Nam, game Axie Infinity cũng từng huy động được 150 triệu USD mới đây, nâng định giá công ty tới 3 tỷ USD.

"Khoản đầu tư từ các tổ chức đóng vai trò rất lớn vào sự phát triển này. Những tổ chức tham gia thị trường từ trước năm 2017 đã luôn hy vọng, sau nguồn tiền từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, sẽ vào nguồn tiền từ các tổ chức, từ đó tạo ra sức hút đến những đối tượng ít để ý đến tiền mã hóa như là các quỹ lương hưu", ông Johnny Trí Dũng cho biết.

Theo báo cáo từ Chainalysis, năm 2021, Việt Nam là nước dẫn đầu danh sách các quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử (Global Crypto Adoption Index - GCAI). Theo đó, Việt Nam đứng thứ 10 trong tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Đây là một trong những chỉ số hiếm hoi mà Việt Nam có thứ hạng tương đồng các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nam Phi, thậm chí còn hơn nhiều quốc gia phát triển khác là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Trong khi đó, tại sự kiện Blockchain 2021 "Bức tranh đa màu" do Diễn đàn phổ cập Blockchain tổ chức mới đây, mạng lưới blockchain Angles dẫn thống kê đã có 30 tỷ USD được đổ vào thị trường tiền số, tăng gấp 4 lần so với năm 2018 với khoảng 8 tỷ USD. Lượng người sử dụng tiền mã hóa theo thống kê của quý 1 và quý 2 cũng tăng từ 100 lên 200 triệu sau khi có tin tức Paypal, Mastercard chấp nhận thanh toán bằng tiền số.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng COVID-19 cũng là yếu tố thứ hai tác động sâu sắc đến bức tranh toàn cảnh của thị trường blockchain 2021. Nhiều startup ứng dụng công nghệ này nhằm thích ứng và vượt qua dịch bệnh. Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện lệnh giãn cách xã hội, công nghệ thông tin được cho là ít bị ảnh hưởng nhất, có khả năng duy trì làm việc từ xa, là ngành hấp dẫn giới đầu tư.

Tính minh bạch, khả năng bảo mật, sự phân quyền là ưu thế của công nghệ blockchain, tạo nên tính ứng dụng rộng rãi trong vận tải, logistics, dịch vụ công cộng, giáo dục… Những nhân tố như metaverse, gameFi, NFT, web 3.0… được đánh giá là các từ khóa trong thời gian tới.

Thế giới Internet mới và cơ hội cho Việt Nam  - Ảnh 2.

Ông Johnny Trí Dũng: với sự kết hợp blockchain, web 3.0 sẽ là xu hướng Internet mới, là thế hệ mới của Internet phi tập trung với khả năng phân bổ quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân

Theo đại diện DecomWings, GameFi đang dần trở thành nền móng trong xây dựng các sản phẩm. "Năm 2022 dự đoán sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn các nhân sự ngành blockchain và tiền mã hoá. Xu hướng này đã bắt đầu ở Mỹ khi nhiều người đã nhảy việc, chuyển sang lĩnh vực này, thậm chí đã có nhiều trung tâm đào tạo về ngành blockchain. Với sự kết hợp blockchain, web 3.0 sẽ là xu hướng Internet mới, là thế hệ mới của Internet phi tập trung với khả năng phân bổ quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân", ông Dũng cho hay. 

Chia sẻ thêm tại Tech Summit 2022, ông Nguyễn Thành Trung, đồng sáng lập kiêm CEO của Axie Infinity, cho biết có sự khác biệt cơ bản giữa sử dụng Internet và Internet được hỗ trợ bởi blockchain, với 4 điểm nổi bật. Nếu với Internet, thông tin cá nhân bị thu thập và sử dụng thì với blockchain, thông tin cá nhân được bảo toàn. Với Internet, dữ liệu tập trung, nằm dưới quyền kiểm soát của công ty công nghệ lớn, nhưng đến blockchain, dữ liệu phân tán, nhờ thế tăng tính an toàn và minh bạch. Thời Internet, lợi ích phần lớn thuộc về các bên cung cấp nền tảng và trung gian, nhưng với blockchain, người dùng có quyền sở hữu số thật sự đối với sản phẩm mình tạo ra, và thu được lợi ích từ đó. Giao dịch tại Internet là giao dịch qua trung gian còn giao dịch tại blockchain là giao dịch ngang hàng.

Khi blockchain phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển web 2.0 lên 3.0, tạo nền tảng cho các ứng dụng mới chạy trên web 3.0. Vì thế, web 3.0 chính là xu thế của tương lai.

Ngoài web 3.0, cũng dựa trên nền tảng blockchain, DeFi – hệ thống tài chính phi tập trung cũng được dự đoán phát triển vào năm 2022, cho phép xử lý các giao dịch tài chính mở, minh bạch.

Cơ hội nào trong thế giới blockchain cho Việt Nam

Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cách mạng công nghệ mới, đồng sáng lập kiêm CEO của Axie Infinity cho biết, tính đến năm 2021, sau hơn 30 năm khi Internet bắt đầu xuất hiện trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ dân số sử dụng Internet vào khoảng 73%. Cũng tính đến năm 2021, sau 13 năm khi khái niệm blockchain và tiền điện tử bắt đầu xuất hiện, Việt Nam là nước có Chỉ số chấp nhận tiền điện tử cao trên thế giới. "Điều này cho thấy người Việt Nam rất nhạy với công nghệ mới, điều này có thể thúc đẩy công nghệ mới phát triển ở Việt Nam", ông Trung nhận xét.

"Chúng tôi thu hút sự chú ý của mọi người với blockchain bằng game. Facebook ban đầu cũng thu hút sự chú ý của mọi người bằng game. Đằng sau câu chuyện game, chúng tôi phải bỏ rất nhiều công sức thực, hoàn toàn không phải là ảo", ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trung, Việt Nam đang có lợi thế lớn khi phát triển blockchain và web 3.0 như: nguồn nhân lực nhạy bén, nắm bắt tốt cơ hội thị trường; xuất phát điểm không có sự chênh lệch quá nhiều với các nước; các dự án khởi nghiệp mang tầm thế giới, thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế đang có của mình và bứt phá trong cuộc đua, theo ông Trung, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, ưu tiên phát triển lĩnh vực đang có lợi thế so sánh, thu hút thêm nhân lực trình độ cao ở nước ngoài, hoàn thiện khung pháp lý cho blockchain và các ứng dụng liên quan như tiền điện tử, trò chơi điện tử...

Trong khi đó, ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue cho rằng, để thử sức với blockchain, các startup cần ở đủ lâu trong thị trường này mới hy vọng giúp doanh nghiệp của mình sống sót. Vì sự biến động của thị trường, startup dễ rơi vào những thời điểm "thăng hoa" hoặc rơi xuống "địa ngục" chỉ trong tích tắc./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thế giới Internet mới và cơ hội cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO