Thêm hai mô hình điểm đài truyền thanh "Make in Vietnam" chính thức đi vào hoạt động

Lan Phương| 29/09/2020 16:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình, 02 mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ viễn thông (CNTT-VT) tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách và phường Trần Phú, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã được Bộ TT&TT bàn giao hôm nay 29/9/2020.

Tham dự Lễ bàn giao có đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup, Sở TT&TT Hải Dương, UBND huyện Nam Sách, UBND xã Hải Phong, phường Trần Phú, tỉnh Hải Dương và đơn vị triển khai điểm truyền thanh tại Hải Dương là Công ty TNHH Đầu tư Giang Phong.

Hai mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại Hải Dương chính thức đi vào hoạt động - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tạo: Trên cơ sở các mô hình điểm, các địa phương trên cả nước đến nghiên cứu, tham khảo, học hỏi để triển khai trên diện rộng.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT cho biết: Thông tin cơ sở được tiến hành bằng nhiều loại hình khác nhau, trong đó, truyền thanh cơ sở là loại hình thông tin chủ lực. Hiện nay cả nước có trên 80% các xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là công nghệ cũ, có dây hoặc anten cho nên trong quá trình hoạt động thông tin tuyên truyền vẫn có khó khăn, hạn chế nhất định.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, thời gian qua, một số doanh nghiệp CNTT - viễn thông trong nước đã nghiên cứu, sản xuất ra thiết bị truyền thanh thế hệ mới, sử dụng phương thức truyền dẫn dữ liệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, Internet. Công nghệ hiện đại hơn, thiết bị tiên tiến hơn, giảm thiểu rất nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thông tin tuyên truyền ở cơ sở khi sử dụng công nghệ truyền thanh cũ.

Trong tình hình như vậy, Bộ TT&TT đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT", trọng tâm là xây dựng hệ thống truyền thanh công nghệ mới, sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet.

Để triển khai các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã giao Cục Thông tin cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cơ sở, triển khai 3 mô hình điểm về truyền thanh cơ sở công nghệ mới: Một mô hình ở khu vực miền núi ở xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (đã bàn giao tuần trước); một mô hình truyền thanh cơ sở ở khu vực đồng bằng ở xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; và một mô hình khu vực đô thị ở phường Trần Phú, TP. Hải Dương.

Hai mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại Hải Dương chính thức đi vào hoạt động - Ảnh 2.


Hai mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại Hải Dương chính thức đi vào hoạt động - Ảnh 3.

Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở

Theo ông Nguyễn Văn Tạo, đây là 3 mô hình điểm trong toàn quốc. Trên cơ sở các mô hình điểm, các địa phương trên cả nước đến nghiên cứu, tham khảo, học hỏi để triển khai trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Tạo bày tỏ mong muốn xã Hồng Phong và phường Trần Phú sau khi tiếp nhận hệ thống truyền thanh công nghệ mới sử dụng, vận hành hệ thống này hiệu quả để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn.

Về mô hình điểm ở xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương: Xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 4,6 km2, dân số 6.100 người/1.701 hộ dân. Hồng Phong là xã thuần nông, có 05 thôn, địa hình đồng bằng, dân cư sinh sống tập trung.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông Make in Vietnam

Xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 4,6 km2, dân số 6.100 người/1.701 hộ dân. Hồng Phong là xã thuần nông, có 05 thôn, địa hình đồng bằng, dân cư sinh sống tập trung.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - VT của xã Hồng Phong được đầu tư 13 bộ thu phát thanh (sử dụng sim 3G/4G, miễn phí thuê bao 12 tháng), với 42 loa công suất 25 W/loa để phủ sóng 100% các hộ gia đình của toàn bộ 05 thôn trong xã; 01 bộ máy vi tính kèm theo phần mềm quản trị, biên tập nội dung, chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói; 01 micro để bàn; một số cụm loa được treo trên các cột kẽm đầu tư mới, một số cụm loa được mắc trên cột diện, nóc nhà văn hóa thôn. Tổng chi phí đầu tư đài truyền thanh xã Hồng Phong khoảng 240 triệu đồng.

Trong khi đó, phường Trần Phú, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương là phường trung tâm của thành phố Hải Dương, diện tích tự nhiên 0,71 km2, dân số trên 7.000 người. Phường có 07 tổ dân phố, nhiều nhà cao tầng, có nhiều tuyến phố tập trung buôn bán sầm uất.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT của phường Trần Phú được đầu tư 12 bộ thu phát thanh (sử dụng sim 3G/4G, miễn phí thuê báo 12 tháng), với 36 loa công suất 25 W/loa để phủ sóng 100% các hộ gia đình của toàn bộ 07 tổ dân phố trong phường; 01 bộ máy vi tính kèm theo phần mềm quản trị, biên tập nội dung, chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói; 01 micro để bàn.

Do thi công lắp đặt cụm loa treo trên cột điện, nóc tòa nhà công sở trong khu vực đô thị nên phải xin cấp phép của cơ quan điện lực và tham khảo ý kiến người dân về âm lượng các cụm loa để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tổng chi phí đầu tư đài truyền thanh phường Trần Phú khoảng 220 triệu đồng. Toàn bộ thiết bị lắp đặt tại mô hình điểm xã Hồng Phong và phường Trần Phú do Công ty TNHH Đầu tư Giang Phong sản xuất, lắp đặt.

Ông Đỗ Văn Định, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Giang Phong cho biết: đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại 2 mô hình điểm ở Hải Dương đã được các cán bộ, kỹ sư Giang Phong sản xuất từ năm 2017 và thử nghiệm tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, cho đến nay đã được nâng cấp lên phiên bản 3 với nhiều tính năng ưu việt với khả năng hoạt động 24/7 trong các điều kiện khắc nghiệt nhất của Việt Nam, có hệ thống cảm biện nhận dạng đến từng cụm loa, điều chỉnh âm lượng cả phần cứng, phần mềm, rất linh hoạt với từng cụm dân cư và tích hợp công nghệ AI để chuyển đổi giọng nói. Đây thực sự là sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam. Sản phẩm có thể được thiết kế, nâng cấp và tích hợp theo yêu cầu của khách hàng.

Truyền thanh ứng dụng CNTT-VT là giải pháp công nghệ mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn hắn so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM, như: Không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết.

Điểm truyền thanh mới này ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh (kiểm duyệt chương trình từ xa; chuyển tải chương trình trên hệ thông từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng khác như Cổng thông tin điện tử của địa phương; quản lý lịch phát sóng tự động...); sử dụng AI trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thêm hai mô hình điểm đài truyền thanh "Make in Vietnam" chính thức đi vào hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO