Cụ thể, Bộ TT&TT vừa ban hành văn bản số 793/BTTTT-THH về việc Hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công tác công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Theo đó, nhiệm vụ, chức năng của Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống; người dân được tiếp cận công nghệ cao theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Theo Bộ TT&TT, việc xây dựng Hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng được xây dựng trên cơ sở thực tế triển khai và để triển khai mô hình này ngày càng hiệu quả, Bộ sẽ thường xuyên cập nhật, tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương để nhân rộng, phát huy các mô hình tích cực thông qua địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn/.
Cùng với đó, Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở TT&TT, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) bưu chính, viễn thông, CNTT tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Bên cạnh những nội dung chỉ đạo quan trọng nêu trên, Bộ TT&TT cũng khuyến nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo UBND các quận/huyện, thành phố/thị xã giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.
Trong đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn/bản, tổ trưởng tổ dân phố và 02 nhân sự (khuyến nghị có sự tham gia của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).
Sở TT&TT cũng cần chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các DNCNS bồi dưỡng, tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về CĐS; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Đặc biệt, Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn tập trung vào 03 trụ cột quan trọng: Chính quyền số (hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn); kinh tế số (hướng dẫn DN, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử…); xã hội số (hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số).
Như vậy, có thể nói Tổ công nghệ số cộng đồng khi bám sát thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu trên của văn bản, chúng ta luôn tin tưởng các giá trị CĐS ngày càng đi sâu vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số hiểu biết, văn minh - trở thành "tác nhân" quan trọng, thúc đẩy, phát triển chính quyền CĐS, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực./.