Báo cáo về thị trường căn hộ dịch vụ Tp.HCM, Savills chỉ ra, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nặng nề hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Kể từ tháng 2 một số dự án căn hộ dịch vụ đã từ chối khách thuê ngắn hạn, điều này đã dẫn đến công suất hoạt động giảm đáng kể.
Tại thị trường Tp.HCM, công suất trung bình giảm -20 điểm phần trăm theo quý và -17 điểm phần trăm theo năm. Giá thuê trung bình được tính dựa trên các hợp đồng thuê dài hạn cũng giảm -2% theo quý và theo năm. Trong đó, các dự án Hạng B có giá thuê giảm nhiều nhất -3% theo quý do các dự án có quy mô lớn tại phân khúc này đã áp dụng mức giá ưu đãi lên đến -15% giá thuê theo tháng.
Báo cáo của đơn vị này cho thấy, trong quý 1, số lượng đơn đặt phòng mới sụt giảm mạnh, đồng thời nhiều khách thuê đã yêu cầu hủy phòng do chính sách hạn chế du lịch và nhập cảnh. Kể từ tháng 3, số lượng khách lưu trú ngắn ngày giảm mạnh bên cạnh nhiều hợp đồng dài hạn thay đổi thời gian bắt đầu lưu trú hoặc hủy bỏ. Việc các doanh nghiệp thực hiên quản lý khủng hoảng toàn diện đã dẫn đến tỷ lệ lấp đầy của nhiều dự án xuống thấp hơn 50%.
Kể từ tháng 3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM đã tạm ngưng cấp giấy phép mới cho người lao động nước ngoài. Tính đến tháng 3/2020, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) thì Việt Nam có hơn 68.000 người lao động nước ngoài làm việc, trong đó có 37% chưa trở lại Việt Nam làm việc do bị hạn chế đi lại ở mức toàn cầu.
Trước tình hình này, theo Savills Việt Nam, chủ cho thuê và khách thuê đang tích cực tìm kiếm giải pháp thực tiễn để giải quyết vấn đề. Để tập trung bảo vệ sức khỏe của các khách thuê hiện tại, nhiều dự án căn hộ dịch vụ cao cấp đã ngừng hoàn toàn việc nhận các hợp đồng thuê ngắn hạn.
Ở các phân khúc thấp hơn, các chính sách ưu đãi về giá, giãn thời gian trả tiền thuê, những quy định dễ dàng hơn trong việc hủy phòng đã được áp dụng triển khai trong giai đoạn dịch bệnh. Một số chuỗi như Somerset, Glenwood và ThiênSơn đã áp dụng mức giảm giá thuê ưu đãi lên đến 10%. Một số chuỗi khác như Sherwood và City House thực hiện hạn chế nhận các hợp đồng thuê mới và giữ căn hộ cho khách thuê dài hạn cho đến quay trở lại làm việc.
Dự báo những khó khăn trong ngắn hạn đối với phân khúc này, đại diện Savills cho biết, nhu cầu cho căn hộ dịch vụ ở tất cả các hạng dự kiến sẽ giảm. Trong quý 1/2020, Tp. HCM đã chào đón 3,7 triệu khách quốc tế, giảm -18% theo năm. Việc hạn chế du lịch thực hiện trên toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng hàng không. Khi lệnh tạm ngưng xuất nhập cảnh từ ngày 1/4, tất cả các chuyến bay quốc tế đã bị hủy bỏ và số lượng các chuyến bay nội địa bị hạn chế.
Theo UNWTO dự báo số lượt du khách nước ngoài trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ có mức giảm lên đến 30% theo năm. Phân tích sự tăng trưởng du khách quốc tế trên quy mô toàn cầu và tại Việt Nam trong giai đoạn 2001-2019 cho thấy mức tăng trưởng này tại Việt Nam thấp hơn con số của quy mô toàn cầu là 8 điểm phần trăm tại 2 thời điểm đại dịch SARS 2003 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009. Trong khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ giảm sâu và theo đó ảnh hưởng đến nhu cầu khách thuê ngắn hạn của căn hộ dịch vụ.
Bên cạnh nhu cầu giảm, căn hộ dịch vụ còn chịu áp lực từ sự cạnh tranh với căn hộ mua để cho thuê (buy-to-let). Từ năm 2018-2022 có hơn 50.000 căn hộ Hạng A và B được bàn giao, trong đó lên đến 30% có khả năng sẽ cho thuê. Trong năm 2020, khoảng 45% nguồn cung căn hộ dịch vụ tương lai sẽ tham gia vào thị trường; tuy nhiên, tác động của đại dịch có thể gây trì hoãn tiến độ của các dự án tương lai. Gần đây, thị trường bắt đầu hình thành xu hướng chuyển đổi căn hộ hạng C thành văn phòng.
Tuy vậy, trong khó khăn vẫn có những điểm sáng ở loại hình này. Cụ thể, với những phản ứng nhanh chóng và biện pháp phòng ngừa hiệu quả, Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro về kinh tế và kì vọng phục hồi sớm. Bên cạnh đó, là trung tâm kinh tế của cả nước, Tp.HCM vẫn là khu vực thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và có số lượng người nước ngoài cao nhất Việt Nam.
“Hoạt động của thị trường căn hộ dịch vụ có liên quan mật thiết đến nguồn vốn FDI. Tình trạng hạn chế di chuyển và việc nhiều chuyên gia nước ngoài trở về nước đã ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu trong ngắn hạn. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã tận dụng quãng thời gian này để cải tạo và nâng cấp dự án nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong tương lai”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết.