Thị trường edtech và cơ hội
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành, hơn 90% học sinh, sinh viên Việt Nam áp dụng phương pháp học trực tuyến. Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng CNTT ứng phó với đại dịch.
Hiện có khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên, 30.000 trường học và 10.000 cơ sở đào tạo, 1,4 triệu giáo viên và hơn 90% học sinh sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập. Việt Nam có 51 triệu người đi làm và có nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực làm việc. Hơn 2 triệu người đang tham gia các chương trình học qua mạng (không tính học sinh, sinh viên học trực tuyến do COVID-19). Theo các chuyên gia, đây được xem là một thị trường rất tiềm năng cho công nghệ giáo dục.
Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết tại Việt Nam khoảng 250 triệu USD đổ vào thị trường edtech từ 2016 - 2021 và chỉ có khoảng 200 công ty edtech. Tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp edtech Việt Nam vào năm 2023 khoảng 3 tỷ USD.
"Con số này hết sức khiêm tốn và thị trường edtech dự kiến đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 20,2%/năm. Như vậy, thị trường edtech còn khá khiêm tốn chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí cho giáo dục".
Bà Tú cũng cho biết thêm COVID-19 làm đẩy nhanh việc ra mắt các sản phẩm số, cũng như cùng với sự phát triển công nghệ đã làm thay đổi hành vi học tập từ xa. Nhiều người học quen dần với việc đào tạo từ xa, thị trường cũng quen dần với việc trả tiền cho đào tạo số, theo đó thị trường edtech phát triển khá nhanh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều chính sách thúc đẩy đào tạo từ xa, dạy học trực tuyến trong những năm gần đây.
Cũng theo chia sẻ của bà Tú, việc phát triển edtech có tăng lên nhưng mức tăng khá là chậm, vẫn còn nhiều tiềm năng cho thị trường giáo dục số. Cụ thể năm 2019 có 183 tỷ USD chi phí cho giáo dục số, tức là chiếm khoảng 3,1% và đến năm 2025 sẽ là 404 tỷ USD nhưng vẫn chỉ chiếm 5,5% trong tổng chi phí dành cho ngành giáo dục.
Bốn thị trường lớn nhất về edtech trên thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Ấn Độ xếp vị trí thứ nhất về số kỳ lân edtech với 3 kỳ lân, tiếp theo là Trung Quốc với 2 kỳ lân. Các startup edtech của hai nước này tập trung vào bài toán dạy thêm khi có dân số đông, diện tích rộng và nhu cầu về đào tạo, thi cử ở châu Á vẫn còn khá căng thẳng.
Bà Tú cho rằng tiềm năng thị trường edtech lớn nhưng rất cạnh tranh. Phát triển edtech phải đổ vốn rất nhiều.
Lợi thế của nhà mạng phát triển edtech để để đóng góp đào tạo
Với tư cách là nhà mạng đang chuyển dần sang doanh nghiệp dịch vụ số, bà Tú cho biết MobiFone xây dựng nền tảng MobiEdu với mong muốn sẽ tạo được hệ sinh thái giáo dục số, là kho tàng chia sẻ tri thức với xã hội.
Theo chủ trương CĐS của Chính phủ, các công ty công nghệ số sẽ đóng góp các hệ thống nền tảng, phát triển hệ sinh thái. Với lợi thế của nhà mạng về kết nối, tập khách hàng và dữ liệu, MobiFone có cơ sở tạo ra một hệ sinh thái về giáo dục số. Hệ sinh thái về giáo dục số của MobiFone có các thành phần quan tâm đến giáo dục, cá nhân, tổ chức có nhu cầu học tập, trường học, tổ chức có nhu cầu dạy học.
Qua hệ sinh thái, những người có nhu cầu học tập có khả năng tiếp cận một cách nhanh, phù hợp nhất tới các khóa đào tạo, kể cả những người vùng sâu vùng xa, là những người không có quá nhiều chi phí dành cho học tập có thể tham gia. Các trường học, cơ sở giáo dục, những người làm giáo dục có thể tham gia hệ sinh thái để tiếp cận học viên và công cụ đào tạo cho học viên trên môi trường số.
"Chúng tôi tạo môi trường để cho những nội dung giáo dục, tri thức có thể chia sẻ trên kho dữ liệu này và thậm chí có thể thu được tiền", bà Tú chia sẻ.
Những nội dung tri thức ở đây, theo bà Tú, không chỉ là bài giảng, kiến thức, nghiên cứu, còn là những ứng dụng về giáo dục, tạo ra một môi trường để triển khai tất cả những ứng dụng đưa lên trên đó và tiếp cận với người sử dụng cũng như tạo điều kiện cho những người phát triển ứng dụng có môi trường để họ kiểm thử ứng dụng của họ đến với người sử dụng của họ nhanh nhất. Ngoài ra, trên hệ sinh thái này cũng có rất nhiều các thành phần khác như ISP, nhà mạng, các cổng thanh toán để thực hiện thanh toán.
Chia sẻ về thành tựu triển khai MobiEdu sau 1 năm triển khai, bà Tú cho biết MobiEdu tập trung vào 3 mảng chính là: thi thử, nội dung số từ các đối tác hàng đầu của Việt Nam, trên thế giới và công cụ để dạy học trực tuyến một cách tốt nhất. Hiện tại có hơn 800 trường phổ thông sử dụng nền tảng này của MobiEdu hoàn toàn miễn phí và trong đại dịch vừa rồi các trường học tiếp tục dạy học trực tuyến MobiFone đã miễn phí dữ liệu (data).
"Chúng tôi ý thức được rằng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu tri thức là vô cùng đáng quý, quan trọng và việc sử dụng công nghệ cũng như các giải pháp về dữ liệu đã được hoàn toàn quan tâm trong việc phát triển giải pháp MobiEdu", bà Tú cho biết.
MobiEdu sẽ áp dụng những công nghệ như dữ liệu lớn (big data), phân tích dữ liệu AI, bản sao số (digital twin)… để hướng tới một nền giáo dục cá nhân hóa việc giáo dục, nghĩa là mọi người đến trường để không học cùng một chương trình và chịu trách nhiệm về lộ trình học tập của mình. Nhờ công nghệ, người học cũng có phương pháp học khác nhau bởi vì mỗi người học sẽ có tiếp cận khác khác, có người học nhờ tiếp cận qua mắt, có người tiếp cận qua tai, công thức, con số, theo đó việc học tập sẽ được cá thể hóa (customize).
Theo đó, dữ liệu lớn được ứng dụng theo 5 mục tiêu lớn: đưa sản phẩm đến đúng đối tượng cần học; gợi ý cho những người có nhu cầu học tập những khóa học phù hợp với những phương pháp học phù hợp; cá thể hóa lộ trình học tập tức là cùng đạt tới lộ trình khác nhau; nâng cao tỷ lệ tương tác và giảm tỷ lệ rời bỏ khóa học.
Theo bà Tú, với lợi thế về dữ liệu và phân tích dữ liệu, MobiEdu cũng áp dụng dữ liệu lớn trong việc thu thập dữ liệu, gợi ý khoa học phù hợp với bản thân của người học.
Bên cạnh đó, học liệu số cũng phải được bảo mật từ thiết kế đến các lớp. Thiết bị cá nhân được bảo vệ bằng cách mã hóa tất cả các thông tin định danh, mã hóa hoàn toàn trên đường truyền và có đối soát chéo lẫn nhau. Các giải pháp bảo vệ được ứng dụng cho người sử dụng và bảo đảm cả bản quyền ứng dụng.
Muốn phát triển nội dung và muốn tăng nội dung chất lượng, bà Tú cho rằng "phải bảo đảm bản quyền bằng DRM (Digital Rights Management)… và tuân thủ luật an toàn thông tin mạng, luật sở hữu trí tuệ", bà Tú nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ngày 25/1/2022 đã ký Quyết định số131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của Đề án hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh, sinh viên sử dụng.
Đề án cũng triển khai, thí điểm triển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Các kho học liệu số, học liệu mở được phát triển để chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục, gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ (như trợ lý ảo, trả lời tự động); thử nghiệm nền tảng dùng chung giải quyết một số thủ tục hành chính không dùng giấy tờ trong ngành giáo dục dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục./.