"Đo" năng suất lao động ngành dịch vụ du lịch
Nếu năng suất từ lĩnh vực sản xuất dễ cân đong đo đếm thì năng suất từ các ngành dịch vụ gặp những khó khăn trong việc định lượng. Tuy nhiên, không thể không quan tâm đến chúng khi nhóm ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Sản phẩm dịch vụ có đặc điểm được tạo ra và tiêu dùng đồng thời, không lưu kho và thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Điều đó tạo nên sự phức tạp của việc xác định năng suất trong các ngành dịch vụ. Bởi vậy, đối với các ngành dịch vụ, yếu tố được đánh giá quan trọng nhất chính là con người, bao gồm cả nhân viên và khách hàng. Nếu như nhân viên là đại diện cho yếu tố đầu vào thì đầu ra của doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào đánh giá của khách hàng. Kết quả đầu ra của ngành dịch vụ thường ít quan tâm đến khía cạnh số lượng mà chú trọng vào nỗ lực cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng, làm cho khách hàng hài lòng hơn. Hoạt động du lịch là một phần rất quan trọng của ngành dịch vụ. Từ những năm 1950, tăng trưởng của du lịch quốc tế đã vượt quá tăng trưởng của GDP thế giới. Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ du lịch bằng khoảng 8% tổng doanh thu xuất khẩu và 5% GDP thế giới, khiến du lịch quốc tế trở thành một trong những hoạt động có thể giao dịch quan trọng nhất.
Du lịch không chỉ là động lực quan trọng của toàn cầu hóa, nó còn là một trong những nhà tuyển dụng lớn của nền kinh tế. Du lịch ở các nước OECD đóng góp từ 2 đến 12% GDP, cung cấp 3 đến 11% việc làm và trung bình khoảng 30% xuất khẩu dịch vụ. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế trung bình giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7%, số lượt khách quốc tế đạt 18 triệu lượt năm 2019; du lịch nội địa lên đến 85 triệu lượt năm 2019, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc phát triển các hoạt động du lịch còn có tác động lan toả, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác có liên quan như nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ. Việc đo lường chính xác năng suất là rất quan trọng để quản lý và giám sát các hoạt động du lịch. Tuy vậy, cũng giống như những ngành dịch vụ khác, việc tính toán năng suất trong hoạt động du lịch cũng gặp khó khăn hơn so với ngành sản xuất nói chung vì đặc tính sản phẩm dịch vụ cũng như cách xác định chi phí đầu vào và kết quả đầu ra. Trên thế giới hiện nay, phần lớn các quốc gia mới chỉ tính năng suất cho các hoạt động du lịch đơn lẻ như năng suất lao động trong các cơ sở lưu trú... Như vậy năng suất trong hoạt động du lịch nói chung ở Việt Nam chưa được tính toán một cách cụ thể.
Nguyên nhân chính là nguồn dữ liệu thống kê du lịch ở Việt Nam còn rất hạn chế. Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay, có 6 chỉ tiêu (từ 1703 đến 1708) có liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch bao gồm: doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành, số lượt người nước ngoài đến Việt Nam, số lượt người Việt Nam ra nước ngoài, số lượt khách du lịch nội địa, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam và chi tiêu của khách du lịch nội địa. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu thống kê du lịch có bổ sung thêm số hướng dẫn viên, số cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành.
Bên cạnh đó, với đặc điểm của ngành du lịch mang tính thời vụ, việc xác định số lao động trong hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, hiện nay chỉ dừng lại ở việc xác định số việc làm do hoạt động du lịch tạo ra. Trong những năm gần đây, thứ hạng về "Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch" của Việt Nam hàng năm đều tăng trên bảng xếp hạng của thế giới. Chính phủ Việt Nam coi ngành Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn bởi lợi thế về vị trí địa lý cũng như tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, để đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển cho ngành du lịch Việt Nam, việc tính toán, phân tích một số chỉ tiêu kết quả và hiệu quả của hoạt động du lịch, trong đó có chỉ tiêu năng suất là thật sự cần thiết.
Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế và nội địa đã suy giảm nghiêm trọng. Dẫn đến việc hàng triệu lao động trong ngành Du lịch đã phải nghỉ việc. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.
Một khảo sát tại TP HCM vào cuối năm 2021 cho thấy, số lao động ngành Du lịch chuyển sang nghề khác chiếm 26%; số lao động có ý định chuyển nghề sau dịch 33% (trong đó nữ 71,73%, nam 28,27%).
Lao động du lịch mất việc, chuyển nghề có thâm niên nghề 5-10 năm chiếm 43,66%; số lao động có thâm niên nghề trên 10 năm 23,56%; số lao động có trình độ cao đẳng/đại học chiếm 51,31%; lao động có trình độ sau đại học chuyển sang nghề khác chiếm 90%; số lao động là nhân viên văn phòng lữ hành, hướng dẫn viên chuyển nghề 85,1%. Số lao động là hướng dẫn viên chuyển nghề/số hướng dẫn viên chiếm 70,3% ( trong đó nhiều hướng dẫn viên sử dụng được 2-3 ngoại ngữ).
Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, bà Lan cho biết, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người.
Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Về nguồn cung, bà Lan đánh giá, nhân lực du lịch hiện tại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng. Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng.
Một khảo sát của Navigos Search - đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cũng cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn đã quay lại tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao Tổng Giám đốc, Tổng Quản lý, các Trưởng Bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng là các ứng viên người nước ngoài. Các dự án khách sạn nghỉ dưỡng hồi phục nên nhu cầu về nhân sự cấp cao ở các mảng xây dựng và vận hành cũng sẽ phát triển mạnh.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn. Để khôi phục nguồn cung lao động trong ngành Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành Du lịch. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ Ngân sách Trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023 - 2024.
Như vậy, với cách tính năng suất của ngành dịch vụ, được đo bằng chất lượng và sự hài lòng của khách hàng thì sự thiếu hụt nhân lực đang ảnh hưởng lớn đến năng suất ngành dịch vụ du lịch. Sự bù đắp lại nguồn nhân lực bị thiếu hụt thông qua đào tạo đang là vấn đề đặt ra./.