Cuối tháng 1/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 146 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, đào tạo ít nhất 1.000 chuyên gia làm lực lượng nòng cốt dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Đề án xác định rõ quan điểm việc nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.
Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhân lực ngành CNTT có thực sự cung không đủ cầu?
Theo báo cáo thị trường nhân lực CNTT Việt Nam năm 2021 của TopDev, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực CNTT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Trong năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT, tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam hiện là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.
Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công nghệ Appota lại cho rằng, thị trường hiện nay không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, đặc biệt nhân sự trong ngành này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, do khả năng làm việc trực tuyến trong ngành cao hơn. Vấn đề là nhân sự chất lượng cao, nhân sự làm được việc.
“Với xu thể chuyển đổi số ở các doanh nghiệp dẫn đến nguồn nhân lực để làm các công việc chuyển đổi số cần rất lớn, sự thiếu hụt cơ bản là do nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên làm rõ vấn đề thiếu hụt giữa nhân sự chất lượng cao, nhân sự làm được việc chứ không phải thiếu nhân sự ngành CNTT chung chung”, ông Vũ nhấn mạnh.
“Sự phát triển của ngành CNTT cũng như sự biến động của thị trường luôn đòi hỏi người làm công nghệ phải học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi. Đặc biệt nhân sự công nghệ chất lượng cao là đối tượng săn đón của tất cả các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Vì thế, nhân sự CNTT quan trọng nhất bao nhiêu kinh nghiệm, tính chủ động thế nào, còn bằng cấp chỉ là một thành phần xem xét”, Giám đốc công nghệ Appota khẳng định.
Lương 2.000 USD/tháng vẫn không tuyển nổi nhân sự
Năm 2022 được kỳ vọng là năm của kỷ nguyên số hoá, các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân lực, để đáp ứng được nhu cầu công nghệ, kỹ thuật của thị trường và của khách hàng.
Thống kê của công ty tuyển dụng Navigos Group cho thấy, mức lương nhân sự chủ chốt CNTT dao động từ 30-90 triệu đồng, riêng lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở mức 1000-2000 USD/tháng; chưa kể với những lĩnh vực này, nhân sự còn có thể làm freelance cho nhiều công ty khác. Song, “cơn khát” nhân sự CNTT vẫn rất lớn.
Nhân sự CNTT, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI… đã có những thành tích và ghi dấu ấn nhất định trên bản đồ công nghệ thế giới. Chính vì thế, nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự công nghệ.
Theo ông David Wei, Tổng Giám đốc, Huawei Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 47 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT vào năm 2030, với chi phí cơ hội hàng năm là 4.238 tỷ USD. Qua khảo sát, hơn 50% giảm đốc điều hành trong khu vực cũng cho hay rất khó tìm kiếm được nguồn nhân lực phù hợp.
“Thực trạng mất cân đối lớn giữa nguồn cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực CNTT, trong đó 70% nhu cầu nằm trong các lĩnh vực mới nổi, như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật - IoT và AI. Kế hoạch trong thời gian tới, Huawei sẽ đầu tư 50 triệu USD với mục tiêu đào tạo 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết lập 8 học viện cho các quốc gia ASEAN”, ông David Wei cho hay.
Chiến lược quan trọng của Huawei tại Việt Nam trong tương lai là hợp tác với các đối tác hình thành 15 học viện Huawei, phối hợp với 100 cơ sở (của các trường đại học và các tổ chức) để đào tạo hơn 10.000 sinh viên trong ngành.
“Huawei sẵn sàng hợp tác với các trường đại học và học viện của Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương, thông qua việc tăng cường chuyển giao kiến thức, thúc đẩy sự hiểu biết và quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như sự tham gia trong cộng đồng kỹ thuật số”, ông David khẳng định./.