Thủ đô Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu trong nền kinh tế Việt
Trong 70 năm qua (10/10/1954 – 10/10/2024), Hà Nội đã trải qua chặng đường xây dựng, phát triển với những bước chuyển mình đầy lớn lao. Với vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững.
Chặng đường 70 năm chuyển mình đầy ngoạn mục
Cách đây tròn 70 mùa Xuân, nhân dân Hà Nội được sống trong niềm vỡ oà hạnh phúc khi được chứng kiến thời khắc thiêng liêng, ngày Thủ đô dấu yêu được hoàn toàn giải phóng.
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội. Nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước, Hà Nội từng bước chuyển mình một cách mạnh mẽ.
Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé với diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần, với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại.
Những con số thống kê ấn tượng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho vị thế đầu tàu của Thủ đô Hà Nội trong nền kinh tế Việt Nam. Tiêu biểu, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,2 - 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hằng năm của cả nước.
Bên cạnh đó, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, phát triển, Hà Nội trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư. Thống kê đến nay, Hà Nội đã thu hút được thơn 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Đối với GRDP giai đoạn 2011 – 2023 của Hà Nội tăng bình quân 6,67%/năm. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021-2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội.
Về hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị…được Hà Nội chú trọng phát triển. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Đặc biệt, các dự án giao thông quan trọng, có tính liên kết vùng được Hà Nội quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ đô. Tiêu biểu như các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3 hay Đại lộ Thăng Long…
Hà Nội tự tin bước vào kỷ nguyên số
Trong giai đoạn công nghệ thông tin trên toàn cầu bùng nổ như hiện nay, nhằm thúc thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, Hà Nội có chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị của sản phẩm trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và về an toàn, an ninh mạng. Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và quản lý công (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ.
Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển, tức nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số. Tiếp đó, Hà Nội chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao.
Trong khi đó, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) Lê Quốc Phương nhấn mạnh, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đóng góp vào chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa.
Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế. Về thế mạnh kinh tế, Hà Nội là động lực, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, Hà Nội có vị trí đầu mối giao thông (đường bộ, sắt, thủy, hàng không) và kết nối dễ dàng với các tỉnh, thành phố phía Bắc, cả nước và quốc tế. Với việc chuyển dịch thành thành phố xanh, sạch, thông minh, hiện đại, nếu thành công, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong khu vực và cả nước.