Thu hẹp khoảng cách số: Cần sự chung tay của toàn thế giới

TH| 29/10/2020 21:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Zhao Houlin, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách số phải kết hợp tất cả những đối tác trong hệ sinh thái ngành, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những người giàu ý tưởng sáng tạo và có thể đưa ra nhiều ý tưởng tài năng.

Chia sẻ tại phiên thảo luận về chủ đề "Thu hẹp khoảng cách băng rộng" tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020), ông Stewart White, Giám đốc điều hành của Akhet Consulting, người điều hành phiên hội thảo, cho biết khoảng cách số bản thân nó cũng là một vấn đề của các quốc gia phát triển, giữa những người hưởng lợi từ công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là băng thông rộng, để truy cập thông tin, giáo dục, y tế và tin tức với những người không thể tiếp cận. Vậy liệu đại dịch Covid-19 có đóng vai trò là động lực cuối cùng để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số không?

Chất xúc tác Covid-19?

ICT đóng vai trò quan trọng trong xóa bỏ khoảng cách xã hội và kinh tế. Tuy vậy, tại 47 nước kém phát triển nhất thế giới, khoảng 20% dân số chưa được kết nối Internet do thiếu cơ sở hạ tầng và giá dịch vụ còn đắt đỏ.

Trong cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, vẫn còn đó hàng triệu người trên thế giới không được tiếp cận với mạng Internet. Nhiều người dân ở các khu vực xa xôi phải chịu thiệt thòi do khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục,... do khoảng cách về mặt địa lý.

Thu hẹp khoảng cách số: Cần sự chung tay của toàn thế giới - Ảnh 1.

Khoảng cách này sẽ dần được thu hẹp nếu những người này tiếp cận được với cơ sở hạ tầng viễn thông. Do vậy, cần phải mang cơ hội tiếp cận với Internet đến các vùng sâu, vùng xa và những người dân yếu thế.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều thấy rằng đại dịch là động lực chính để hành động, theo những cách khác nhau. Patricia Cooper, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề vệ tinh của SpaceX, nhấn mạnh cách "khả năng của chúng ta để tham gia vào thế giới này phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của băng thông rộng". Khả năng kết nối giờ đây không còn là yêu cầu kinh doanh nữa mà còn là yêu cầu thiết  yếu trong gia đình.

Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, đại dịch Covdi-19 đã chứng tỏ bản chất thiết yếu của sự kết nối trên nhiều lĩnh vực bao gồm y tế, giáo dục, dịch vụ chính phủ... Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để tích cực đối phó với đại dịch cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, triển khai băng thông rộng cho các cộng đồng và đảm bảo mạng 5G trên toàn quốc, đồng thời làm việc với các đối tác để cung cấp truy cập không dây qua điện thoại thông minh với giá cả phải chăng.

Theo quan điểm của António Nunes, Giám đốc điều hành, Angola Cables, tốc độ số hóa đã tăng nhanh trên khắp các thị trường. Tại Mỹ, nhiều chính quyền tiểu bang đã bắt đầu hướng tới việc xây dựng mạng lưới nhằm đảo bảo tính khả dụng của Internet và tính tiếp cận của người dân, tức là ai cũng có thể sử dụng được. Đây là một điều rất quan trọng bởi một khi nhận thức được thay đổi, người ta sẽ không thể đi giật lùi mà chỉ có thể tiến về phía trước

Thu hẹp khoảng cách số và những rào cản

Việc thiếu kết nối, khả năng chi trả và có các kỹ năng phù hợp để áp dụng và hưởng lợi từ công nghệ số là những trở ngại chính mà các diễn giả nêu ra. Nhu cầu kết nối để thu hẹp khoảng cách số không chỉ là hiện tượng của các quốc gia phát triển/đang phát triển, mà khoảng cách nông thôn - thành thị đã mở ra ngay cả ở các thị trường phát triển.

Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ mạng, Tập đoàn VNPT, giải thích: Khoảng cách số không chỉ tồn tại vì khả năng tiếp cận mà còn cả khả năng chi trả. Các thiết bị truy cập giá cả phải chăng là yếu tố quan trọng để thu hút. Với 70% khách hàng có thu nhập thấp, ưu tiên chính của VNPT là thúc đẩy hệ sinh thái và phát triển các thiết bị cầm tay giá cả phải chăng.

Ông Nunes giải thích, các dịch vụ cần được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và mức độ hiểu biết kỹ thuật số của các cộng đồng mà họ sẽ phục vụ, không chỉ cung cấp các dịch vụ tương tự cho các vùng nông thôn được thiết kế cho các thành phố. Về phương diện giáo dục trực tuyến - một lĩnh vực ngày càng trở nên thiết yếu trong thời kỳ đại dịch - giáo viên cần phải được dạy trước khi có thể dạy học sinh. Và không chỉ trong giáo dục mà đại dịch đã đặt mọi người trên toàn thế giới vào những vai trò mà giờ đây phải được cung cấp trực tuyến và họ có thể cần những kỹ năng mới.

Một số đề xuất

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đồng ý với nhận định rằng, đây là thời điểm mà thế giới phải cùng chung tay xác định các ưu tiên để tăng tốc quá trình phổ cập băng thông rộng và thu hẹp giảm khoảng cách số. Quan hệ đối tác công/tư hiệu quả, khuyến khích phù hợp, công nghệ phù hợp và đón nhận những đối tác từ khắp hệ sinh thái trong ngành là những giải pháp quan trọng mà các diễn giả đưa ra để thu hẹp khoảng cách số.

Các diễn giả nhất trí rằng quan hệ đối tác công/tư là điều cần thiết trong việc thu hẹp khoảng cách số, nhưng cần phải hiệu quả và phù hợp với mọi người. Theo Ralph Mupita, Giám đốc điều hành MTN, câu hỏi hóc búa thực sự trong việc thiết lập quan hệ đối tác là "hướng đi trong thập kỷ tới". Các nhà đầu tư cần có các thỏa thuận ổn định hoặc "hợp đồng xã hội" để họ có thể xem xét một dự án trong khung thời gian 20 năm, được hỗ trợ bởi môi trường thuận lợi thích hợp. Theo đó, các chính phủ cần đặt ra các mục tiêu cụ thể như khả năng tiếp cận toàn dân trong một khung thời gian ngắn,...

Tổng thư ký ITU Houlin Zhao giải thích ICT là một "ngành kinh doanh tạo ra lợi nhuận", nhưng phải được hỗ trợ chứ không chỉ lấy tiền từ nó. Đầu tư của khu vực tư nhân là rất quan trọng cho việc này, nhưng các cơ quan chức năng "cần tạo ra một môi trường tốt để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân". Giảm chi phí cơ sở hạ tầng nên được coi là mục tiêu chung của khu vực công và tư nhân.

Công nghệ phù hợp cũng là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách. Theo ông Thiều Phương Nam, trong những năm gần đây, việc triển khai băng rộng di động đã giúp tăng khả năng tiếp cận và một dự án do Viettel hỗ trợ đã giúp cung cấp đường truyền cáp quang đến các trường học. VNPT đã sử dụng công nghệ di động ở các vùng nông thôn, thậm chí cung cấp khả năng truy cập qua thiết bị bay không người lái hoặc khinh khí cầu ở các vùng sâu, vùng xa.

Theo Nunes, loại công nghệ được triển khai sẽ tuân theo nhu cầu của khách hàng. Ở các vùng nông thôn, có thể cung cấp kết nối qua vệ tinh vì tính năng hoạt động tốt ở các vùng sâu vùng xa nhưng ở các thành phố, kết hợp mạng không dây và cáp có thể thích hợp hơn. Công nghệ phù hợp cũng cần được hỗ trợ bởi tính sẵn có của nội dung ngôn ngữ địa phương có liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thu hẹp khoảng cách số: Cần sự chung tay của toàn thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO