Lộ trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã được khởi động từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phải đến khi Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu kỹ thuật số mới được đẩy nhanh hơn. Các doanh nghiệp trong bất kể lĩnh vực nào đều phải nhanh chóng tìm ra cách tương tác với khách hàng (người tiêu dùng, bệnh nhân, sinh viên, doanh nghiệp đối tác...), hoặc thậm chí với nhân viên của mình. Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số.
Cơ hội và thách thức
Số liệu từ Báo cáo của World Bank cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát (tính đến tháng 10/2021), khoảng 70% số doanh nghiệp lớn của Việt Nam bắt đầu chuyển hướng hoặc tăng sử dụng nền tảng số. Con số này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 55% và 58%. Tỷ lệ người tham gia tiêu dùng trực tuyến tính đến quý IV/2021 tại Việt Nam đạt 44% dân số, tăng thêm 12% so với thời điểm trước dịch.
Đánh giá về chuyển dịch số của Việt Nam, Google Temasek, Bain &Company dự báo, kinh tế số của Việt Nam vào năm 2025 có thể đạt 57 tỷ USD, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Theo Tiến sĩ Đặng Thái Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và các mô hình kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử, phân tích dữ liệu. Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp phải tái cấu trúc các quy trình, trở nên linh hoạt hơn, củng cố tiêu chuẩn hóa và tự động hóa, nhằm tối ưu hóa khả năng đáp ứng cho khách hàng.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận số hoá của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không giống như các doanh nghiệp lớn, không có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số. Hơn nữa, họ không đủ điều kiện thuê các chuyên gia thực hiện, đảm bảo việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số đồng bộ. Do đó, những doanh nghiệp này khó có thể chuyển hướng nguồn nhân lực và tài chính theo hướng số hóa trong hầu hết các trường hợp.
"Một số doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thậm chí chưa nắm rõ khái niệm số hoá là như thế nào, không có chiến lược triển khai cụ thể và phù hợp. Hoặc nếu chuẩn bị đầy đủ kiến thức, có chiến lược nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp vấn đề về tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến, chưa kể đến vấn đề bảo mật thông tin, rủi ro an ninh mạng", TS Bình nhận định.
Thời điểm vàng để chuyển mình và tăng tốc
Công nghệ số có tác động và ảnh hưởng lớn và đồng thời đến hầu như tất cả mọi ngành, lĩnh vực. Dịch Covid-19 đã chứng minh rằng các công cụ kỹ thuật số rất hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng, quản lý nhân sự của doanh nghiệp, vận hành thông minh sự tương tác giữa cơ quan Nhà nước với người dân và cộng đồng, giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa, nông nghiệp thông minh...
TS Đặng Thái Bình cho rằng, các doanh nghiệp nếu không muốn bị tụt hậu buộc phải thực hiện chuyển đổi số. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và tiên phong trong công cuộc số hoá để có lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực kinh tế. Và muốn chuyển đổi số thành công, trước hết phải chuyển đổi được tư duy về số hóa. Các doanh nghiệp, các nhà quản trị, hay cả người dân cần trong tư thế luôn sẵn sàng cho sự thay đổi diễn ra liên tục và nhiều thách thức.
"Hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đang phát triển như vũ bão. Tỷ lệ công dân điện tử ngày càng tăng cao. Chúng ta không hề thua kém các nước khác trong khu vực nhờ có nguồn nhân lực trẻ trí tuệ, ham học hỏi và khát vọng làm giàu. Đây chính là thời điểm vàng để doanh nghiệp tận dụng để chuyển mình và tăng tốc", TS Bình nói.
Bên cạnh việc nâng cao tư duy về chuyển đổi số, cần có sự đồng bộ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân. Nhà nước phải đẩy mạnh hơn nữa các cải cách, sửa đổi liên quan đến khung pháp lý, chính sách cho việc chuyển đổi số, đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số.
Đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng chiếm số đông trong nền kinh tế nhưng lại dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng, TS Bình khuyến nghị nên tham gia vào các mạng lưới chuyên nghiệp thông qua hiệp hội, ngành nghề để trao đổi, học tập các kinh nghiệm, tìm hiểu và thí điểm các giải pháp kỹ thuật số chung.
"Hiện, có nhiều đơn vị sẵn sàng cung cấp các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với nhiều khung hướng dẫn phù hợp. Các doanh nghiệp nhỏ với nguồn vốn hạn hẹp nên tìm thêm nguồn lực bên ngoài như kêu gọi hợp tác đầu tư, vay vốn ngân hàng... Nếu doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, cũng như ưu tiên công nghệ mới sẽ đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sự chuyển mình kịp thời của các doanh nghiệp sẽ tạo ra thế và lực mới cho nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển nhanh", TS. Bình chia sẻ./.