Truyền thông

Thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế: Cần sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp và địa phương

Minh Nhật 06/12/2024 10:52

Với định hướng "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”, thời gian qua công tác ngoại giao kinh tế đã có những chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-cua-viet-nam.png
Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. (Ảnh minh họa).

Từ sau đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tính cần thiết và tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Qua các kỳ đại hội, đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng đã được đề ra nhất quán, không ngừng được hoàn thiện và triển khai tích cực, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước.

Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ XIII (tháng 1/2021) đã đề ra những chủ trương, đường lối quan trọng đối với công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng.

Đại hội XIII khẳng định "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc" và xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Văn kiện Đại hội cũng lần đầu tiên đề ra định hướng "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm".

Ngoại giao kinh tế phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước.

Trong các kết quả nổi bật mà ngoại giao kinh tế mang lại, đầu tiên phải kể đến chiến dịch ngoại giao vaccine - một chiến dịch ngoại giao quy mô và chưa có tiền lệ trong lịch sử, giúp Việt Nam đi sau, về trước về tiêm chủng vaccine và tạo cơ sở quan trọng và có ý nghĩa quyết định để đất nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Sau thành công của ngoại giao vaccine, ngoại giao kinh tế kịp thời chuyển trọng tâm sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển KT-XH, lấy người dân, địa phương và DN là trung tâm.

Đáng chú ý, trên cơ sở cụ thể hóa những quan điểm, chỉ đạo tại Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, công tác ngoại giao kinh tế đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong các bộ, ngành, địa phương, DN.

Với phương châm lấy người dân, địa phương và DN làm trung tâm, lần đầu tiên, hàng quý, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì Hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy triển khai ngoại giao kinh tế đồng bộ hơn, sáng tạo hơn và thực chất hơn. Đây là cơ chế chỉ đạo, điều phối chưa từng có trước đây.

Bên cạnh đó, nhiều cuộc họp giao ban ngoại giao kinh tế với các ngành gặp khó khăn như dệt may, da giày, gỗ và lâm sản, thủy sản... đã được tổ chức để giúp các hiệp hội, ngành hàng nắm bắt thêm thông tin của các thị trường, tham mưu các định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và mở rộng thị trường xuất khẩu trong dài hạn.

Bộ Ngoại giao cũng tổ chức hàng trăm đoàn làm việc tới các địa phương, thúc đẩy hoạt động kết nối các đối tác quốc tế, doanh nghiệp kiều bào với địa phương, hỗ trợ ký kết nhiều văn bản hợp tác quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động cập nhật, thông tin cho các địa phương, hiệp hội, DN Việt Nam về các xu thế, quy định mới trong thương mại, đầu tư quốc tế tác động đến xuất khẩu và thu hút đầu tư…

Ở chiều ngược lại, người dân, địa phương và DN Việt Nam đã rất tích cực tham gia thúc đẩy ngoại giao kinh tế, vì sự phát triển của từng địa phương, DN và đất nước.

Ngoại giao kinh tế trong tình hình mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Việt Nam là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với Việt Nam”. Trong gần 80 năm lịch sử của cách mạng Việt Nam, rất nhiều bài học đối ngoại đã được đúc kết. Riêng trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, bài học lớn nhất là “việc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế”.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có những chuyển biến hết sức sâu rộng, việc thúc đẩy hội nhập quốc tế mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế hơn lúc nào hết rất cần sự đồng hành của người dân, DN và địa phương.

Chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, thực tiễn triển khai giai đoạn vừa qua cho thấy công tác ngoại giao kinh tế không thể hiệu quả và thành công nếu không có sự tham gia tích cực và bám sát nhu cầu của địa phương, DN. Trên tinh thần đó, địa phương, DN và người dân vừa là mục tiêu chính sách, vừa là đối tượng thụ hưởng nhưng đồng thời cũng là đối tượng triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Ngược lại, người dân, địa phương và DN Việt Nam cũng rất tích cực tham gia thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Mỗi người dân, DN và địa phương luôn chủ động, sáng tạo, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm. Các DN, địa phương rất chú trọng công tác kết nối, trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, mỗi người dân, DN, địa phương cũng là các đại sứ thương hiệu cho chính sản phẩm, địa phương mình.

Thời gian qua, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ cũng là chủ trương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng đã yêu cầu địa phương, DN đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài.

Thủ tướng cũng đặt kỳ vọng với sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, DN, người dân thì công tác ngoại giao kinh tế sẽ được đẩy mạnh, kết nối trong nước và ngoài nước sẽ mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn, phát hiện và tận dụng mọi cơ hội hợp tác phát triển đất nước, nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho đất nước, người dân và DN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế: Cần sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp và địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO