Thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số để kinh tế tăng trưởng mới bứt phá

Bình Minh| 06/07/2022 14:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số, đạt được các mục tiêu đã đề ra, xây dựng nền tảng kinh tế số phát triển, bắt đầu tăng tốc các năm tiếp theo để bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá... thì theo Nhóm nghiên cứu đứng đầu là GS. Trần Thọ Đạt - Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tiểu ban Kinh tế, Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số để kinh tế tăng trưởng mới mang tính bứt phá - Ảnh 1.

Các dịch vụ nhỏ phục vụ người dân đều được trang bị tự động tại Trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Bình Minh)

Trước hết, sớm hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh mới để kinh tế số sớm tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung. Các chính sách về kinh tế số cần bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất trong triển khai và thực hiện các kế hoạch, chương trình về kinh tế số. Cần có những chính sách về: Khuyến khích phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp "lõi" trong kinh tế số, chuyển đổi số như các doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; ưu đãi thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Thứ hai, sớm đưa ra một định nghĩa "kinh tế số" được thống nhất rộng rãi, đạt được đồng thuận cao; từ đó đo lường kinh tế số một cách nhất quán để so sánh và xây dựng các giá trị kinh tế số "cơ sở" của một năm, làm căn cứ cho việc đặt mục tiêu phát triển kinh tế số về quy mô và tốc độ phát triển. Trên thực tế, sự bùng nổ của các công nghệ số kéo theo sự hình thành và phát triển đa dạng các hình thức, chiến lược và giải pháp kinh doanh mới dựa trên công cụ số đã che mờ đi nhiều khía cạnh tác động của công nghệ số và kinh tế số tới nền kinh tế. Điều này đặt ra các thách thức lớn trong việc đo lường về kinh tế số. Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á 2020, kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 14 tỷ USD năm 2020 và dự kiến 52 tỷ năm 2025, con số này cách khá xa so với mục tiêu hiện nay Việt Nam đang đặt ra là kinh tế số chiếm 20% GDP, sự khác biệt này có liên quan chủ yếu đến phạm vi đo lường kinh tế số.

Thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số để kinh tế tăng trưởng mới mang tính bứt phá - Ảnh 2.

Nguồn: Buhkt and Heeks (trong Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045)

Thứ ba, gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu và rộng khắp, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại. Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng và thế mạnh của kinh tế số. Mặt khác, để có thể có một nền kinh tế chuyển đổi số mạnh mẽ, cần phải có một nguồn lực rất lớn, không thể chỉ đến từ nguồn NSNN mà phải dựa chính vào nguồn vốn xã hội đến từ khu vực tư nhân và khu vực FDI. Vì vậy cần tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, hạ tầng và dịch vụ số.

Thứ tư, nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho khả năng thích ứng các xu hướng phát triển này đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sớm triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới.

Thứ năm, khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động phải đổi mới để thích nghi với các kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống trước đây nay đang dần chuyển sang môi trường số. Nhìn dài hạn hơn, cần phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi, phát triển; từ đó thúc đẩy tư duy sáng tạo, đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo với việc thay đổi từ quản lý giáo dục, phương pháp dạy, giáo trình dạy và các môn hoc mới gắn với số hóa. Kỹ năng số cần được giới thiệu tới lứa tuổi trẻ hơn, từ cấp mầm non và nâng dần mức độ cho các lứa tuổi ở cấp độ học cao hơn. Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành và đội ngũ quản trị các cấp của doanh nghiệp.

Thứ sáu, hiểu biết một cách đúng đắn và toàn diện cả về lợi ích cũng như về thách thức đối với kinh tế số là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số theo con đường tối ưu nhất có thể được. Một thách thức của kinh tế số là góp phần làm sâu sắc thêm phân hóa giàu-nghèo trong xã hội, vì các cơ hội "làm giàu" từ kinh tế số sẽ tùy thuộc vào năng lực thích ứng vốn rất khác nhau của các tác nhân trong nền kinh tế. Ngoài ra, vấn đề thuế kinh tế số như là một hệ quả từ thách thức đo lường kinh tế số, tính đa dạng và sự cải tiến không ngừng các hình thức kinh doanh số sẽ làm gia tăng độ phức tạp của vấn đề thuế đối với kinh tế số trong việc thực hiện bài toán công bằng và hiệu quả.

Theo các chuyên gia, với tốc độ phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, đặc biệt ở khu vực rất năng động là châu Á, kinh tế số đang tạo ra những cơ hội hiếm có để Việt Nam có thể tận dụng trong bứt tốc phát triển kinh tế đất nước, đạt được những bước tiến quan trọng trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn mà nếu không vượt qua sẽ ngày càng tụt hậu.

"Kinh tế số được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trở thành quốc gia có công nghệ phát triển, là động lực tăng trưởng rất quan trọng trong những năm tới, góp phần gia tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng. Phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là phương thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là cách thức để Việt Nam vẽ lên một tương lai phát triển không chỉ đơn giản là tiếp nối xu hướng của quá khứ mà là đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá. Trong quá trình phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, chúng ta cần và có khả năng là người đi trước để rút ngắn khoảng cách với các nước, nếu chậm chân khi kinh tế số và chuyển đổi số đã trở thành phổ biến thì sẽ mất cơ hội vươn lên đi đầu làm chủ công nghệ, mất đi cơ hội thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thu hút người tài và chậm phát huy dư địa cho tăng trưởng bền vững", GS. Trần Thọ Đạt nêu ý kiến.

Như nhiều chuyên gia đã nhận định, có thể nói nước ta do hoàn cảnh lịch sử đã bị "chậm chân" trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, và đây là lần đầu tiên, Việt Nam có cơ hội "đi cùng" với các nước trong cuộc cách mạng công nghiệp. Bối cảnh hiện nay là "thời cơ vàng" mà ta cần nắm bắt nhanh chóng, hành động kịp thời và quyết liệt, để tận dụng cơ hội phát triển các dư địa và nguồn lực phát triển mới, tối ưu hóa các nguồn lực để tạo ra một năng suất cao hơn góp phần thay đổi thứ hạng quốc gia, đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030", Quyết định số 411/QĐ-Ttg phê duyệt "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số để kinh tế tăng trưởng mới bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO