Thực hiện bằng được mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025

PV| 13/06/2022 17:34
Theo dõi ICTVietnam trên

“Chính phủ sẽ quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội 13 đã đề ra, để chúng ta hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến 2025 và 5.000km đường cao tốc đến năm 2030”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu trước Quốc hội.

Thực hiện bằng được mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.

Phó Thủ tướng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 18-KL/TW ngày 8/10/2021 xác định Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia phải được hoàn thành và cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với tổng nguồn lực bố trí cho đường cao tốc là 339 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.

Về các danh mục triển khai đường cao tốc trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung một số dự án lớn. Đó là, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (654 km), tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (729 km) và Chính phủ đã trình Quốc hội kỳ họp này 5 tuyến cao tốc (549 km).

"Như vậy tổng chiều dài toàn bộ các tuyến cao tốc đã và đang triển khai là 1.932 km. Số km cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290 km. Cả các công trình đã đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai chúng ta sẽ có 3.222 km đường cao tốc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vào năm 2025, sẽ thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn tới Cà Mau

Về kế hoạch triển khai các dự án, theo Phó Thủ tướng, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong các năm 2019, 2020, 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023. Trong đó năm 2022 phấn đấu hoàn thành 361 km.

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km (được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022), hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, triển khai kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù, toàn bộ 729 km dự kiến khởi công tháng 12/2022, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025 và cũng là thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2.063 km từ Lạng Sơn tới Cà Mau.

Các tuyến còn lại là tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, dự kiến khởi công tháng 6/2023 (nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này), cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

Qua tổng hợp số liệu, trong giai đoạn vừa qua, tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015- 2020 (1932/487 km). Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339 nghìn tỷ đồng/89 nghìn tỷ đồng).

Quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được mục tiêu

Về cơ sở và các giải pháp để triển khai, Phó Thủ tướng nêu rõ,  phải tập trung cao nguồn lực, đầu tư dứt điểm, không dàn trải. "Đến nay Quốc hội đã phân bổ 339 ngàn tỷ đồng, đủ điều kiện để chúng ta triển khai dứt điểm các công trình trong giai đoạn tới đây", Thủ tướng cho biết.

Cùng với đó là rút ngắn thủ tục đầu tư từ 1-2 năm, trước đây triển khai 2-3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội phê duyệt từ năm 2017, triển khai các thủ tục đầu tư đến năm 2021 mới bắt đầu khởi công. Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 1/2022, nhưng sẽ khởi công đồng loạt vào cuối năm nay.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết 43-44 cho phép chỉ định thầu các gói thầu, từ khảo sát thiết kế tới đền bù, tái định cư, di dời, xây lắp. Đây là những nghị quyết rất quan trọng, quyết định để hoàn thành được tiến độ hay không.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 133, Nghị quyết 66 để đảm bảo nguồn cung vật liệu cho giai đoạn 1. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ phân cấp cho Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan chủ quản quyết định đầu tư các dự án đường bộ cao tốc.

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo với thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua; thực hiện giao ban định kỳ hàng tháng để kiểm điểm tiến độ công việc, Bộ Giao thông vận tải và các chủ đầu tư thực hiện giao ban hàng tuần để tháo gỡ những khó khăn, xử lý các nhà thầu không đảm bảo tiến độ.

"Việc hoàn thành những nhiệm vụ trên, phải khẳng định là không dễ dàng gì. Chính phủ sẽ quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội 13 đã đề ra, để chúng ta hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến 2025 và 5.000km đường cao tốc đến năm 2030", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản đúng tiến độ

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022 và tiến độ bình quân hiện nay đạt được 58%.

Thực hiện bằng được mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022 và tiến độ bình quân hiện nay đạt được 58%.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo sẽ rút ngắn thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế có một số dự án rút ngắn được 3 tháng nhưng có một số dự án do vướng mắc nên chưa điều chỉnh được.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Giao thông vận tải đang giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án.

Hiện nay, dự án Phan Thiết-Vĩnh Hảo đạt được tỷ lệ khoảng gần 40 %, phấn đấu đến ngày 30/6 đạt được tỷ lệ khoảng 50,8 %, sau 30/6 chỉ còn lại các lớp đá, thảm nhựa. Do đó, nhà thầu cũng như Ban QLDA sẽ đảm bảo được tiến độ. Về tuyến Dầu Giây-Phan Thiết hiện nay đạt được tỷ lệ 45%, cố gắng tập trung hoàn chỉnh phần nền đất trong tháng 6, để tháng 7 và tháng 8 tập trung thảm nhựa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay đã họp giao ban hàng tháng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng ban chỉ đạo, các công trình trọng điểm đều họp kiểm điểm tiến độ. Trong mỗi buổi họp kiểm điểm tiến độ sẽ xem xét trong một tháng làm được những gì, chậm những gì, lý do và đưa ra giải pháp....

Đối với Bộ Giao thông vận tải, hàng tuần, các đồng chí Thứ trưởng phải đi công trường, nửa tháng Bộ sẽ họp một lần để kiểm tra, giám sát tiến độ nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn.

Bộ Giao thông vận tải đang phấn đấu để cuối năm 2022 sẽ đưa 361km của các đoạn này vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn liên quan đến thời tiết bất lợi, vật giá tăng,… Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ.

Bộ trưởng cho biết, 4 dự án của năm 2022 đã đạt được 38%. Có thể thấy, giai đoạn 1 có nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội, theo nghị quyết của Chính phủ.

Mạng lưới đường bộ cao tốc sẽ hoàn thiện hơn, thu hút đầu tư tại các tỉnh, thành phố

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã chỉ ra, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung, Tây nguyên.

Để khắc phục tình tình trạng này trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền.

Bộ trưởng hy vọng với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực….

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện bằng được mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO