Truyền thông

Tiếp cận về văn hóa số trong thời đại số

TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV Hà Nội 25/01/2025 19:10

Trong chiến lược chuyển đổi số, những thuật ngữ như “kinh tế số”, “xã hội số”, “văn hóa số” cũng được đề cập một cách thường xuyên, vừa như phương thức, vừa như hệ quả của sự chuyển đổi. Trong đó, thuật ngữ “văn hóa số” có lẽ là phức tạp hơn cả, cũng như bản thân sự phức tạp vốn có của văn hóa. Bài viết góp một thảo luận sâu và rộng hơn về chủ đề này, thay vì cách hiểu máy móc và đơn giản là sự chuyển dịch của văn hóa trên nền tảng số.

Tóm tắt:
- Khái niệm “văn hóa” và hành trình phát triển trong học thuật phương Tây
+ Nguồn gốc từ nông nghiệp: Văn hóa bắt nguồn từ sự “canh tác” và “thu hoạch” cả vật chất và tinh thần, chuyển hóa năng lực tự nhiên thành sản phẩm xã hội.
+ Văn hóa là đỉnh cao: Quan điểm của giới tinh hoa thế kỷ 19 coi văn hóa là sự toàn mỹ về tinh thần, tách biệt khỏi những gì tầm thường, và tập trung vào giá trị cao cấp (high culture).
+ Văn hóa là tầng lớp và giai cấp: Các nhà phê phán thế kỷ 20 (như Raymond Williams) mở rộng khái niệm văn hóa, nhìn nhận nó gắn liền với giai cấp, giới, sắc tộc và bối cảnh xã hội.
- Cách tiếp cận về “văn hóa số”
+ Văn hóa số là chuẩn mực ứng xử trên môi trường số: Nhấn mạnh các quy tắc đạo đức và hành vi trực tuyến.
+ Văn hóa số là quá trình sản xuất ra nghĩa (meaning): Văn hóa số là không gian nơi ý nghĩa được tạo ra, tái sản xuất liên tục, và phản ánh những mâu thuẫn xã hội như giới tính, giai cấp, sắc tộc.
+ Văn hóa số là tổng thể lối sống trên không gian số: Văn hóa số là cách con người sinh hoạt toàn diện trên nền tảng số, từ tinh thần đến vật chất.
- Ý nghĩa của văn hóa số trong thời đại chuyển đổi số
+ Là một phần của các chuyển đổi lớn như kinh tế số và xã hội số, phản ánh mối quan hệ giữa công nghệ và hành vi con người.
+ Đặt ra thách thức trong việc xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực lành mạnh để tận dụng tối đa tiềm năng của không gian số

Hành trình của thuật ngữ “văn hóa” trong học thuật phương Tây

Văn hóa là “canh tác” và “thu hoạch”

Ngày nay, chúng ta nghe nói nhiều đến các khái niệm như văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ, văn hóa Hà Nội, văn hóa di dân, văn hóa lưu vong, văn hóa trẻ, văn hóa thiểu số, văn hóa tiêu dùng, văn hóa trí thức v.v... thậm chí những người thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau cũng được gắn với một văn hóa: văn hóa công sở, văn hóa nghệ sĩ; hoặc những biểu hiện khác nhau trong cuộc sống phong phú hàng ngày cũng được gọi bằng khái niệm này: văn hóa từ chức, văn hóa xin lỗi, văn hóa phượt v.v.

Vấn đề đáng nói ở đây là giữa những khái niệm kể trên dường như không có sự đồng nhất về cách hiểu với từ “văn hóa”. Thực tế, không thể áp dụng một cách hiểu duy nhất về “văn hóa” và quy áp nó vào mọi bối cảnh với hy vọng đạt được sự hiểu biết chung.

Ví dụ khi nói “văn hóa phong bì” là một phiếm chỉ về thói quen đưa và nhận hối lộ hiện nay giống như một quy ước xấu trong xã hội còn thiếu minh bạch và thừa tham nhũng; nhưng nếu nói “văn hóa trẻ” chẳng hạn thì chữ dùng “văn hóa” ở đây lại phức tạp hơn nhiều, ít nhất là đề cập đến hàng loạt những giá trị, phong cách, lối sống, tư tưởng, hưởng thụ, tiêu dùng và giải trí. của một tầng lớp những người trẻ tuổi, trong một giai đoạn nhất định.

Như vậy, vấn đề đặt ra là phải đặt văn hóa trong từng bối cảnh rời rạc và nhận diện nó trong mối quan hệ với bối cảnh đó. Nói riêng về phương diện tư tưởng, bản thân các trường phái, các hệ thống học thuyết, các chuyên ngành, ví dụ chủ nghĩa Marx, nữ quyền luận, nhân loại học, hay bản thân trường phái nghiên cứu văn hóa (cultural studies), cũng là một văn hóa.

Về mặt nguồn gốc, nhiều tài liệu, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng, “văn hóa” khởi nguồn từ trong lĩnh vực nông nghiệp, “văn hóa” được coi là sự gieo trồng, canh tác của đất, của cây trồng, hoa màu. Sự canh tác này, nói như John Hartley (2002), không chỉ nói đến sự tăng trưởng mà còn ngụ ý đến việc thu hoạch những sản vật “tự nhiên” và chuyển hóa chúng thành những sản phẩm mong muốn với những đặc trưng, tính khả dụng, được cải thiện và chọn lọc theo nhu cầu của con người.

a1.png

Quy chiếu vào xã hội, có thể thấy rằng, thuật ngữ “văn hóa” ngầm chỉ một so sánh với việc “canh tác” và “thu hoạch” của trí óc. Xét trên diện rộng, đó là sự thu hoạch của những năng lực “tự nhiên” mà con người có được, để sản xuất ra những cách thức sinh hoạt, giá trị vật chất, tinh thần ngày càng tiến bộ cho xã hội. Điều thú vị đáng chú ý đó là quan niệm về văn hóa như là sự “canh tác”, “thu hoạch” lại rất phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu - đó là một nền kinh tế tư bản chủ yếu dựa trên sở hữu đất đai, hồi thế kỷ 17, 18.

Tuy nhiên, tư tưởng chính trị về văn hóa lúc bấy giờ của chủ nghĩa tư bản sở hữu đất đai theo kiểu thời đại của Aristotle đã trở nên lạc hậu và bị thay thế bởi sự phát triển của đô thị hóa, công nghiệp hóa thế kỷ 19, và kéo theo đó là sự ra đời của chủ nghĩa tư bản dựa trên thương mại và dịch vụ. Gần như ngay lập tức, những thay đổi của bối cảnh xã hội về kinh tế, chính trị đã tạo ra thách thức và làm thay đổi toàn bộ hệ thống quan niệm, quan điểm về văn hóa.

Văn hóa là đỉnh cao, là “sự ngọt ngào và ánh sáng”

Đúng như Marx đã giải thích, văn hóa tư tưởng thuộc về một kiến trúc thượng tầng, và kiến trúc này phụ thuộc vào bản chất và tính chất của cơ sở hạ tầng, cụ thể là những điều kiện và bản chất của sản xuất kinh tế ở từng giai đoạn lịch sử. Để điều hành và kiểm soát xã hội trên nền tảng của chủ nghĩa tư bản chiếm hữu đất đai, văn hóa được coi trọng, đề cao như một sở hữu tinh thần của giới quý tộc - tư bản giàu có, văn hóa là cái hoàn hảo, hay nói ngắn gọn là văn hóa đỉnh cao (high culture), bao gồm hệ thống giá trị đã được thiết lập và tuân thủ.

Ngược lại, bước qua thời kỳ chủ nghĩa tư bản hàng hóa, giới tư sản mại bản và kể cả những nhóm tiểu tư sản thành thị, dường như ít quan tâm đến văn hóa và phớt lờ những nhiệm vụ của họ trong việc chấn hưng hay cải tạo nền văn hóa (theo Williams, 1981). Văn hóa lúc này được trả về cho những nhà trí thức, đặc biệt là những nhà văn, nhà thơ với tư tưởng nhân văn, đạo đức, hoặc nửa tự do nửa bảo thủ ở phương Tây, đặc biệt là ở Anh quốc.

Trong khoảng nửa cuối thế kỷ 19, một trong những định nghĩa về văn hóa đã trở nên phổ biến và còn giữ vai trò ảnh hưởng đến tận ngày nay, đó là Matthew Arnold, xuất thân từ một nhà thơ quý tộc. Đối với Arnold và những người theo sau ông, văn hóa được thiết lập không phải là quá trình đi tới sự giàu có, thịnh vượng về vật chất (thực ra điều này là đương nhiên vì lợi thế vật chất sẵn có của giới tinh hoa) mà là quá trình của con người hướng đến sự toàn mỹ (perfection) trong tinh thần, thông qua tri thức và sự thực hành của những loại hình văn chương, nghệ thuật đỉnh cao một cách nghiêm túc.

Vì mục tiêu là sự toàn mỹ, chứ không phải sự hiểu, nhắm đến tinh thần chứ không phải vật chất, văn hóa được nhìn nhận như là những giá trị tinh thần ở tầm cao, phân biệt với những cái tầm thường đời thường; nó đề cao tinh thần trách nhiệm để xây dựng những gì tốt đẹp nhất cho thế giới con người.

Giới phê bình văn hóa nắm vai trò định hướng, dẫn dắt và đặt ra những chuẩn định (canon) rằng: cái gì chính xác là “tốt nhất”. Đồng thời những nhà phê bình cũng được giao trọng trách hoặc tự nhìn nhận bản thân như những người gìn giữ, bảo vệ cái tốt nhất, đẹp nhất ấy trước sức ép và sự khuynh loát của quá trình văn minh công nghiệp, của những sự phá hủy vì mục tiêu xây dựng thế giới vật chất hiện đại, phong nhiêu kiểu tư bản. Họ cũng đấu tranh chống lại cả những thái quá, biến dị, tiêu cực của chính khoa học kỹ thuật. Tất cả nhằm bảo vệ “sự ngọt ngào và ánh sáng” (thuật ngữ của Arnold) và truyền bá nó đến với những đám đông đại chúng được xem là dốt nát và tăm tối của xã hội".

a2.png

Trong bối cảnh của thế kỷ 19, văn hóa vẫn còn duy trì sự kế thừa từ thời kỳ trước đó và thể hiện tính chất của một nền sản xuất và kinh tế tiền công nghiệp và một ý thức xã hội kiểu phi công nghiệp hóa. Những người đề xuất và định hình trường phái văn hóa theo kiểu toàn mỹ này còn gây được những ảnh hưởng to lớn về tư tưởng trong đời sống chính trị, bằng chính sự tham gia áp đảo của họ, gọi là giới tinh hoa, trong bộ máy nhà nước, quản lý hành chính, bằng những sinh hoạt tri thức và thậm chí cả trong lĩnh vực truyền thông. Ở những địa hạt này tư tưởng văn hóa của họ được thể hiện như là đại diện cho mối quan tâm chung và lợi ích của toàn xã hội.

Văn hóa là tầng lớp, giai cấp, giới và sắc tộc

Tất nhiên, hành trình của văn hóa không dừng lại ở đây. Lịch sử thay đổi và quan niệm văn hóa của giới trí thức tinh hoa như Arnold và những người theo sau cũng vấp phải những thách thức trước xu hướng giải thuộc địa hóa (decolonization).

Giới tinh hoa lúc này bị phê phán và tranh biện về quan niệm văn hóa. Họ bị chỉ trích bởi khái niệm văn hóa như là sự toàn mỹ đã loại bỏ hầu hết dân chúng, đặt để “văn hóa” trong sự sở hữu và dẫn dắt của số ít người, trong khi phần đông bị coi là “vô văn hóa”.

Ngoài ra, quan niệm văn hóa theo cách này cũng đánh đồng toàn bộ xã hội và không có khả năng lý giải sự phân chia xã hội đã và đang ngày càng sâu sắc của kỷ nguyên công nghiệp - đó là giai cấp, giới, và sắc tộc.

Trong lĩnh vực khoa học, quan niệm văn hóa của giới tinh hoa ảnh hưởng trong một thời gian khá dài, chớm qua tận nửa sau của thế kỷ 20. Những nghiên cứu của giới học thuật trong lĩnh vực truyền thông thời bấy giờ phần lớn nhìn nhận công chúng một cách bi quan: coi họ là một tập hợp đám đông (mass),

thụ động, và chịu tác động mạnh mẽ, thậm chí dễ dàng bị dắt mũi bởi truyền thông - với tư cách là một thiết chế quyền lực của văn hóa thượng tầng. Những lý thuyết truyền thông thời kỳ đầu như “mũi kim tiêm” (hypodermic needle),

hay “viên đạn thần kỳ” (magic bullet) đều đề cao sức mạnh trực tiếp, đồng loạt của truyền thông đến công chúng. Khi động đến các vấn đề văn hóa, sự phân chia dễ nhận thấy trong giới học thuật, kể cả Trường phái Frankfurt (Frankfurt School) nổi tiếng về phê phán xã hội tư sản, thường đi theo hướng đối lập văn hóa đỉnh cao với văn hóa đại chúng.

Diễn ngôn văn hóa như là sự toàn mỹ của trí thức tinh hoa, trên thực tế, ít có khả năng bảo tồn những di sản văn hóa vô giá, vượt thời gian và phổ quát của chung nhân loại; nhưng ở phương diện ngược lại, nó tạo ra sức ép và vô hình trung đẩy các vấn đề văn hóa giai cấp, giới, sắc tộc nổi bật lên và dần trở thành những lực lượng văn hóa đối kháng. Những đại diện đầu tiên và gây tiếng vang lớn trong việc phê phán quyền năng tối cao của giới tinh hoa đó chính là Richard Hoggart và Raymond Williams, những người sau này sẽ góp phần quan trọng trong việc thành lập Viện Nghiên cứu Văn hóa Đương đại Birmingham, Anh quốc.

Từ nửa cuối thập niên 1950s, công trình nghiên cứu và phát ngôn học thuật của những học giả này đã đặt nền móng cho sự ra đời của lĩnh vực “nghiên cứu văn hóa” (cultural studies), ở đó khái niệm văn hóa đã trải qua sự chuyển dịch hoàn toàn, triệt để, để mở ra hướng tiếp cận văn hóa hoàn toàn mới.

Các trường phái tiếp cận về thực thể văn hóa số

Văn hóa số là quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, hành vi trên môi trường số

Đây là cách hiểu phổ biến nhất về văn hóa số. Cách này gần như đơn giản là chuyển dịch (convert) khái niệm văn hóa phổ quát trong tiếp cận dân tộc học và khoa học xã hội nói chung. Định nghĩa văn hóa này nhấn mạnh những giá trị, quy ước, bản sắc mà một cộng đồng, một xã hội, hay quốc gia, tạo dựng nên, theo thời gian lịch sử và trong những bối cảnh nhất định.

Trong lĩnh vực văn hóa số, cách định nghĩa này chỉ ra những giá trị, quy chuẩn từ nhận thức đến hành vi của một cá nhân, tổ chức, nhóm, cộng đồng trên không gian số. Tất cả xoay xung quanh những giá trị cốt lõi được thừa nhận bởi cộng đồng, còn gọi là những giá trị chung (common values), và bản sắc chung (collective identities). Trong nhiều trường hợp cộng đồng sẽ giám sát, điều chỉnh hành vi của các cá nhân, từ đó góp phần củng cố, khẳng định, duy trì, làm đậm những giá trị ấy như một kim chỉ nam để mọi người nương theo. Mặt khác, cộng đồng có thể lên án, đả kích, đòi trừng phạt với những hành vi lệch chuẩn giá trị, hoặc kêu gọi cơ quan quyền lực thực thi hình phạt.

Cộng đồng thường khá duy lý và nhân danh nhận thức, lợi ích chung để bảo vệ giá trị chung đó. Chẳng hạn, gần đây có nhiều nghệ sĩ, cá nhân, người nổi tiếng nói chung có những hành vi, phát ngôn bị xem là lệch chuẩn, đe dọa giá trị chung đã bị lên án, phê phán mạnh mẽ, thậm chí còn bị tẩy chay. Không riêng gì ở xã hội nào, điều này khá phổ biến trên không gian số của nhiều quốc gia, khiến cho người ta phải đặt cho nó thuật ngữ mới, kiểu như là “cancel culture”, tạm dịch là văn hóa tẩy chay, văn hóa bài trừ, văn hóa phong sát.

Một nghiên cứu của một học giả trẻ ngành truyền thông của Philippines, báo cáo tại Hội thảo của tổ chức Truyền thông châu Á (ACMC) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 11 vừa qua, cũng cho thấy một số trường hợp các cô hoa hậu của nước này bị tẩy chay và đòi tước vương miện vì có những hành xử bị quy kết lệch chuẩn ở quốc gia mà các cuộc thi người đẹp là một văn hóa nổi bật.

Tiếp cận văn hóa số theo quan niệm về chuẩn mực hành vi và ứng xử trên môi trường số, nói rộng ra là tập trung vào những tương tác người trên không gian số, thể hiện việc thừa nhận đây không còn là không gian ảo như trước nữa. Các diễn ngôn chính thống trên báo chí cũng thể hiện rõ sự quan tâm đến những nội dung “rác”, “xấu”, “độc” được tạo ra hàng ngày trên các nền tảng và việc quản lý, xử lý không hề dễ dàng, không thể phó mặc cho cơ quan chức năng. Tiếp cận này, tất nhiên, có mặt tích cực của nó, khi phần lớn mọi người đều thừa nhận cần có những hệ giá trị và “chuẩn mực văn hóa” trên không gian số. Nói ngắn gọn là một nền văn hóa số lành mạnh, mang lại lợi ích cho mỗi người, cho cộng đồng và xã hội.

Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng “văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.” Chúng ta cũng có các luật, quy định, quy tắc để giám sát và điều chỉnh hành vi của cá nhân trên không gian mạng. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực rộng và phức tạp, môi trường số thậm chí còn phức tạp hơn cả môi trường thực tiễn, nhất là khi công nghệ và thuật toán có thể làm nảy sinh nhiều biểu hiện, hành vi văn hóa tạm gọi là “phi truyền thống”.

Văn hóa số như là quá trình sản xuất ra nghĩa (meaning) hàng ngày trên nền tảng số

Quan niệm này với nhiều người có vẻ hơi “lạ tai”, nhất là xưa nay chúng ta chỉ tiếp cận về văn hóa từ góc độ khoa học xã hội, khoa học hành vi như ở phần trên đã đề cập. Khoa học xã hội có nhiều đóng góp to lớn trong qua trình nhận thức luận (epistemology) của nhân loại, nhưng cách tiếp cận của nó không phải là không có hạn chế.

Tiếp cận văn hóa ở góc độ của khoa học hành vi thường chỉ nhấn mạnh cái văn hóa với nghĩa là những tính chất, thuộc tính sẵn có của cá nhân, hay sự vật hiện tượng nói chung, và bao trùm lên các cá thể trong đó. Văn hóa cũng thường được quy cho là một yếu tố vừa mang tính động lực, vừa mang tính mục đích của đối tượng, tức là điểm khởi đầu và đích đến đều bị chi phối bởi cái bản chất sẵn có - tất nhiên, thừa nhận có ảnh hưởng từ môi trường. Cách hiểu này xem nhẹ, hoặc bỏ qua phương diện “nghĩa” (meaning) mà tương tác cá nhân, liên cá nhân, nhóm, cộng đồng, sản xuất ra, hơn thế, liên tục tái sản xuất trong không gian vô tận, không đầu không cuối của số.

Đây là tiếp cận văn hóa có nguồn gốc của ngành nhân văn, là nền tảng cho sự ra đời của ngành ngành nghiên cứu văn hóa (cultural studies), ở Anh quốc từ thập niên 1970s, đề xuất cách hiểu về văn hóa như một quá trình sản xuất và tái sản xuất “nghĩa” - một lối tiếp cận hoàn toàn mới về văn hóa và truyền thông đương đại. Theo đó, văn hóa không phải là cái bản chất có sẵn, cố định (fixed) và được quy kết cho đối tượng (quan điểm chống lại essentialism - quy chất luận); mà nó là một quá trình liên tục của sản xuất “nghĩa”, tương tác “nghĩa” và diễn dịch “nghĩa” một cách phức tạp.

Văn hóa số là lãnh địa nơi của muôn vàn “nghĩa” được tạo ra, nó cũng chi phối đến không gian của sản xuất thực (kinh tế) và các mối quan hệ con người (xã hội) ngay trong lòng nó - không gian số. Nói theo John Hartley (2002), văn hóa là không gian của việc sản xuất và tái sản xuất ra chính bản thân cuộc sống, chứ không phải riêng gì tái sản xuất hàng hóa.

Quan niệm văn hóa khi soi chiếu trong lĩnh vực số sẽ cho chúng ta nhìn thấy muôn vàn khả thể được tạo ra, lan truyền, va đập, củng cố hoặc bị xóa sổ, thay đổi hoặc tạm thời thoái trào để tái hồi trở lại. Nhất là những loại “nghĩa” vốn sẵn tính đối kháng, mâu thuẫn, như các vấn đề về giới, giới tính, giàu - nghèo, chủng tộc, sắc tộc, tầng lớp, giai cấp, thế hệ v.v...

Cách tiếp cận này một mặt đề cao tính chủ thể của cá nhân (subjectivity), với tư cách chủ thể được trao quyền, chủ thể sáng tạo nội dung, sáng tạo nghĩa trong không gian số. Mặt khác, nhìn nhận các mối quan hệ bất cân xứng về quyền lực trong tạo nghĩa và diễn dịch nghĩa, mà ở đó, không ít nhóm đối tượng yếu thế, có thể sẽ bị “đàn áp”, để trở nên yếu thế hơn, hoặc bị lề hóa (marginalized).

Văn hóa số như là tổng thể lối sống trên không gian số

Tiếp tục phát triển quan niệm về văn hóa từ góc độ học thuật của ngành nhân văn (văn học, triết học, lịch sử, nhân học), các học giả phương Tây, mà tiêu biểu là Raymond Williams đã đề xuất cách hiểu văn hóa như là “tổng thể lối sống, về phương diện vật chất, tri thức, cũng như tinh thần”.

Quan niệm này đạt được không dễ dàng, nó phải trải qua một quá trình lịch sử nhiều thế kỷ trong học thuật cũng như đời sống ở phương Tây, khi giới quý tộc và giới chủ tư bản chỉ thừa nhận văn hóa của tầng lớp họ, kiểu chủ nghĩa tinh hoa (elitism), mà hoàn toàn không đếm xỉa đến văn hóa của tầng lớp bình dân và thấp kém hơn về địa vị xã hội.

Ngày hôm nay chúng ta nói chuyện với nhau về văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa cộng đồng một cách dễ dàng, tự nhiên như cái gì đó vốn có trong lịch sử. Nhưng thực tế, đó là kết quả của một quá trình đấu tranh trên địa hạt tư tưởng và học thuật.

Trong học thuật Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, học giả Đào Duy Anh (2003 [1938]) đã phát biểu một câu tương tự: “Văn hóa là sinh hoạt”. Mặc dù, phần lớn công trình nghiên cứu và những phát biểu của Đào Duy Anh là liên quan đến văn hóa truyền thống dân tộc, một đối tượng của ngành văn hóa học, hoàn toàn khác biệt với ngành nghiên cứu văn hóa, nhưng có thể thấy sự trùng hợp tư tưởng khá thú vị giữa Đông và Tây.

Quan điểm văn hóa như là tổng thể lối sống (total way of life), hay tổng hòa cách mà con người sinh hoạt là một quan điểm dân chủ, tiến bộ về văn hóa. Ở Việt Nam, đó là thành quả của quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thể hiện tính nhân bản, nhân văn nhất dựa trên sự tôn trọng quyền của con người, đặc biệt là đông đảo quần chúng lao động.

Nếu nhìn lại cách đây một vài thập niên, hoặc thậm chí một vài năm thôi, có thể thấy, văn hóa số nói chung đã khác nhiều. Do đó, điều cần xem xét một cách nghiêm túc chính là yếu tố ngữ cảnh (context). Văn hóa thay đổi theo ngữ cảnh, mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh chính trị xã hội trong nước và quốc tế sẽ tác động đến sự thay đổi trong doanh nghiệp, tổ chức và nền văn hóa của nó. Đối với văn hóa số, sự thay đổi này còn phụ thuộc vào nền tảng: văn hóa thay đổi theo nền tảng, vì phương tiện mới là cái quyết định nội dung (the medium is the message - định đề của nhà tư tưởng Marshall McLuhan).

Quan niệm văn hóa này cũng chống lại cách hiểu máy móc, thô sơ, coi văn hóa số thuần túy là sự chuyển dịch từ không gian “thực” lên không gian số. Ngược lại, văn hóa số, cũng như bản thân văn hóa, là một quá trình bồi đắp liên tục và thường xuyên, sản xuất và tái sản xuất, biến đổi, tiếp biến và thay đổi. Nói theo lời của nữ triết gia nổi tiếng Hannah Arendt: “Chúng ta không phải bẩm sinh là có văn hóa, mà chúng ta trở thành có văn hóa” (we are not born cultural, we become cultural).

Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh (2003 [1938]), Việt Nam Văn hóa Sử cương, Hà
Nội, Nxb. Văn hóa Thông tin
2. Barker, C. (2002), Making Sense of Cultural Studies (Hiểu về
Nghiên cứu văn hóa), London, Sage
3. Công đoàn Công thương Việt Nam (2015), Thư Bác Hồ gửi giới
công thương Việt Nam Link: https://congdoancongthuong.
org.vn/tin-tuc/t1139/thu-bac-ho-gui-gioi-cong-thuong-viet
nam.html, Truy cập 1/7/2023
4. Don, Lavoie, Emily C. Wright (2001), Culture and Enterprise:
The development, representation and morality of business
(Văn hóa và Doanh nghiệp: Sự phá triển, sự tái trinh hiện và
đạo đức kinh doanh), London, Routledge
5. Fons, Trompenaars, Charles H. Turner (sách dịch 2006), Chinh phục các làn sóng văn hóa, Nxb Tri thức, Hà Nội
6. Hartley, J. (2002), Communication, Cultural and Media
Studies: The Key Concepts (Truyền thông, Nghiên cứu Văn
hóa và Nghiên cứu Phương tiện Truyền thông: Những Khái
niệm Cơ bản), London, Routledge
7. Williams, R. (1981), Culture (Văn hóa), London, Collin./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận về văn hóa số trong thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO