Doanh nghiệp số

Toàn cầu hóa giúp FPT tích luỹ kinh nghiệm để giải quyết những dự án quan trọng của Việt Nam

Thế Phương 05/02/2023 10:47

Bắt đầu toàn cầu hóa từ con số 0, sau 23 năm, lần đầu tiên, FPT đạt mốc doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế vào năm nay, với tăng trưởng trên 30%.

Đồng thời, từ một doanh nghiệp (DN) “làm thuê” cho nước ngoài, FPT đã chuyển dịch sang dịch vụ chuyển đổi số (CĐS) với các giải pháp Make in Viet Nam cho các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Để rồi, chính từ kinh nghiệm khi toàn cầu hóa đã giúp FPT trưởng thành để giải quyết những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao.

1(1).jpg

Lần đầu tiên FPT đạt doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 18/12, FPT được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) trao tặng bằng khen về việc đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường quốc tế năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, đây là sự ghi nhận hết sức trân quý của Bộ TT&TT dành cho những nỗ lực của 6 vạn cán bộ, nhân viên (CBNV) FPT, trong đó có 2,7 vạn kỹ sư phần mềm đang trực tiếp làm với khách hàng tại các văn phòng, trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn trên toàn cầu.

Đặc biệt hơn nữa là, doanh thu từ CĐS chiếm gần 1/2 tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Cùng với cộng đồng các công ty CNTT Việt Nam, giờ đây FPT đã đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

Sau 23 năm đi ra nước ngoài, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế vào năm nay, tăng trưởng trên 30%. Trong đó, tính đến tháng 11, thị trường châu Mỹ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng hơn 48%, thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng hơn 47%, thị trường Nhật tăng 27%. Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ CĐS chiếm khoảng 40% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Con số này cũng khẳng định FPT đã đi đúng hướng trong hiện thực hóa chiến lược chuyển dịch sang cung cấp các dịch vụ CNTT tổng thể và toàn diện dựa trên các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data), (tự động hoá (automation)… cho các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu.

Trong năm 2022, CBNV FPT đạt thêm hơn 13.000 chứng chỉ quốc tế, trong đó có các chứng chỉ hãng Microsoft/Google/Amazon..., chứng chỉ ngoại ngữ, kỹ năng mềm về quản trị dự án… FPT cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai các trương trình đào tạo chuyên sâu cho CBNV, đặc biệt là các chương trình đào tạo liên quan đến các công nghệ cốt lõi như AI, cloud, big data, IoT, automation…. Dự kiến Tập đoàn sẽ đạt quy mô nhân sự 60.000 người vào đầu năm 2023.

Không chỉ đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững, năm 2022, FPT cũng không ngừng mở rộng quy mô hiện diện mà còn đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế.

Năm 2022, FPT mở mới hàng loạt các văn phòng tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Nhật Bản. Mạng lưới các văn phòng và 22 trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nguồn lực tại 27 quốc gia trên toàn cầu giúp FPT triển khai 24/7 các dịch vụ CNTT cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Trong năm 2023, FPT tiếp tục tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu nhằm mở rộng thị trường, tập khách hàng thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Cùng với việc tăng cường sự hiện diện của thương hiệu ngành CNTT Việt Nam trên toàn cầu, FPT cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A tại thị trường nước ngoài góp phần nâng tầm vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới. Trong năm 2022, FPT tại Nhật Bản đã trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và CĐS tại Nhật Bản, với hơn 20 năm kinh nghiệm.

Đặc biệt, FPT cũng luôn bắt kịp các xu hướng và cơ hội kinh doanh mới, khi đã đồng hành cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, ô tô thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế xanh. Chẳng hạn, Tập đoàn FPT đang cùng một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô tô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp nhà máy thông minh giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cũng như vận hành từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng. Và nhà máy đầu tiên triển khai các giải pháp này chính là nhà máy tại Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, đây là nhà máy hiện đại nhất của họ trên toàn cầu và dự kiến sẽ đóng cửa một số nhà máy ở khu vực châu Âu để tập trung đầu tư, mở rộng quy mô cho nhà máy tại Việt Nam này.

Việc tích lũy kinh nghiệm, năng lực công nghệ trong 23 năm làm việc tại nước ngoài giúp FPT trưởng thành về nguồn lực, đảm nhận những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao, như việc triển khai dự án 100 ngày HOSE hay hệ thống FPT.eHospital của FPT đã phục vụ hơn 400 bệnh viện trong nước và 10 bệnh viện tại nước ngoài.

Kết quả này đã cho thấy sự thay đổi rất lớn của FPT khi mà trong giai đoạn đầu ra nước ngoài, công ty chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, khách hàng đưa gì làm nấy. “FPT đạt được những kết quả trên là nhờ chuyển dịch mạnh mẽ sang cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể và toàn diện từ khâu tư vấn, thiết kế, phát triển đến triển khai các dự án CĐS quy mô lớn cho các doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới khắp các châu lục”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2022 - 2024, FPT chú trọng tăng trưởng lợi nhuận, năng suất và đổi mới, từ đó hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành DN số trong tốp 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp CĐS toàn diện vào năm 2030. Đặc biệt, để tiếp tục theo đuổi chiến lược “săn cá voi” (whale hunting), trong giai đoạn tới, FPT tập trung khai thác những khách hàng có quy mô doanh số lớn.

Để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, FPT ưu tiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số thị trường trung tâm các khu vực, như: Ấn Độ, Philippines, Slovakia, Czech, Canada, Costa Rica, Colombia, Nhật Bản..., từ đó đưa FPT trở thành đối tác chiến lược trong hành trình CĐS của những khách hàng triệu đô trên toàn cầu.

2(2).jpg
Tập đoàn FPT đã đầu tư vào nhà cung cấp dịch vụ tư vấn DN Nhật Bản LTS, đánh dấu bước phát triển mới tại thị trường khó tính này.

Hành trình toàn cầu hóa từ con số 0

Để có được doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài là một hành trình rất dài, bắt đầu vào một thời điểm tháng 9/1998, khi đặt ra chủ đề xuất khẩu phần mềm tại hội nghị tổng kết 10 năm, những gì vị Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FPT Trương Gia Bình nhận được là hàng loạt báo cáo tiêu cực từ các đồng đội: “Chúng ta không biết làm phần mềm”; “Không có cơ hội”…

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, người đứng đầu FPT đã thấy rằng, xuất khẩu phần mềm mới là con đường duy nhất đưa tập đoàn đi lên, phá vỡ các mốc giới hạn. “Người dẫn dắt phải thấy lo khi thành công và thấy cơ hội khi khủng hoảng. Hài lòng với hiện tại là giết chết tương lai. Chỉ có đi ra khỏi lũy tre làng, FPT mới thoát được kịch bản đã dọn sẵn cho người dẫn đầu”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Cũng trong năm 1999, Trung tâm Xuất khẩu phần mềm số 1, tiền thân của FPT Software (đơn vị thành viên phụ trách mảng xuất khẩu phần mềm của FPT) ngày nay ra đời. Đây là bước đi đầu tiên của FPT trên hành trình chinh phục thử thách “đặt tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới”, mặc dù khi đó, chính ông Trương Gia Bình cũng không biết bắt đầu từ đâu.

3(1).jpg
Năm 1999, Trung tâm Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1) với Giám đốc là ông Nguyễn Thành Nam được thành lập, bước đi đầu tiên trong việc ra khỏi “luỹ tre làng” để toàn cầu hóa của FPT.

Để rồi, năm 1999, FPT bắt đầu con đường toàn cầu hóa từ con số 0 - không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm. Kết quả đầu tiên, dù đã rất nỗ lực mở liên tiếp hai văn phòng ở Mỹ và Ấn Độ, FPT đã thất bại, khi mà doanh nghiệp nước ngoài còn không biết Việt Nam là ai, năng lực công nghệ thế nào. FPT tiêu tốn hàng triệu USD trong 2 năm mà không có được hợp đồng nào. Các văn phòng lần lượt đóng cửa, phải rút toàn bộ nhân sự về nước, thậm chí nghĩ đến việc giải tán Trung tâm Xuất khẩu phần mềm.

“Thất bại này tới mức Ban lãnh đạo còn không cấp tiền cho anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT - PV) thực hiện ước mơ này nữa”, Tổng Giám đốc FPT nhớ lại.

Tuy nhiên, ước mơ xuất khẩu phần mềm của FPT còn nguyên. Năm 2000, thay đổi cách tiếp cận, FPT bước chân vào thị trường Nhật Bản. Nhưng cũng không có khởi đầu thuận lợi. Các khách hàng đều từ chối khéo vì FPT không có nhân sự biết tiếng Nhật.

“Buổi đầu tiên gặp, họ nói ngay: “Nếu các bạn không nói tiếng Nhật, các bạn đi về. Đợi chúng tôi học xong tiếng Anh thì các bạn hãy quay lại nói chuyện. Đây là một lời từ chối rất khéo, nhưng tôi nghĩ ở các thị trường chúng ta đều cần sự chuẩn bị nhất định cho mình. Khi đó, hầu hết các lãnh đạo FPT phải đi học tiếng Nhật”, ông Khoa kể lại.

Để chinh phục người Nhật, ngoài học ngôn ngữ, người FPT còn phải học văn hóa làm việc, từ những điều nhỏ nhất là cách chào hỏi cho đến chuẩn bị tài liệu, quy trình làm việc… bởi vì “họ yêu cầu phải có một sản phẩm tốt mà cả quá trình sản xuất cũng phải hoàn hảo”.

Sau những thất bại liên tiếp, FPT đã có những thành công tại thị trường Nhật Bản. Nhờ nhận được sự hỗ trợ của ông Nishida, cố vấn của Sumitomo, FPT có được các cuộc gặp gỡ với các công ty hàng đầu của Nhật như NTT, Sumitomo, Toshiba, Fujitsu, Mitsubishi, Daewa…, giúp họ hiểu về khách hàng, văn hóa, kinh doanh trên đất Nhật Bản. Chưa có uy tín, chưa có thương hiệu, FPT đã mượn lực của Sumitomo để có hợp đồng đầu tiên trên đất Nhật vào tháng 12/2005. Sau sự khởi đầu này, doanh số FPT tăng chóng mặt.

“Thể hiện quyết tâm vào bằng được thị trường Nhật và phải làm với những công ty danh tiếng. Vì khi chúng ta chưa có uy tín thì cách tốt nhất là dựa vào uy tín của người khác”, ông Khoa lý giải.

4(1).jpg
CEO FPT Japan Đỗ Văn Khắc trao chiếc áo đặc biệt cho nhân viên thứ 2.000 của FPT Japan Holdings - công ty Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản. Ảnh FPT Japan Holdings.

Điểm quan trọng nữa là mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Nhật Bản ngày càng phát triển đã giúp cho các DN Việt Nam nói chung và DN CNTT nói riêng xuất hiện tại thị trường Nhật Bản với vai trò và vị thế khác.

Tính đến hết năm 2017, xuất khẩu phần mềm đem về cho FPT Software tới 6.242 tỷ đồng doanh thu - chiếm hơn một nửa doanh thu mảng CNTT của FPT, với lợi nhuận đạt 1.068 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cũng luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao, trung bình 30%/năm trong 5 năm qua.

Thời gian thuyết phục khách hàng ngoại giờ chỉ theo đơn vị tháng

Mặc dù có những thành công từ xuất khẩu phần mềm, theo ông Khoa, FPT đã quyết định dịch chuyển được hàm lượng gia công. Trước đây, 99% công việc ở FPT là gia công, khách hàng đưa gì làm nấy. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, FPT đã chuyển dịch sang làm các dịch vụ tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án CĐS tầm cỡ, phát triển các giải pháp Make in Viet Nam, Made by FPT may đo riêng phù hợp với các DN hàng đầu thế giới khắp 5 châu. Và có thể triển khai 24/7 tại 7 quốc gia trên toàn cầu. Trong các năm gần đây, FPT vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi ở Trung Quốc, Ấn Độ. Mặc dù vậy, thành công của FPT từ các dự án CĐS trên toàn cầu không đến từ “ngày một ngày hai”.

Nếu chỉ mãi gia công phần mềm, Việt Nam và DN Việt như FPT sẽ hụt hơi trong cuộc đua mới, mãi ở vị trí người làm thuê. Năm 2018, FPT lại một lần nữa đặt cho mình thử thách tiên phong, để chinh phục đỉnh núi tiếp theo: Dịch vụ CĐS.

Tại Đại hội cổ đông tháng 4/2018, với kết quả ban đầu, doanh thu “chuyển đổi số” năm 2017 của FPT cao gấp 6 lần tăng trưởng doanh thu của toàn tập đoàn, đạt trên 50% và chiếm 21% tổng doanh thu của khối Công nghệ. FPT cũng sở hữu nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (FPT.AI), trở thành đối tác quan trọng về nền tảng công nghệ IoT của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Airbus, Siemen, GE. Chia sẻ trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch FPT kỳ vọng 5 năm nữa doanh thu CĐS sẽ từ 100 triệu USD hiện nay lên một tỷ USD, chiếm 40% doanh thu tập đoàn.

“Cái mà chúng tôi quyết định là dồn nguồn lực để tạo sự khác biệt với các tập đoàn Ấn Độ. Họ đã chọn con đường outsourcing truyền thống. Còn FPT, chúng tôi muốn tiếp tục là người tiên phong trong CĐS”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh tại Đại hội cổ đông năm 2018.

Dấu mốc quan trọng trong hành trình hiện thực tầm nhìn và tham vọng mới, chinh phục lĩnh vực dịch vụ CĐS, đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng công nghệ toàn cầu” của FPT là việc đơn vị này mua Intellinet, một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ vào ngày 12/7/2018.

5(1).jpg
Trong 2 năm tới, Mỹ sẽ trở thành thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, góp phần đưa doanh thu của FPT Software đạt mức tỷ USD vào năm 2023.

Lần đầu tiên, một DN công nghệ thông tin Việt Nam mua một công ty tư vấn của Mỹ. Thương vụ này giúp FPT nhanh chóng nâng vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Những thuận lợi này đã giúp công ty rất nhiều trong việc toàn cầu hóa, FPT bắt đầu đi săn cá voi với một vị thế bình đẳng với tất cả công ty lớn của thế giới thay vì phải tận dụng uy tín của người khác như thời điểm năm 2000. Lần đầu tiên, FPT đứng trước cơ hội: trở thành công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.

6(1).jpg
Với việc mua lại cổ phần của Intellinet, FPT đã sẵn sàng cung cấp giải pháp CĐS tổng thể cho các tập đoàn toàn cầu góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Nhờ đó, nếu như trước đây, FPT từng mất 10 năm để thuyết phục một hãng hàng không hàng đầu thế giới ký kết dự án nhưng với năng lực về công nghệ hiện nay, đặc biệt là các công nghệ mới liên quan đến CĐS, thời gian thuyết phục đối tác chỉ còn tính theo đơn vị tháng.

7.jpg
Với hơn 5.000 robot phục vụ 600 khách hàng tại 14 quốc gia trên thế giới, nền tảng Make in Viet Nam akaBot đã đem lại lợi ích cho hơn 10 triệu người dùng hàng ngày.

Đánh giá về quá trình toàn cầu hóa của FPT, chia sẻ tại sự kiện FPT Techday 2022 được tổ chức mới đây, ông Bình nhấn mạnh: “Hơn 20 năm trước FPT nghĩ rằng tài sản lớn nhất của đất nước mình là trí tuệ và muốn ghi tên Việt Nam vào bản đồ số thế giới, và chúng tôi đã tiên phong xuất khẩu phần mềm. Và thực sự khi làm được, chúng tôi nghĩ như là được tái sinh. Hơn 20 năm nỗ lực của biết bao người Việt Nam, chúng tôi đã không chỉ góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ số thế giới mà còn ghi tên như 1 cường quốc phần mềm. Sau Ấn Độ là Việt Nam”.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Toàn cầu hóa giúp FPT tích luỹ kinh nghiệm để giải quyết những dự án quan trọng của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO