Diễn đàn

Tôn vinh 120 người chuyên tâm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”

Hoàng Linh 08/10/2024 13:35

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, thông tin cơ sở là hoạt động truyền thông đặc sắc riêng có của Việt Nam. Những người làm thông tin cơ sở đã lặn lội “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Trong không khí cả nước vui mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở (TTCS) năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo Bộ TT&TT, các đại biểu và đặc biệt là 120 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được tôn vinh.

bo-truong-08102024_1.jpg
bo-truong-08102024_2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm, giải pháp công nghệ liên quan đến hoạt động TTCS.

TTCS là hoạt động truyền thông đặc sắc riêng có của Việt Nam

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh TTCS là hoạt động truyền thông đặc sắc riêng có của Việt Nam, là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, sử dụng các loại hình thông tin từ đơn giản như tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, đến các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng để phổ biến, cung cấp thông tin sát với nhu cầu của người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

bo-truong-08102024_0.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: TTCS là lực lượng tạo nên sức mạnh bởi sự linh hoạt và khả năng thích ứng trong mọi tình huống.

“TTCS khác với báo chí, gần dân hơn, dùng người nhiều hơn, là một lực lượng quan trọng, không kém báo chí nhưng họ ở tuyến cuối của hoạt động truyền thông. Đây là lực lượng tạo nên sức mạnh bởi sự linh hoạt và khả năng thích ứng trong mọi tình huống. Với nhiều cách thức tuyên truyền khác nhau, sức mạnh của TTCS là đến từng người, từng hộ dân, tạo nên khác biệt căn bản của TTCS với các hình thức truyền thông khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc trưng của hoạt động TTCS ngày nay là vừa phân tán, vừa tập trung. Phân tán là hoạt động của hơn 5.000 người làm việc ở các cơ sở truyền thanh - truyền hình huyện, quận, thị xã, thành phố; hơn 10.000 người phụ trách đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; hơn 200.000 người làm tuyên truyền viên cơ sở ở thôn, bản, tổ dân phố.

Tập trung là sử dụng công nghệ để quản lý, giám sát trực tuyến mạng lưới TTCS, nhìn thấy được, đánh giá được hiệu quả hoạt động trên từng địa bàn tỉnh, thành và toàn quốc, thông qua thiết lập hệ thống thông tin nguồn TTCS ở Trung ương và tỉnh, thành phố.

Thực tế cho thấy trong các đợt phòng, chống đại dịch COVID-19 những năm vừa qua, và gần đây là cơn bão số 3 Yagi, Bộ trưởng khẳng định: "Những người làm công tác TTCS đã không quản ngày đêm khó khăn, vất vả, bằng tiếng nói của người địa phương mộc mạc, gần gũi trên hệ thống truyền thanh, đã truyền đi những thông điệp về phòng, chống dịch bệnh, thông tin khẩn cấp về bão, lũ, ngập lụt".

toan-canh-hoi-nghi-08102024.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Những người cùng chính quyền giải quyết nhiều vấn đề ở cơ sở

Người đứng đầu ngành TT&TT đánh giá cao những người làm TTCS đã lặn lội “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, cùng tham gia với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở.

Những người làm công tác TTCS mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều việc, hoạt động không chuyên trách, chế độ phụ cấp, thù lao còn hạn hẹp, nhưng "các bác, các anh, chị với lòng nhiệt huyết, đã không quản ngại khó khăn, vất vả, say mê với công việc để luôn làm tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Bộ TT&TT có trách nhiệm liên kết đội ngũ làm công tác TTCS thành sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, để cấp ủy đảng, chính quyền thấy được lực lượng của mình, thấy được vai trò của thông tin cơ sở, hiệu quả mà TTCS mang lại cho chính quyền, cho người dân địa phương”.

Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của truyền thông, có một chiếc điện thoại thông minh là chúng ta có thể biết được cả thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ dù có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người.

“Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ cho TTCS phát triển nhanh hơn, nhưng AI không thể truyền được cảm hứng, không thể nói thay được giọng nói mộc mạc, giàu cảm xúc của các bác, các anh, chị khi tuyên truyền, vận động người dân, vì các bác, các anh, chị được chính quyền địa phương lựa chọn, được người dân địa phương tin cậy”.

Tôn vinh 120 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến

Năm 2024, là năm đầu tiên, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh những tập thể và cá nhân điển hình toàn quốc có thành tích xuất sắc trong hoạt động TTCS.

ton-vinh-120-nguoi-lam-cong-tac-ttcs_3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT và biểu trưng cho 58 tập thể, 62 cá nhân điển hình tiên tiến, 4 doanh nghiệp tiêu biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận: Đây là hoạt động thiết thực và vô cùng ý nghĩa để ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân xuất sắc, cổ vũ, động viên kịp thời và phổ biến, nhân rộng gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước của ngành TT&TT.

Tại Hội nghị, 120 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm nghìn người làm công tác TTCS trên khắp các vùng, miền của đất nước. Những điển hình tiên tiến dù là tập thể hay cá nhân, lứa tuổi khác nhau, công việc khác nhau nhưng tất cả đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm và tâm huyết với công việc, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng được cống hiến vì cộng đồng, vì đất nước.

Nhanh chóng đưa chính sách đến với người dân

Cũng tại Hội nghị, sau khi nghe các ý kiến trao đổi tâm huyết của các gương điển hình tiên tiến làm công tác TTCS và các doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo một số nội dung về công tác TTCS.

Theo Bộ trưởng, ngành TT&TT đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, theo đó, cần nhanh chóng đưa các chính sách đến với người dân.

Đơn cử, để thực hiện việc tắt sóng 2G cần phải phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) cho những người dân, hộ dân chưa có smartphone. Các nhà mạng đã có chương trình hỗ trợ smartphone cho người dân, hộ dân hiện chỉ có điện thoại thường 2G. Cục Viễn thông và Cục TTCS cần phải phối hợp tuyên truyền chương trình hỗ trợ này cũng như thông tin địa điểm mà người dân có thể đến để đổi điện thoại 2G lên smartphone 4G.

Người làm công tác TTCS là những người gần dân, địa bàn nên sẽ biết rõ hơn các “điểm lõm sóng” để có thể thông tin cho cơ quan nhà nước “mang sóng” - mang niềm hạnh phúc lớn lao đến với người dân bởi họ có thể liên lạc, giao dịch, bán hàng… thuận lợi.

"Những việc này tuy nhỏ nhưng sẽ làm đổi đời cuộc sống của những người dân vùng sâu, vùng xa", Bộ trưởng cho biết.

Với câu chuyện của ông Sùng A Tủa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, Yên Bái), một gương điển hình làm công tác TTCS, quảng bá địa phương, du lịch trên kênh Tiktok… có cả chục ngàn người theo dõi, góp phần phát triển kinh tế địa phương, Bộ trưởng đề nghị Cục TTCS nhân rộng gương điển hình tiên tiến như trường hợp ông Tủa.

sung-a-tua.jpg
Ông Sùng A Tủa trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị về những nỗ lực trong công tác TTCS.

Theo Bộ trưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến sẽ mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Người làm TTCS được tuyên dương hôm nay có người không chỉ làm truyền thông mà còn là những người giúp dân hết lòng.

Cục TTCS cần nghiên cứu các giải pháp, có những giải pháp không cần dùng điện, dùng dây, giá rẻ mà vẫn thể giúp người dân có được thông tin để làm giàu. Từ đó, người dân có thêm niềm tin với Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị lĩnh vực TTCS cũng cần nghiên cứu chế tạo loa truyền thanh giống như cụm loa đưa vào tận hộ gia đình nếu các hộ dân ở vùng sâu, xa ở cách nhau quá xa. “Người dân ở vùng sâu, vùng xa “đói” thông tin nên cần phải nghĩ cách để đưa thông tin đến với người dân bằng những việc cụ thể”./.

Bài liên quan
  • Thông tin cơ sở phát triển theo hướng hiện đại
    Cần đổi mới về thể chế, chính sách để thông tin cơ sở (TTCS) có thể phát triển theo xu hướng hiện đại, khẳng định được vị trí, vai trò của TTCS trong hệ thống truyền thông của đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh 120 người chuyên tâm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO