Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn

Minh Thiện| 19/03/2021 14:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ năm 2019 - 2020, Chỉ số Văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index - DCI) của Việt Nam cải thiện 6 điểm, từ 78 lên 72, trở thành 1 trong 5 quốc gia có sự thay đổi tích cực nhất trên toàn cầu về văn minh trên không gian mạng.

Rủi ro trực tuyến tại Việt Nam đang giảm dần

Microsoft mới đây đã công bố các phát hiện từ nghiên cứu thường niên "Văn minh, An toàn và Tương tác Trực tuyến - 2020" và Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng (viết tắt là DCI) năm 2020.

Khảo sát DCI được tiến hành hàng năm trong 5 năm qua. Cuộc khảo sát gần đây nhất có sự tham gia của 16.000 người đến từ 32 khu vực địa lý và được hoàn thành từ tháng 4 đến tháng 5/2020. Nghiên cứu đã thăm dò ý kiến hai nhóm tuổi - người trưởng thành và thanh thiếu niên - về các tương tác trên mạng cũng như rủi ro trực tuyến mà họ từng gặp phải. Có 9 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tham gia khảo sát năm nay, bao gồm: Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Kết quả cho thấy chỉ số DCI năm 2020 của Việt Nam kém hơn nhiều so với trung bình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), với điểm DCI là 72, trong khi đó điểm của APAC là 66 (chỉ số DCI càng thấp thì mức độ văn minh càng cao). Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 5 quốc gia, khu vực có điểm số cải thiện nhất trên toàn cầu - giảm từ mức 78 điểm của năm 2019 - có nghĩa là ngày càng có ít người Việt Nam gặp phải các tương tác tiêu cực hoặc rủi ro trực tuyến.

Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn - Ảnh 1.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia, khu vực có điểm số cải thiện nhất trên toàn cầu

Hai khu vực địa lý APAC, Singapore và Đài Loan, nằm trong số 5 khu vực hàng đầu trên toàn cầu với điểm số DCI thuận lợi nhất, lần lượt chiếm vị trí thứ tư và thứ năm. Ngược lại, các thị trường khác đã báo cáo trải nghiệm trực tuyến tiêu cực hơn, với Indonesia xếp hạng 29 trong số 32 khu vực địa lý và Malaysia báo cáo DCI kém thuận lợi nhất trong 5 năm qua. Việt Nam có mức cải thiện tốt nhất trong khu vực, với mức cải thiện 6 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, một số rủi ro đối với người dùng trực tuyến tại Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2017: lừa đảo chiếm 36% (tăng 6%), xúc phạm chiếm 28% (tăng 8%) và phân biệt đối xử chiếm 16% (tăng 4%).

"Hằng năm, Microsoft thực hiện nghiên cứu về văn minh trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức của người dùng mạng Internet và thúc đẩy tương tác trực tuyến tích cực trên toàn cầu. Trong bối cảnh COVID-19, chúng ta không chỉ phụ thuộc mà hơn bao giờ hết chúng ta đã chủ động đón nhận các công nghệ kỹ thuật số. Theo đó, môi trường Internet an toàn hơn sẽ không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của người dùng, mà còn tác động tích cực đến sức khỏe và đời sống tinh thần của cộng đồng", đại diện Lãnh đạo Microsoft Việt Nam, cho biết.

Thanh thiếu niên góp phần chủ yếu vào sự thay đổi tích cực

Thanh thiếu niên (13-16 tuổi) chính là nhóm giúp cải thiện điểm số DCI của Việt Nam. Cụ thể, nhóm này đạt 69 điểm trong thước đo văn minh trực tuyến, trái ngược với người trưởng thành là 74.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ thêm: "Thật vui mừng khi thấy thế hệ tiếp theo của chúng ta đi đầu trong việc thúc đẩy các tương tác trực tuyến tích cực cũng như được chứng kiến các công dân kỹ thuật số cùng nhau vun đắp cộng đồng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, các mối đe dọa như thông tin sai lệch gây hiểu lầm và hành vi thiếu văn minh vẫn không ngừng len lỏi trong xã hội, đòi hỏi tất cả chúng ta phải chủ động hành động. Từ chính phủ, các tổ chức và cá nhân đều có vai trò quan trọng như nhau trong việc xây dựng một môi trường làm việc và giải trí trực tuyến an toàn hơn và lành mạnh hơn."

Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn - Ảnh 2.

Điểm số DCI của Việt Nam được cải thiện nhờ giới trẻ

Trên toàn cầu, thanh thiếu niên được coi là động lực tích cực để cải thiện chỉ số DCI và đạt 63 điểm trong thước đo toàn cầu về sự cư xử văn minh trực tuyến, trái ngược với người lớn là 72. Tại Singapore, thanh thiếu niên đạt 50 điểm trên DCI so với 68 đối với người lớn, trong khi Đài Loan cũng chứng kiến điểm số thanh thiếu niên của mình cao hơn người lớn, ở mức 55 điểm so với 67 điểm. Theo xu hướng này, không có sự thay đổi về điểm DCI đối với thanh thiếu niên nhưng lại giảm 16 điểm ở người trưởng thành ở Indonesia, trong khi Malaysia chứng kiến người lớn điểm số giảm hơn ba lần so với thanh thiếu niên.

Ngoài ra, 43% người tham gia khảo sát tại Việt Nam nhận thấy mức độ văn minh trực tuyến được cải thiện trong thời kỳ đại dịch do người dùng mạng có ý thức cộng đồng cao hơn và chứng kiến nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hơn. Trong khi đó, 18% người tham gia lại cho rằng mức độ văn minh trực tuyến trong thời gian này tệ hơn vì có nhiều thông tin sai lệch gây hiểu lầm được lan truyền và bản thân họ thấy nhiều người hành động ích kỷ hơn.

Nhìn chung, 26% trên toàn cầu cho biết tính lịch sự trực tuyến tốt hơn trong thời kỳ đại dịch, được cho là do mọi người giúp đỡ lẫn nhau và ý thức cộng đồng lớn hơn, trong khi 22% cho rằng tính lịch sự trực tuyến là tồi tệ hơn, một phần do sự lan truyền nhiều hơn của thông tin không đúng sự thật.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là rủi ro do lan truyền sự căm thù và chia rẽ tiếp tục gia tăng. Với những người được hỏi trên toàn cầu cho biết có sự gia tăng trải nghiệm về các trò lừa bịp, gian lận và lừa đảo (+ 3%), lời nói căm thù (+ 4%) và phân biệt đối xử (+ 5%). 

Tại Châu Á - Thái Bình Dương, số người được hỏi báo cáo về các trường hợp có lời nói căm thù ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016 (từ 13% lên 26%), trong khi ở Thái Lan, số người được hỏi cho biết đã từng vi phạm cao hơn mức trung bình toàn cầu 18%.

Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn - Ảnh 3.

Người dùng mạng phải đối mặt với nhiều rủi ro ẩn danh

Người dùng mạng phải đối mặt với nhiều rủi ro ẩn danh xảy ra trong thời gian gần đây, với 25% người được hỏi tại Việt Nam cho biết họ đã gặp phải một rủi ro trực tuyến trong tuần vừa qua và 59% cho biết tác nhân gây ra rủi ro là người lạ.

Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn - Ảnh 4.

Mong muốn hàng đầu của người Việt Nam khi "lướt mạng" trong thập kỷ tới.

Mong muốn hàng đầu của người dùng tại Việt Nam trong thập kỷ tới là được trải nghiệm một không gian mạng an toàn (64%), tôn trọng (62%), lịch sự (35%), hòa nhập (26%) và hạnh phúc hơn (21%). Còn với người dân trên toàn cầu nói chung, mong muốn hàng đầu của những người được hỏi trong thập kỷ tới là được tôn trọng tốt hơn (65%), an toàn (55%), lịch sự (33%), tử tế (29%) và tự do (28%).

Cùng chung tay xây dựng không gian mạng an toàn hơn

Tại Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương, Microsoft đang hợp tác với các cơ quan chính phủ, giới học giả, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác để chia sẻ các phương pháp tốt nhất về an toàn kỹ thuật số, để từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho các cuộc thảo luận về chính sách và quy định, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh, tôn trọng.

Để góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh và an toàn hơn, Microsoft còn đưa ra Thử thách Văn minh trực tuyến gồm 4 nguyên tắc cho người dùng mạng Internet:

1. Nguyên tắc vàng: luôn cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng mọi cá nhân tham gia tương tác trực tuyến.

2. Tôn trọng sự khác biệt và các cách nhìn nhận đa dạng. Khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh các công kích cá nhân.

3. Suy nghĩ trước khi hồi âm, tránh đăng tải/ gửi những gì có ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.

4. Sẵn sàng đấu tranh trước những hành vi ứng xử thiếu văn minh và chưa chuẩn mực.

Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn - Ảnh 5.

Các phương tiện truyền thông tin tức dự kiến sẽ đóng góp lớn nhất vào việc cải thiện văn minh trực tuyến trong những năm 2020

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT ban hành "cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng"
    Bộ TT&TT ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo từng nhóm tuổi phù hợp để trẻ em tự bảo vệ bản thân và phụ huynh cùng tham gia bảo vệ con em mình sinh hoạt trên môi trường mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO