Trang bị các kỹ năng số cần thiết cho người lao động, đáp ứng phát triển kinh tế số

Ngọc Diệp| 28/10/2021 12:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Đào tạo nhân lực là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam chuyển đổi số (CĐS) thành công.

Nguồn nhân lực: yếu tố then chốt để "mở khóa" tiềm năng kinh tế số Việt Nam

Với dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ, Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Theo báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do AlphaBeta nghiên cứu và công bố ngày 18/10, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1.733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Nhận xét về tình hình phát triển kinh tế số của Việt Nam, ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tiến rất nhanh, có những bước nhảy vọt trong CĐS. Cụ thể, đã có 60% DN hiện đang sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến, Chính phủ điện tử (CPĐT) cũng đang cung cấp trên 2000 thủ tục trực tuyến. Ngoài ra, năng lực hấp thụ các công nghệ mới của DN Việt rất tốt, Chính phủ cũng đã nỗ lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng về CĐS.

Tuy tiềm năng có thể thấy rõ nhưng vẫn còn nhiều rào cản được chỉ ra đối với việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Chia sẻ tại hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" diễn ra mới đây, bà Tenzin Dolma Norbhu - Giám đốc quan hệ Chính phủ và Chính sách công Đông Nam Á, Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hồi năm 2019, Google có đánh giá và xác định 6 trở ngại của nền kinh tế số tại khu vực châu Á, trong đó có trở ngại về con người, tài năng, lòng tin, tiếp cận công nghệ và tiếp nhận kỹ thuật số. Đặc biệt, đến nay là năm 2021, vấn đề về con người vẫn đang là trở ngại lớn, điều này đặt ra bài toán về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo.

Trong khi đó, theo đại diện WB, nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động. Quá trình số hóa sẽ vừa làm mất vừa tạo ra việc làm. Ông Jacques Morisset cho rằng trong một vài năm tới, cơ cấu thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi, khi công nghệ, nền tảng mới xuất hiện sẽ khiến một số ngành nghề biến mất nhưng cũng đồng thời tạo ra các công ăn việc làm mới. Tuy nhiên, nếu người lao động không đáp ứng kịp những kỹ năng mới thì họ cũng không thể nắm bắt được các cơ hội đó.

Theo ông Jacques Morisset, thực tế Việt Nam đang tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực về các kỹ năng số hiện có. Theo báo cáo "Năng lực cạnh tranh của WEF" năm 2019, giả định rằng Việt Nam sẽ tụt hậu do không đáp ứng được yêu cầu về số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình CĐS nhanh chóng, nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045. Nói cách khác, CĐS có khả năng dẫn đến việc công nghệ thay thế con người, làm giảm lợi ích chung của nền kinh tế và tạo ra sự bất bình đẳng lớn, từ đó có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.

Trang bị các kỹ năng số cần thiết cho người lao động, đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Đại diện WB cho rằng Việt Nam muốn thành công trong quá trình CĐS cần phải tập trung nguồn lực nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước. Nếu không, Việt Nam sẽ thu được rất ít (hoặc không nhiều như mong đợi) thành công từ quá trình này vì nhiều người Việt Nam sẽ không thể tìm được việc làm.

Giải pháp để trang bị các kỹ năng số cần thiết cho người lao động

Nhìn chung, thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần theo thời gian vì một khi nhu cầu về lao động có tay nghề tăng cao sẽ làm tăng mức lương tương đối, từ đó khuyến khích người lao động và DN gia tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Nhưng kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh là việc thích ứng này có độ trễ nhất định.

Còn người lao động thì sao? Có thể họ không được tiếp cận thông tin hoặc không có tài chính để đầu tư vào các chương trình đào tạo dài hạn hơn. Trong khi đó các DN có thể không muốn đầu tư vào đào tạo nhân viên vì rất có thể khi tay nghề nâng cao họ lại "nhảy việc" sang đối thủ cạnh tranh khác.

Trang bị các kỹ năng số cần thiết cho người lao động, đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB: nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động.

Theo ông Jacques Morisset, việc có được kỹ năng mới đòi hỏi đầu tư từ cả cá nhân và tập thể của người lao động và DN, tuy nhiên chính phủ cũng góp phần quan trọng trong đó. Cụ thể, chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội số, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đồng thời chú trọng hơn vào "kỹ năng mềm" trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.

Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để giúp họ đưa ra quyết định. Các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần được nâng cao chất lượng. 

Ngoài ra cần tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động có chuyên môn cao gia nhập hoặc quay trở lại làm việc và hỗ trợ các DN và người lao động về tài chính trong quá trình đào tạo những kỹ năng mới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng một hoặc một số giải pháp để hỗ trợ những hành động này, và những quốc gia thành công nhất, như Singapore hay Hàn Quốc, đã thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp đó.

Chung góc nhìn đó, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom chỉ ra cần đào tạo cho 4 nhóm lao động trước tác động của nền kinh tế số. Nhóm thứ nhất là hàng triệu lao động trẻ trong lĩnh vực may mặc, da giày, lắp ghép linh kiện điện tử. Về cơ bản 70% số lượng trong nhóm công nhân này sẽ thất nghiệp trong vòng 10 năm tới, bởi khi đó, người máy sẽ thay thế.

Nhóm thứ hai là cần phải hướng tới mục tiêu đào tạo 1 triệu công dân toàn cầu. Để làm được điều này cần đến vai trò nòng cốt của các trường đại học và các DN lớn.

Nhóm thứ ba là đào tạo cho những người lãnh đạo, bao gồm cả các quan chức nhà nước, các lãnh đạo địa phương và đặc biệt là chủ các DN về việc sử dụng kỹ thuật số, sử dụng công nghệ.

Nhóm thứ tư là trẻ em. Việt Nam có gần 20 triệu học sinh, sinh viên. Thực tế này đòi hỏi đất nước phải đưa phương pháp giáo dục mới. Chẳng hạn như đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, cả thầy cô và học sinh phải thực hiện kỹ năng học trực tuyến.

Để giải nút thắt về nguồn nhân lực, PGS. TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có nhiều hơn khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo để lan tỏa thông tin, khái niệm, kiến thức về kinh tế số đến tất cả đối tượng; phải có những chương trình, kế hoạch để bồi dưỡng, lan tỏa kiến thức về kinh tế số để có mọi người có nhận thức về kinh tế số từ đội ngũ lãnh đạo quản lý cho đến các người triển khai thực hiện. Khi có những hiểu biết nhất định thì sẽ thay đổi về tư duy và có sự phát triển kinh tế số tốt hơn. Đồng thời cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược phát triển phải đến từ cấp Trung ương và Bộ GD&ĐT đóng vai trò chủ trì.

Trên thực tế, theo ông Nguyên, mức đầu tư công cho GD&ĐT của Việt Nam còn khá thấp so với tiềm năng tác động của nó. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách trung ương dự kiến phân bổ cho các hoạt động kinh tế chiếm tới 74%, trong khi GD&ĐT và giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 3,8%; và khoa học và công nghệ là 1,8%. Tỷ lệ này không có nhiều thay đổi đột phá so với giai đoạn trước.

Mặc dù tiềm năng kinh tế số của Việt Nam được dự đoán lên tới hàng chục tỷ USD, nhưng nếu chính phủ không thúc đẩy việc làm chủ về kỹ năng và nhân lực số ở quy mô đại trà thì một loạt ngành nghề truyền thống tiềm năng nhất như nông nghiệp, y tế, giáo dục, tiêu dùng, sản xuất, tài chính ngân hàng sẽ bị thiếu hụt nhân lực trầm trọng và Việt Nam sẽ không thể tận dụng "mỏ vàng" này./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trang bị các kỹ năng số cần thiết cho người lao động, đáp ứng phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO