Chuyển động ICT

Triển khai AI trong ngân hàng “không dễ dàng”

Anh Minh 07/08/2024 21:40

Với khả năng phân tích dữ liệu khổng lồ và tự động hóa quy trình, AI giúp các ngân hàng đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác và cá nhân hóa dịch vụ cho từng khách hàng. Tuy nhiên, để thành công, các ngân hàng cần một lộ trình triển khai rõ ràng và bài bản.

Chiều 7/8, FPT Digital đã phối hợp với Ngân hàng Techcombank và Cộng đồng Mì AI tổ chức sự kiện “DxHub™ - Xu hướng ứng dụng AI và thực tế triển khai trong ngành ngân hàng” với mong muốn chia sẻ những xu hướng ứng dụng AI trong ngành ngân hàng trên toàn cầu từ góc nhìn của các chuyên gia công nghệ, đồng thời giới thiệu các công nghệ mới và thực tiễn triển khai AI phù hợp với bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam.

Sự kiện nhằm cập nhật, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góc nhìn chuyên gia, kết nối DN trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh, ứng dụng AI hướng tới phát triển bền vững.

Từ ngân hàng truyền thống, ngân hàng số sang ngân hàng AI

Trong những năm gần đây, ứng dụng AI đã trở thành một xu hướng nổi bật cho các DN trên toàn cầu nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Ngành ngân hàng là một trong số những ngành đang có mức độ trưởng thành về AI cao nhất, với 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.

ms-trang-3.jpg
“DxHub™ – Xu hướng ứng dụng AI và thực tế triển khai trong ngành ngân hàng” đã chia sẻ những xu hướng ứng dụng AI trong ngành ngân hàng trên toàn cầu từ góc nhìn của các chuyên gia

Theo số liệu tại DxReport về “Tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng AI trong ngân hàng” do FPT Digital thực hiện tháng 7 vừa qua, kinh phí của các ngân hàng cho GenAI được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, ngân hàng số sang ngân hàng AI.

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi và AI FPT Digital nhận định ngành ngân hàng với đặc thù là kinh doanh tiền tệ, tài chính có mức độ nhạy bén cao với nhu cầu thị trường và mức độ trưởng thành cao về ứng dụng công nghệ, nên tạo ra cả điều kiện cần và điều kiện đủ để đi đầu trong ứng dụng công nghệ AI.

Về điều kiện cần, phải nói rằng khách hàng và các đối tác trên thị trường tiền tệ tài chính là những người luôn có nhu cầu cao về trải nghiệm, về sự tiện nghi đặt ra yêu cầu, thách thức về việc các ngân hàng phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới như AI để đem lại dịch vụ tốt hơn.

Về điều kiện đủ, ngân hàng là ngành luôn ở tốp trên của các ngành đầu tư ứng dụng công nghệ phục vụ tác nghiệp, các quy trình được chuẩn hóa trên nền tảng số, dữ liệu được quản lý trên môi trường số và nhân sự cũng có nhận thức, trình độ và kỹ năng ứng dụng công nghệ tốt.

"Đây là tiền đề tốt để ngân hàng có thể nhanh chóng chuyển mình ứng dụng AI, thúc đẩy phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, dịch vụ khách hàng, cũng như công tác quản lý rủi ro, đảm bảo tuân thủ", ông Hậu nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lâm, chuyên gia công nghệ tại Techcombank, triển khai AI trong ngân hàng “không dễ dàng”. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu. Techcombank đang tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI và GenAI nhằm tạo ra các sản phẩm mới, thông minh và hiệu quả hơn, ví dụ như trợ lý ảo, cá nhân hóa dịch vụ, và cải thiện hiệu suất của nhân viên.

Chuyên gia công nghệ của Techcombank cho rằng khó khăn trong ứng dụng AI tại Techcombank nói riêng và Việt Nam nói chung, “có lẽ là nhân lực AI chất lượng cao và vấn đề bảo mật dữ liệu, bảo mật thông tin trong thời đại AI như hiện nay”.

Góp phần giải quyết bài toán nhân lực AI, cộng đồng Mì AI đã được thành lập từ năm 2019. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển tại SHB Bank đồng thời là sáng lập và điều hành cộng đồng Mì AI cho biết ông thành lập Mì AI với sứ mệnh trở thành một cộng đồng nghiên cứu và triển khai AI theo hướng ứng dụng thực tiễn nên các đề tài nghiên cứu cũng theo hướng trực tiếp xử lý các vấn đề thực tế tại các tổ chức, DN.

Cộng đồng này hiện thu hút trên 50.000 thành viên với đa dạng từ những bạn sinh viên đến các chuyên gia về AI, các DN chuyên cung cấp các giải pháp AI trên thị trường.

Ngoài ra, để ứng dụng AI, một thách thức lớn nữa là việc tích hợp các hệ thống AI mới với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có. Trong thời kỳ bùng nổ dữ liệu như hiện tại, việc đào tạo các model AI đòi hỏi hạ tầng phần cứng như GPU phải mạnh.

Lộ trình ứng dụng AI hiệu quả qua 6 bước

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc dịch vụ chuyển đổi và AI FPT Digital, khuyến nghị để triển khai AI hiệu quả, các ngân hàng cần cân nhắc phương án hạ tầng CNTT phù hợp với khả năng tài chính, mức độ sử dụng AI và năng lực quản lý, đồng thời phải đảm bảo tính tương thích giữa các hệ thống.

doan-huu-hau.jpg
Ông Đoàn Hữu Hậu trao đổi bên lề sự kiện.

Theo ông Hậu, việc ứng dụng AI trong ngân hàng đòi hỏi một lộ trình rõ ràng và có tính linh hoạt cao với mục tiêu cụ thể, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên triển khai, dựa trên hiện trạng công nghệ, dữ liệu, và quy trình.

Như mọi DN khác, nguồn lực của mỗi ngân hàng không phải là vô hạn, trên cả phương diện tài lực (nguồn lực tài chính), nhân lực (nguồn lực con người) và vật lực (cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ) nên mọi quyết định ứng dụng công nghệ - bản chất là một quyết định đầu tư đều phải được cân nhắc thấu đáo về lợi ích đem lại trên chi phí đầu tư.

Măc khác, ngành tài chính - ngân hàng là một ngành kinh doanh có điều kiện, chịu sự chi phối của rất nhiều quy định pháp luật trong nước và thế giới, nên việc ứng dụng công nghệ mới phải được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo không vi phạm.

“Một kế hoạch triển khai thành công không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn phải đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Nhân viên ngân hàng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng thành thạo và khai thác hiệu quả năng lực của AI", Giám đốc dịch vụ chuyển đổi và AI FPT Digital nói.

Cụ thể hơn, tại sự kiện, bà Trương Minh Trang, chuyên gia tư vấn FPT Digital, đã chia sẻ về lộ trình ứng dụng AI hiệu quả qua 6 bước.

Bước đầu tiên là chuẩn bị, các ngân hàng cần hiểu rõ về AI và đánh giá mức độ sẵn sàng của tổ chức, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực, xác định lĩnh vực kinh doanh vận hành ưu tiên áp dụng AI

Bước thứ hai là hình thành ý tưởng, xây dựng hành trình và bản đồ quy trình nhằm xác định nhu cầu, xác định khả năng ứng dụng của dữ liệu và AI.

Bước thứ ba là đánh giá các khía cạnh về giá trị đem lại và mức độ dễ thực hiện tất cả các trường hợp sử dụng, ý tưởng.

Thứ tư là xác định ưu tiên, trong đó xác định mức độ ưu tiên của danh mục các ý tưởng về trường hợp sử dụng/ý tưởng dựa trên các tham số về giá trị đem lại và mức độ dễ thực hiện.

Thứ năm là thực thi. Các ngân hàng sẽ xác định phạm vi thu thập dữ liệu và triển khai cho các trưởng hợp sử dụng/ý tượng được lựa chọn, thu thập dữ liệu, triển khai thử nghiệm.

Và cuối cùng chính là khâu giám sát, xây dựng các tham số để đánh giá hiệu quả thực hiện đồng thời liên tục đánh giá dựa trên các tham số và giám sát hoạt động nhằm giảm thiểu lỗi và rủi ro.

anh-1(1).jpg
Các chuyên gia và diễn giả thảo luận sôi nổi tại sự kiện

Theo bà Trang, việc đi theo lộ trình giúp các DN lựa chọn được các ứng dụng quan trọng có ảnh hưởng lớn nhất và tập trung triển khai mang lại hiệu quả nhanh, trong bối cảnh AI có vô số khả năng và cơ hội ứng dụng, ngân hàng gần như không thể thực hiện tất cả cùng một lúc với nguồn lực hạn chế.

Chuyên gia của FPT Digital cho rằng AI có khả năng đem lại hiệu quả cao trong vận hành, phát triển kinh doanh với những hướng phát triển mới và bền vững cho ngành ngân hàng.

“Để khai thác tối đa tiềm năng của AI, các ngân hàng cần có lộ trình định hướng rõ ràng cùng kế hoạch triển khai linh hoạt, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực”, bà Trương Minh Trang nói./.

Bài liên quan
  • Khai phá sức mạnh của AI tạo sinh trong lĩnh vực ngân hàng
    Các chuyên gia đến từ Microsoft, Google, NVIDIA, Viettel và các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đã chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và câu chuyện về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh (Generative AI) và đám mây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Triển khai AI trong ngân hàng “không dễ dàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO