Năm 2021 là một năm nhận đầu tư kỷ lục của startup Việt
Mặc dù dịch COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp, nhưng nếu như năm 2020 khá yên ắng của thị trường đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam thì năm 2021 lại là một năm bùng nổ.
Theo đó, đầu tháng 11/2021, nền tảng thương mại Tiki đã thông báo “chốt đơn” 258 triệu USD vào thị trường Việt Nam thông qua vòng đầu tư thứ 5 của công ty. Vòng đầu tư này được dẫn dắt bởi Tập đoàn bảo hiểm AIA và các nhà đầu tư danh tiếng khác như Mirae Asset, Taiwan Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments... Số tiền lớn này được Tiki cam kết sẽ sử dụng hoàn toàn đầu tư vào Việt Nam - nhằm góp phần phát triển nền kinh tế số trong nước, đem lại giá trị cho khách hàng, doanh nghiệp cũng như hỗ trợ tạo thêm việc làm cho người lao động, thông qua đẩy mạnh chuỗi cung ứng (logistics) và phát triển những công nghệ “Make in Viet Nam” - phục vụ cho người Việt.
Một thương vụ đầu tư có số tiền khủng tương đương cũng được diễn ra vào cuối tháng 7/2021, khi mà số tiền 250 triệu USD dành Công ty Cổ phần Tập đoàn Cuộc Sống Việt (VNLIFE) trong vòng huy động vốn Series B do General Atlantic và Dragoneer dẫn dắt, với sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI. Khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các mảng kinh doanh hiện tại của VNLIFE và hỗ trợ phát triển các nền tảng và công nghệ mới cho các đối tác và người tiêu dùng Việt Nam.
Các thương vụ đầu tư đáng chú ý tiếp theo là các thương vụ đầu tư được dự đoán giá trị 100 triệu USD trong năm 2021 đã gọi tên ví điện tử MoMo vào tháng 1/2021 và Tập đoàn Giáo dục Việt Nam Equest vào tháng 6/2021, KiotViet gọi vốn thành công 45 triệu USD cho việc phát triển các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 9/2021 hay Doctor Anywhere công bố hoàn tất vòng gọi vốn 65,7 triệu USD vào tháng 9/2021.
Dù với số tiền đầu tư thấp hơn, nhưng các thương vụ đầu tư vào Loship - startup giao đồ ăn và thương mại điện tử tại Việt Nam (15 triệu USD vào tháng 8/2021), startup công nghệ bất động sản Rever (10,2 triệu USD vào tháng 8/2021), Kobiton - giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động (12 triệu USD vào tháng 9/2021) cũng đã cho thấy sự đa dạng của các lĩnh vực nhận đầu tư trong năm 2021.
Không chỉ các quỹ ngoại, trong năm 2021 cũng ghi nhận sự tham gia đầu tư với tổng số tiền lớn nhất từ trước đến nay của các quỹ nội như của Do Ventures (với thương vụ vào Vuihoc, Mfast, Bizzi…) hay quỹ của Nexttech (với thương vụ vào Coolmate, LadiPage…). Thậm chí, các công ty trong nước như VNG hay FPT cũng đã có những thương vụ đầu tư, M&A đáng chú ý với Base, Got It, EcoTruck…
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, năm 2021, nguồn vốn đổ vào startup Việt Nam có sự hồi phục đáng kể cả về số lượng và số tiền đầu tư. Lý giải về điều này, bà Vy cho rằng, dù năm 2021 tương đối khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các startup đã có một năm trước đó để thích ứng và điều chỉnh hoạt động kinh doanh, đồng thời có những kịch bản chuẩn bị cho các tình huống bất chắc có thể xảy đến. Các startup đã sống sót qua thời điểm nhiều biến động nhất bắt đầu chuyển sang trạng thái phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, kinh tế tài chính thế giới cũng đang từng bước phục hồi khi vắc xin được triển khai rộng rãi. Các nhà đầu tư cũng đã làm quen với quy trình thẩm định từ xa, vì vậy hoạt động đầu tư công nghệ vào Việt Nam dần lấy lại nhịp độ sôi động như giai đoạn trước COVID-19.
Còn đối với các quỹ, nếu như năm 2020, khi dịch bệnh bất ngờ ập đến, phần lớn không có sự chuẩn bị trước nên hoạt động đầu tư gặp gián đoạn. Tuy nhiên, với việc kinh tế tài chính thế giới cũng đang từng bước phục hồi khi vắc xin được triển khai rộng rãi. Đồng thời, các quỹ đã có thời gian thích nghi, điều chỉnh để tiến hành thẩm định từ xa, không chỉ những vòng đầu mà các vòng đầu tư giá trị lớn cũng vẫn được diễn ra. “Theo số liệu của Do Ventures, năm nay chúng ta có thể đạt số vốn đầu tư vào startup cao kỷ lục”, bà Vy nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Hoà Bình (Shark Bình), Chủ tịch Tập đoàn NextTech, nguyên nhân khiến thị trường đầu tư năm nay đã có sự khởi sắc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là do hệ sinh thái startup Việt đã trưởng thành hơn, quy mô lớn hơn. “Khi thị trường đủ lớn, startup đủ trưởng thành thì sẽ nhận được số tiền đầu tư lớn, cho dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay không”, Shark Bình chia sẻ thêm.
Còn một số quỹ nước ngoài, sau một thời gian thích nghi với dịch bệnh, đã bắt tay với một số quỹ “nội” để tìm hiểu hiểu, cùng đầu tư vào startup. Đồng thời, một số quỹ do đã đầu tư trước đó, nên đã hiểu về thị trường, startup đó nên lại tiếp tục đầu tư các vòng tiếp theo.
So với các quỹ ngoại, các quỹ nội không bị ảnh hưởng nhiều vì vẫn có nhiều cách thức để gặp gỡ các startup. Chưa kể, việc startup được các quỹ nội đầu tư cũng sẽ khiến các quỹ ngoại quan tâm hơn, vì có thể trao đổi để hiểu hơn về startup đó.
Khi được hỏi việc gặp gỡ các startup trong giai đoạn dịch bệnh có gì khác biệt so với thời gian trước, Shark Bình cho rằng, trên môi trường trực tuyến giúp quá trình thương thảo, trao đổi với startup cũng diễn ra đơn giản, hiệu quả hơn. Bởi vì, do phải thích ứng với điều kiện dịch bệnh, nên các quỹ đầu tư cũng bớt hình thức hơn nên mọi cuộc gặp gỡ với các startup cũng diễn ra nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, dù gặp trực tuyến hay trực tiếp, các nhà đầu tư chủ yếu chú ý đến những yếu tố bao gồm: Tiềm năng của dự án; Năng lực thực thi của đội ngũ; Số liệu, kết quả cho đến thời điểm gọi vốn. “Khó khăn chủ yếu là startup tăng trưởng như thế nào trong giai doạn dịch bệnh COVID-19”, Shark Bình nói.
Về vai trò của các quỹ nội như Next100, Shark Bình cho rằng, sẽ giống như một “mỏ neo” để giúp cho các quỹ ngoại tự tin hơn. Còn đối với các startup, quỹ nội đóng vai trò như một bệ phóng, giúp hướng dẫn cho các startup trong giai đoạn đầu. Đồng thời, quỹ nội chủ yếu tham gia ở các vòng gọi vốn sớm, giai đoạn mà các startup cần một hệ sinh thái, cần tìm ra “long mạch”. Còn quỹ ngoại phù hợp hơn ở các vòng sau, với số tiền đầu tư lớn khi đã có định hướng rõ ràng.
Blockchain là cơ hội để startup Việt hoá “kỳ lân” và ghi dấu ấn trong khu vực
Đánh giá về tiềm năng của thị trường startup Việt, Giám đốc điều hành của Do Ventures cho rằng, nếu tính thời điểm trước COVID-19, startup Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về số vốn đầu tư công nghệ. Ngay cả khi dịch bệnh kéo đến, các nhà đầu tư trong khu vực vẫn cho thấy sự lạc quan và kỳ vọng vào Việt Nam theo khảo sát Do Ventures thực hiện trên 50 quỹ đầu tư mạo hiểm năng động nhất khu vực. Vì vậy, bà Vy cho rằng, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn còn nhiều cơ hội để khai phá đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt với những sản phẩm gây được tiếng vang trên phạm vi thế giới trong lĩnh vực blockchain thời gian gần đây, Việt Nam càng thu hút sự chú ý như một trung tâm công nghệ mới nổi tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế đối với hệ sinh thái startup Việt Nam là khả năng tiếp cận nguồn vốn của các công ty. Số lượng quỹ tại Việt Nam chưa nhiều so với số lượng startup đang gia tăng mạnh mẽ, vì vậy vẫn còn những khoảng trống về vốn đầu tư. “Do đó, để có thêm kỳ lân công nghệ, chúng ta cần mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các startup hơn nữa để họ có đủ nguồn lực tài chính khai phá hết tiềm năng của sản phẩm”, bà Vy chia sẻ thêm.
Shark Bình cho rằng, thị trường startup Việt đang đứng thứ 3, 4 ở trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore, Indonesia và có thể cả Malaysia. Còn về việc tại sao Việt Nam còn ít các kỳ lân công nghệ, theo Shark Bình, do là độ chín thị trường, ngôn ngữ và kỹ năng của các nhà sáng lập. “Các nhà sáng lập startup Việt thường kém tiếng Anh, khả năng trình bày thuyết phục còn hạn chế”, Shark Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, các startup Việt cũng thường không có động lực đủ lớn, tạo thành tư duy “go global” (đi ra thị trường nước ngoài). Khác với Singapore, do thị trường trong nước nhỏ, nên các startup thường có tư duy nhắm đến thị trường khu vực ngay từ ngày đầu tiên thành lập.
Để Việt Nam có thêm nhiều kỳ lân, theo Shark Bình, không còn cách nào khác, các startup cần đi đầu và đi nhanh trong những lĩnh vực mới như Crypto, Blockchain. Bởi vì, trong các lĩnh vực truyền thống như TMĐT, mạng xã hội…, doanh nghiệp Việt rất khó cạnh tranh với các startup khu vực do đã đi sau họ, cũng như gọi được nhiều vốn hơn. “Đó cũng là lý do tại sao Nexttech quyết định ra mắt quỹ Next100 blockchain quy mô 50 triệu USD đầu tư vốn cổ phần và tài sản số (Token) giai đoạn sớm của các startup công nghệ chuỗi khối, với mong muốn trở thành “ngọn hải đăng” giúp giới đầu tư tránh đá ngầm”, Shark Bình nói.
Tại Việt Nam, cộng đồng Crypto, Blockchain khá lớn mạnh nên sẽ là một bệ đỡ tốt cho các startup. Yếu tố tiếp theo là thị trường sẽ được “toàn cầu hoá” ngay từ những ngày đầu thành lập, nên các startup Việt sẽ có thuận lợi để trở thành kỳ lân trong những lĩnh vực mới mẻ này. “Các startup nên mạo hiểm đi đầu, giống như con tốt trên bàn cờ. Dù 10 con tốt thì có đến 9 con chết nhưng sẽ có một con “qua sông” thành công thì sẽ hoá thành xe”, Shark Bình khẳng định.
COVID-19 đã khiến thị trường Internet, đầu tư startup Việt Nam nhanh hơn khoảng 5 năm
Bên cạnh đó, cũng theo bà Vy, COVID-19 đã tạo nên nhiều thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Xu hướng rõ ràng nhất là sự dịch chuyển nhanh chóng lên online trong rất nhiều các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, mua sắm, hay y tế đối từ góc độ người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, họ buộc phải tìm đến những giải pháp quản trị công việc và nhân sự từ xa để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, ngoài những ngành vốn đã phát triển nóng như FinTech hay E-commerce, một số ngành như EdTech, MedTech và các công cụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng đang thu hút vốn đầu tư. “Nguồn vốn chảy vào đa dạng các lĩnh vực là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái Việt Nam”, bà Vy nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh những lĩnh vực gặp nhiều thuận lợi nhờ dịch COVID-19 như giáo dục trực tuyến hay E-commerce, thì cũng có những ngành gặp nhiều khó khăn như du lịch hoặc bán lẻ truyền thống.
Shark Bình cho biết, sau dịch COVID-19, xu hướng các nhà đầu tư “back to basic” hơn, khi sẽ hướng đến các mô hình kinh doanh có xu hướng bền vững và có khả năng sinh lời hơn, thay vì các mô hình có xu hướng “đốt tiền” để tạo thị trường như giai đoạn trước. Sự thay đổi này đến từ việc dịch bệnh khiến các nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trước các mô hình có nhiều yếu tố rủi ro.
Còn các lĩnh vực đầu tư, đầu tiên vẫn sẽ là Fintech (công nghệ trong tài chính), TMĐT hay các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số như Edtech, Medtech… Bởi vì, với việc hành vi người dùng thay đổi, “lên mạng” và làm quen với các công cụ số nhiều hơn trong dịch COVID-19, các quỹ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số. “Dịch COVID-19 đã có những tác động tích cực, khiến thị trường Internet, đầu tư vào startup ở Việt Nam thúc đẩy nhanh hơn khoảng 5 năm”, Shark Bình nói.
Bên cạnh đó, các quỹ sẽ để mắt hơn đến các ngành mới mang tính tiên phong như Crypto, Blockchain. Lý giải cho điều này, Shark Bình cho rằng, vì mô hình Blockchain có rất nhiều điểm khác biệt so với mô hình công nghệ truyền thống, đồng thời dễ dàng huy động nguồn vốn cộng đồng mà không cần phụ thuộc vào các nhà đầu tư.
Mặc dù hiện tại Blockchain chưa có nhiều ứng dụng thực tế nhưng nếu “mọi thứ đã quá rõ ràng” thì sẽ không còn cơ hội đầu tư. Vì theo Shark Bình, bản chất của đầu tư là “liều ăn nhiều và chấp nhận rủi ro”. Lĩnh vực blockchain hiện nay nó giống như câu chuyện của bong bóng dot com những năm 2000, khi “người người nhà nhà” nhắc, đầu tư vào nó và sau một thời gian sẽ có những công ty còn sống sót, thành công.
Các dự án liên quan đến blochchain được các nhà đầu tư quan tâm thường liên quan đến NFT (tài sản ảo) cũng như sản phẩm đưa công nghệ mới này đi vào đời sống thực tế hơn…
Startup Việt đã qua thời kì “đốt tiền” để tăng trưởng ồ ạt
Đổi lại, Shark Bình cho rằng, dịch COVID-19 khiến startup tiêu tiền nhà đầu tư sẽ phải căn cơ hơn, thực chất hơn, chú trọng hơn đến việc đem lại doanh thu cho mô hình của mình, thay vì “đốt tiền” để tăng trưởng một cách ồ ạt.
Đồng thời, việc kinh tế khó khăn cũng khiến thị trường startup Việt ngày càng có sự phân cấp, một bên đã chứng minh được khả năng mình, có thị trường tốt thì sẽ nhận được nhiều tiền đầu tư, còn một bên sẽ ngày càng nghèo đi vì ít được các quỹ quan tâm hơn so với thời gian trước và sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” để vượt qua giai đoạn này. “Chỉ trừ một số startup đã trưởng thành, còn lại đa phần các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đều đang gặp khó khăn”, Shark Bình nhận định.
Vì vậy, Shark Bình cho rằng, để tồn tại qua giai đoạn khó khăn này, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam cần “tìm được long mạch (nội lực của doanh nghiệp), đón được gió đông (ngoại lực tác động, như các hệ sinh thái hỗ trợ phù hợp)”.
Bà Vy cho rằng, để thích ứng với giai đoạn “bình thường mới”, các startup phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh, tìm cách tạo ra nguồn thu mới duy trì hoạt động, đồng thời đưa ra các sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bởi vì, COVID-19 chính là dịp để các startup ý thức hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý và chú trọng tăng trưởng bền vững thay vì mở rộng quy mô quá bằng mọi giá như quãng thời gian trước.
Các nhà sáng lập startup cũng phải làm những việc nói trên một cách kịp thời và nhanh nhạy để không bỏ lỡ cơ hội mang lại những giá trị đột phá. Dù trong bối cảnh nào, yếu tố thành bại của startup vẫn là sản phẩm của họ có đáp ứng được nhu cầu của người dùng hay không. Trong bối cảnh “bình thường mới”, các ngành liên quan đến chuyển đối số, áp dụng công nghệ mới, định nghĩa lại các ngành cũ, sẽ có nhiều tiềm năng đột phá.
“Trong khủng hoảng luôn tiềm ẩn cơ hội cho những ai biết nắm bắt, minh chứng rõ rệt nhất là sự nổi lên mạnh mẽ của những doanh nghiệp trong ngành gaming của Việt Nam trong thời gian gần đây”, bà Vy dẫn chứng.Đánh giá về các chính sách thúc đẩy thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam, Giám đốc điều hành Do Ventures cho rằng, trong thời gian qua, môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã có được nhiều cơ chế khuyến khích từ Chính phủ. Chính phủ hiện đã ban hành một số cơ chế khuyến khích việc thành lập và điều hành hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tiêu biểu như Nghị định số 38/2018/NĐCP hướng dẫn về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. “Đây là một tiền đề tốt để thúc đẩy nguồn vốn trong nước cho các startup”, bà Vy đánh giá.
Về hỗ trợ dành cho startup đổi mới sáng tạo, rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, và hỗ trợ cơ sở vật chất đã được ban hành, đặc biệt là sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC.
Từ góc độ quỹ đầu tư mạo hiểm, Do Ventures hy vọng các khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho những ngành mới như công nghệ tài chính (Fintech) hoặc công nghệ y tế (Medtech) sẽ sớm được nhân rộng nhằm tạo điền kiện cho các startup Việt Nam có môi trường thuận lợi nhất để phát triển, và cho ra đời các sản phẩm có tính đột phá, mang lại giá trị thiết yếu cho người dùng trong điều kiện bình thường mới hiện nay./.
(Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)