Trung Quốc tăng cường tích trữ chip để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ
Trung Quốc đang tăng cường tích trữ vi mạch từ Mỹ với sản lượng nhập khẩu tăng vọt 60% để đề phòng làn sóng trừng phạt có thể xảy ra khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với chất bán dẫn Mỹ đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Chỉ trong tháng 10/2024, tổng lượng chip mà Trung Quốc nhập khẩu có giá trị 1,1 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 9,61 tỷ USD vi mạch từ Mỹ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 6, lượng chip Trung Quốc mua hàng tháng từ nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục vượt quá 1 tỷ USD.
Liang Yan, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette, Mỹ, cho biết: "Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu chip và máy móc sản xuất chip để chuẩn bị cho làn sóng trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực bán dẫn".
Trong số 9 loại vi mạch được nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào bộ vi xử lý và bộ điều khiển dựa trên CPU, cũng như chip được thiết kế cho lưu trữ và khuếch đại tín hiệu.
Trung Quốc tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc phát triển chip tiên tiến hơn. Theo báo cáo của Bloomberg, gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies vẫn đang dựa vào kiến trúc 7 nanomet cho hai bộ xử lý Ascend tiếp theo của mình, do các hạn chế về công nghệ của Mỹ đã ngăn cản công ty tiếp cận các máy in thạch bản tiên tiến hơn.
Năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nhu cầu Trung Quốc phải phát triển "lực lượng sản xuất mới" - kêu gọi những đột phá về công nghệ trong các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cấp chuỗi công nghiệp và bảo vệ mình khỏi áp lực kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 làm gia tăng lo ngại đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Nhiều người dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu và áp dụng các lệnh trừng phạt mạnh mẽ vào các công ty Trung Quốc như đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Theo Giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette Liang Yan, ông Trump đã cam kết thuyết phục các nhà sản xuất chip như TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) chuyển sản xuất sang Mỹ. Nhưng nếu sản xuất chip của Mỹ mở rộng, ông sẽ phải đối mặt với áp lực đảm bảo nhu cầu chip vẫn ở mức cao.
Sức mạnh tính toán và AI, được thúc đẩy bởi các chip tiên tiến, đã trở thành chiến trường cạnh tranh quan trọng giữa hai siêu cường, khi cả hai đều nỗ lực thống trị việc sản xuất chip có kích thước nhỏ hơn 10nm./.