Nghiên cứu nhấn mạnh rằng mặc dù tương lai của ngành TTDL của Ấn Độ phần lớn sẽ phụ thuộc vào các thành phố ven biển, nơi có nhiều khả năng tiếp cận với các trạm cáp quang, thì các thành phố không giáp biển như Delhi NCR, Hyderabad, Bengaluru, Kolkata và Pune cũng sẽ là những thành phố hưởng lợi từ ngành TTDL đang phát triển.
Nghiên cứu với tiêu đề "TTDL: Nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Ấn Độ" cho biết Chennai với hàng loạt lợi thế về cơ sở hạ tầng như tốc độ Internet cao nhất trong nước, hạ tầng cáp ngầm sẵn có, các lựa chọn năng lượng xanh, chính sách hỗ trợ của chính phủ và nhân lực có tay nghề cao sẽ nổi lên là một trung tâm dữ liệu tiếp theo sau Mumbai.
Các nhà nghiên cứu dự kiến rằng ngành công nghiệp TTDL của Ấn Độ sẽ được mở rộng nhờ nhanh chóng áp dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong đại dịch, các hoạt động sử dụng công cụ số gia tăng, kể cả việc ứng dụng đám mây và triển khai 5G trên toàn quốc.
Phần lớn sự tăng trưởng của ngành sẽ tập trung xung quanh Mumbai và Chennai do lợi thế kinh doanh và cơ sở hạ tầng, vị trí chiến lược tốt, hỗ trợ và cho phép các TTDL trên khắp Ấn Độ phát triển.
Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự hội tụ của dữ liệu, nhu cầu mạnh mẽ về đám mây, các quy định thân thiện với ngành, các sáng kiến kỹ thuật số của chính phủ và các khoản đầu tư sẽ thúc đẩy sự phát triển không ngừng của ngành TTDL ở Ấn Độ.
“Chuyển đổi số của Ấn Độ dự kiến sẽ tạo ra giá trị kinh tế 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài các lĩnh vực hiện có, các lĩnh vực mới như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, hậu cần, thị trường việc làm và kỹ năng, quản trị điện tử và các lĩnh vực khác, cùng với công nghệ tiên tiến, sẽ dẫn tới sự tăng trưởng đáng kể của việc lưu trữ và tính toán dữ liệu. Do vị trí và cơ sở hạ tầng, Mumbai và Chennai dự kiến sẽ là những thành phố hưởng lợi lớn nhất từ sự tăng trưởng tiềm năng trong thị trường TTDL của Ấn Độ”, Rachit Mohan, Trưởng bộ phận Tư vấn TTDL, Ấn Độ, cho biết./.