Tương lai của công nghệ thực phẩm nông nghiệp ở Đông Nam Á và vai trò startup

Hoàng Linh| 24/07/2022 14:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những thập kỷ tới, nhu cầu về thực phẩm tại châu Á có thể sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, kéo theo đó là chi tiêu cho thực phẩm.

Theo một báo cáo có tiêu đề "Thách thức thực phẩm châu Á: Hiểu người tiêu dùng châu Á mới" (The Asia food challenge: Understanding the new Asian consumer), vào năm 2030, người tiêu dùng châu Á sẽ chi tiêu cho thực phẩm tăng khoảng 2,4 nghìn tỷ USD trong tổng mức tăng dự kiến 4,4 nghìn tỷ USD. Đông Nam Á được dự báo sẽ là một trong những khu vực có mức chi tiêu cho thực phẩm tăng lớn nhất của châu lục, khi đang tăng có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,7%.

Một phần của nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của châu Á bắt nguồn từ việc tiêu thụ nhiều thịt và hải sản hơn. Từ năm 1961 - 2018, lượng protein tiêu thụ hàng ngày từ thịt và các sản phẩm động vật trung bình đầu người ở châu Á đã tăng hơn 600%. Dân số ngày càng tăng, thu nhập cao hơn và tốc độ đô thị hóa gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu thịt và thủy sản tăng 78% từ năm 2017 - 2050.

Các phương pháp chăn nuôi truyền thống không đủ và cũng không bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lương thực này. Hiện nay, ngành chăn nuôi đang chiếm 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Tăng cường sản xuất chăn nuôi truyền thống sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

Do đó, Richard Mackender, Tan Shuo Yan và Teo Zhixin, thuộc nhóm Đổi mới Deloitte Đông Nam Á đã nhận định: những tiến bộ trong công nghệ thực phẩm, đặc biệt là trong không gian protein thay thế, khi các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ đang tìm kiếm những cách thức bền vững và lành mạnh hơn để cung cấp thực phẩm cho thế giới.

Thịt từ thực vật và phòng thí nghiệm

Có một số loại protein thay thế, cụ thể là "thịt" có nguồn gốc thực vật được làm từ đậu nành, trái cây hoặc các loại cây trồng khác, các loại thịt được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm và protein có nguồn gốc từ côn trùng. Việc sản xuất các loại protein này thường ít tốn tài nguyên hơn so với chăn nuôi truyền thống, và việc áp dụng các loại protein thay thế có thể giảm phát thải nông nghiệp tới 60%.

Tiềm năng về môi trường và kinh doanh của các protein thay thế đã dẫn đến nhiều nguồn lực hơn được dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cho thực phẩm trồng trong phòng thí nghiệm và thực vật. Trong một cuộc khảo sát do Economist Impact thực hiện, 26% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nông sản cho biết họ sẽ quan tâm đến việc áp dụng các công nghệ về protein thay thế trong vòng 5 năm tới. Vào năm 2020, ngành công nghiệp thịt làm từ thực vật và thịt nuôi trồng lần lượt đạt 2,1 tỷ USD và hơn 360 triệu USD đầu tư.

Tại khu vực Đông Nam Á, hầu hết các hoạt động kinh doanh xoay quanh thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và trồng trọt đều tập trung ở Singapore. Gần đây, công ty đầu tư mạo hiểm Good Startup có trụ sở tại Singapore đã huy động được 34 triệu USD để đầu tư vào protein thay thế. Next Gen Foods, nổi tiếng với các sản phẩm thịt gà làm từ thực vật, đã gây chú ý trên toàn cầu vào tháng 2 năm nay sau khi huy động được 100 triệu USD, vòng tài trợ series A lớn nhất từng được huy động bởi một công ty thịt có nguồn gốc thực vật.

Tương lai của công nghệ thực phẩm nông nghiệp và vai trò startup ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Next Gen Foods, nhà sản xuất gà thuần chay TiNDLE, đã công bố vòng Series A trị giá 100 triệu USD, vòng Series A lớn nhất cho đến nay cho một công ty thịt có nguồn gốc thực vật. TiNDLE đã có mặt tại một loạt các nhà hàng trên khắp nước Mỹ.

Karana là startup đầu tiên giới thiệu thịt lợn làm từ thực vật đến châu Á bằng cách tạo ra các lựa chọn thay thế thực vật cho các món ăn Trung Quốc phổ biến như char siu bao (bánh hấp nhân thịt lợn nướng) và bánh bao có nhân mít. Umami Meats tập trung vào việc tạo ra các loại hải sản nuôi trồng không chứa kim loại nặng, vi nhựa và kháng sinh, là những lựa chọn thay thế bền vững cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng như lươn Nhật Bản.

Ngành thịt làm từ thực vật của Singapore đã tạo ra các nền tảng sản xuất để sản xuất quy mô lớn. Các nền tảng này cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản chung cho vô số người dùng, cho phép họ chia sẻ thiết bị để phát triển các sản phẩm và dịch vụ bổ sung. SGProtein, một nền tảng sản xuất theo hợp đồng cho các chất tương tự thịt, cho phép các công ty non trẻ mở rộng quy mô sản xuất một cách nhanh chóng, giúp các doanh nhân tham gia thị trường dễ dàng hơn mà không cần thiết lập cơ sở của riêng họ. Tương tự, FoodPlant, cơ sở chia sẻ đầu tiên của Singapore để sản xuất thực phẩm hàng loạt nhỏ, cung cấp cho các công ty thiết bị dùng thử các sản phẩm thực phẩm mới để thử nghiệm sớm trên thị trường, đẩy nhanh quá trình đổi mới thực phẩm.

Protein thay thế nhưng quen thuộc

Một nguồn protein thay thế khác, mặc dù ít được thảo luận hơn, là côn trùng, là thực phẩm giàu chất xơ, giàu protein. So với các vật nuôi thông thường, côn trùng đòi hỏi ít thức ăn hơn, phát triển và sinh sản nhanh, và hiệu quả hơn trong việc biến thức ăn của chúng thành năng lượng. Quá trình nuôi và thu hoạch côn trùng cũng tạo ra ít chất thải hơn và thải ra lượng khí thải nhà kính ít hơn, dẫn đến lượng khí thải carbon ít hơn nhiều so với khí thải từ chăn nuôi gia súc.

Startup Cricket One của Việt Nam đã phát triển một hệ thống nuôi dế có thể chế biến dế thành các nguyên liệu giàu protein cho các nhà sản xuất thực phẩm. Trong khi đó, startup Malaysia Ento có phương pháp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Không chỉ chế biến dế và ấu trùng thành đồ ăn nhẹ và bánh quy, công ty còn phát triển món bánh kẹp thịt làm từ côn trùng.

Cho đến nay, protein từ côn trùng vẫn chưa được người tiêu dùng ở châu Á chấp nhận rộng rãi, ngay cả ở một số nước Đông Nam Á, nơi côn trùng được coi là thực phẩm truyền thống. Thái độ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm làm từ côn trùng rất khác nhau giữa người dân nông thôn và thành thị.

Côn trùng cũng có thể là một nguồn nguyên liệu nông nghiệp và vật liệu sinh học bền vững. Insectta có trụ sở tại Singapore đi theo phương pháp không chất thải khi tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho ruồi đen, có thể biến thành thức ăn gia súc. Chất bài tiết từ giòi có thể được chuyển thành phân bón nông nghiệp. Insectta cũng đã tìm ra cách xử lý bộ xương ngoài của ruồi đen thành một nguồn nguyên liệu sinh học bền vững được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm dược phẩm và mỹ phẩm.

Thiết kế cùng một món ăn nhưng ngon hơn

Trong ngành công nghệ thực phẩm, in 3D thực phẩm là một lĩnh vực mới nổi khác đáng được quan tâm. Máy in 3D có thể được sử dụng để sản xuất nguyên liệu thực phẩm ở dạng bột nhão hoặc gel. Thông qua công nghệ này, thực phẩm có thể được cá nhân hóa theo nhu cầu dinh dưỡng và sở thích của người tiêu dùng.

Ví dụ: startup Anrich3D của Singapore đang tìm cách cung cấp cho người tiêu dùng các bữa ăn đóng gói sẵn, ăn liền có thể phù hợp với sở thích của người tiêu dùng.

Tương lai của công nghệ thực phẩm nông nghiệp và vai trò startup ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

In 3D cũng có thể được sử dụng để tùy chỉnh giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách in 3D sô-cô-la để giảm hàm lượng đường. Khả năng của công nghệ này sẽ tùy chỉnh hương vị của thực phẩm và hàm lượng dinh dưỡng của công nghệ này có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong cách mọi người, đặc biệt là người già và những bệnh nhân nằm viện, tiêu thụ thực phẩm.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore đã làm việc với Bệnh viện Khoo Teck Puat để tạo ra các bữa ăn tẩm bột in 3D bổ dưỡng và hấp dẫn trực quan cho người già và bệnh nhân trong bệnh viện gặp khó khăn khi nuốt thức ăn. Khi dân số Châu Á già đi nhanh chóng, in thực phẩm 3D có thể trở thành một công cụ vô giá cho các thế hệ người già.

Những thách thức cần vượt qua

Thị trường thịt làm từ thực vật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 25% từ năm 2020 - 2025, với mức tăng lên tới 200% ở Trung Quốc và Thái Lan. Nói chung, 75% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng trả tiền cho thịt có nguồn gốc thực vật nếu giá tương đương với thịt thông thường.

Tương lai của công nghệ thực phẩm nông nghiệp và vai trò startup ở Đông Nam Á - Ảnh 3.

Tuy nhiên, tiềm năng thị trường là lớn nhưng các công ty công nghệ thực phẩm của châu Á đang phải đối mặt với những thách thức như chi phí cao, khả năng mở rộng và các quy định của chính phủ.

Sự chấp nhận của người tiêu dùng chủ yếu đối với các protein có nguồn gốc thực vật chủ yếu phụ thuộc vào hương vị và kết cấu. Ngoài yếu tố chi phí, hầu hết người tiêu dùng thường chỉ cân nhắc chuyển sang các loại thịt có nguồn gốc thực vật nếu hương vị phù hợp. Điều này là do nhân khẩu học đang thay đổi ở châu Á, nơi có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng gồm những người tiêu dùng trẻ hơn và có học thức, những người mong đợi thực phẩm chất lượng cao.

Ngành công nghiệp protein thay thế cũng phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý và quy trình phê duyệt kéo dài ở nhiều quốc gia. Mặc dù Singapore đã đưa ra một số nền tảng sản xuất, nhưng vẫn còn thiếu đáng kể cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á để các protein thay thế được sản xuất trên quy mô lớn. Nhiều sản phẩm protein thay thế có sẵn trên thị trường phải được định giá cao hơn thịt thông thường để bù đắp chi phí sản xuất cao hơn.

Trong khi nhu cầu tiêu dùng cao hơn có thể cải thiện quy mô kinh tế để sản xuất protein thay thế nhưng cần phải có cơ sở hạ tầng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Khi vấn đề này được giải quyết thì protein thay thế sẽ trở thành một loại thực phẩm thay thế thực sự khả thi tại khu vực này./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam
    Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tương lai của công nghệ thực phẩm nông nghiệp ở Đông Nam Á và vai trò startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO