Truyền thông

Truyền thông để người dân đồng hành với chính phủ điện tử

TS. Nguyễn Minh Phong 28/10/2024 19:15

Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014- 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 trong 193 quốc gia thành viên LHQ và vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á (sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia).

Tóm tắt:

Chính phủ điện tử (CPĐT) và sự tiếp cận của người dân:

+ Việt Nam ngày càng coi trọng chủ trương vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số lớn mạnh để vươn ra thế giới.

+ Thực tế, kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về CPĐT còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức.
+ Số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thực tế còn thấp so tỷ lệ người sử dụng Internet trên cả nước.
- Để người dân đồng hành cùng CPĐT:
+ Xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam cần coi trọng nâng cao sự quan tâm và năng lực đồng hành của người dân.
+ Nhất quán và nỗ lực nâng cấp CPĐT theo hướng: Chuyên nghiệp; thông minh; đáng tin cậy.

Việt Nam chủ trương vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số lớn mạnh để vươn ra thế giới; phấn đấu đến năm 2025, xếp hạng về Chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50 thế giới; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước
(CQNN) đạt 100%...

Trên hành trình đó, rất cần sự đồng thuận và đồng hành của người dân.

CPĐT và sự tiếp cận của người dân...

CPĐT, theo quan niệm của Liên Hợp Quốc (LHQ), là việc các cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), như mạng diện rộng, Internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, với doanh nghiệp và bản thân các cơ quan chính phủ. UNESCO (năm 2005) nhấn mạnh: CPĐT là việc sử dụng các CNTT và truyền thông để thúc đẩy Chính phủ ngày càng hiệu quả và hiệu suất hơn, giúp Chính phủ dễ tiếp cận và có trách nhiệm hơn với công dân. Các đặc điểm của CPĐT bao gồm: Cung cấp dịch vụ điện tử, quy trình làm việc điện tử, bỏ phiếu điện tử.

Theo Bộ TT&TT của Việt Nam, CPĐT là quá trình tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là Internet để hỗ trợ các hoạt động của chính phủ, gắn kết công dân và cung cấp các dịch vụ của chính phủ, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và DN.

Một mặt, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan chính phủ giúp nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan chính quyền các cấp và chính phủ thông qua trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử và cung cấp dịch vụ công thông qua các phương tiện thông tin điện tử, trên các nền tảng như website, ứng dụng..., ngày càng mở rộng khả năng hoạt động tổ chức họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt...

Nhờ đó, giúp cho các cơ quan Chính phủ đổi mới phương thức giải quyết công việc theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả hơn; cung cấp đầy đủ, liên tục, thông tin, hoạt động, dịch vụ chính phủ, với chi phí thấp và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cho mọi tổ chức, cá nhân, DN.

Mặt khác, việc xây dựng và vận hành CPĐT cũng đòi hỏi không ngừng nâng cao mức độ thuận tiện, tạo điều kiện tốt nhất để người dân dễ dàng truy cập, tiếp cận các dịch vụ công thông qua CPĐT ...

Thực tiễn thế giới cho thấy, để xây dựng CPĐT, mỗi quốc gia cần trải qua 4 giai đoạn: Hiện diện, Tương tác, Giao dịch, Chuyển đổi, với mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho người dân và DN một điểm truy cập duy nhất tới các CQNN để thực hiện mọi giao dịch trực tuyến nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch.

cpdt.png

Chính phủ số là bước phát triển tiếp theo của CPĐT, đây không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép DN cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Theo Gartner, mô hình phát triển Chính phủ số theo 5 giai đoạn (mức độ phát triển) như sau:

Giai đoạn 1 (mở đầu): Ở giai đoạn này, có ít sự khác biệt giữa chính phủ số và chính phủ điện tử trong tư duy của các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Ở mức này không có liên quan đến sự tiến bộ của CPĐT. Do đó, các tổ chức được đánh giá tốt các tiêu chuẩn của CPĐT vẫn sẽ ở giai đoạn đầu tiên của Chính phủ số.

Giai đoạn 2, phát triển (mở): Các quốc gia có thể phát triển ngay giai đoạn 2 đồng thời cùng giai đoạn 1. Các chương trình Chính phủ điện tử và Chính phủ mở thường cùng tồn tại với sự lãnh đạo và ưu tiên khác nhau. Các sáng kiến Chính phủ mở thường được thực hiện như các chương trình nhằm thúc đẩy sự minh bạch, sự cam kết của người dân và “nền kinh tế dữ liệu”. Mặt khác, chúng có thể tạo cơ sở để bắt đầu tập trung vào việc công khai dữ liệu của các CQNN (dữ liệu mở).

Giai đoạn 3, xác định (lấy dữ liệu làm trung tâm): Giai đoạn này kích hoạt và tăng tốc việc chuyển đổi số. Đây là một sự khởi đầu từ những cách tiếp cận biến đổi trước đó, trong đó tập trung vào khai thác dữ liệu số, việc chỉnh sửa và tái thiết các dịch vụ và tương tác bằng cách làm cho chúng thuận tiện hơn và có hiệu quả hơn thông qua các kênh trực tuyến.

Giai đoạn 4, quản lý (kỹ thuật số hoàn toàn):

Chính phủ và các tổ chức đã nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của cách tiếp cận lấy dữ liệu làm trung tâm và thường xuyên theo đuổi các cơ hội đổi mới dựa trên các nguyên tắc dữ liệu mở. Dữ liệu được tận dụng thường xuyên hơn vượt qua ranh giới của cơ quan, dẫn đến các tương tác dễ dàng hơn cho các thành phần và sự chuyển đổi quyết định từ mô hình kéo, sang mô hình đẩy. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách tập trung vào dữ liệu và khai thác khả năng trao đổi dữ liệu, trái ngược với việc theo đuổi tích hợp dịch vụ như là một phần của CPĐT.

Giai đoạn 5, tối ưu hóa (thông minh): Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành tiêu chuẩn. Tổ chức thực hiện tối ưu hóa hoạt động và có khả năng dự báo nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đổi mới, sáng tạo cung cấp các dịch vụ công mới, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn.

Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế nhấn mạnh quan điểm: Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới DN, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp....

Năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử, trong đó xác định quyết tâm đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CQNN, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về CPĐT theo xếp hạng của LHQ; công khai, minh bạch hoạt động của các CQNN trên môi trường mạng.

Theo Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành trong Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã xác định mục tiêu: Xây dựng Chính phủ số có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội và hình thành Chính phủ số vào năm 2030. Để đạt mục tiêu đó, Chính phủ đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Đặc biệt, Việt Nam đã khai trương, vận hành, khai thác Cổng DVC quốc gia từ cuối năm 2019. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và DVCTT của CQNN trên môi trường mạng.

Theo đó, cơ quan nhà nước cung cấp DVCTT theo 2 mức độ: 1) DVCTT toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích; 2) DVCTT một phần, bao gồm không bảo đảm các điều kiện như DVCTT toàn trình.

Tính đến ngày 31/8/2023, Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia đã xử lý hơn 23 triệu hồ sơ, trong đó Bộ Công an xử lý gần 7,5 triệu hồ sơ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 2 triệu hồ sơ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 430.000 hồ sơ. Cổng DVC quốc gia cung cấp 4.446 DVCTT toàn trình và DVCTT một phần, trong đó có 2.569 dịch vụ dành cho người dân và 2.374 dịch vụ dành cho DN. Các Bộ và cơ quan ngang Bộ cung cấp tổng số 1.623 DVCTT. Các tỉnh, thành phố tích hợp số lượng DVCTT lên Cổng DVC quốc gia (tỉnh Cà Mau có 1.561 dịch vụ; tỉnh Long An có 1.480 dịch vụ; tỉnh An Giang có 1.467 dịch vụ; thành phố Đà Nẵng có 1.348 dịch vụ; Thành phố Hà Nội có 250 dịch vụ; tỉnh Phú Yên có 380 dịch vụ; tỉnh Yên Bái có 458 dịch vụ; Thành phố Hồ Chí Minh có 588 dịch vụ trên tổng số hơn 1.620 DVCTT cung cấp tại bộ phận một cửa điện tử của Thành phố...).

Theo Báo cáo CPĐT của LHQ năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 trong 193 quốc gia thành viên LHQ và vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á (sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia). Chỉ số DVCTT (OSI) của các nước do LHQ đánh giá dựa trên 5 chỉ số thành phần với tỷ lệ như sau: khung thể chế (IF) 10%; cung cấp dịch vụ (SP) 45%; cung cấp nội dung (CP) 5%; công nghệ (TEC) 5% và tham gia điện tử (EPI) 35%. Theo đó, năm 2022 Chỉ số OSI của Việt Nam đạt mức cao, với 0,6484 điểm; trong đó, chỉ số thành phần về IF và CP của Việt Nam đạt điểm rất cao với lần lượt là 0,9231 điểm và 0,9 điểm, cho thấy các văn vản quy phạm pháp luật về cung cấp thông tin và DVCTT tại Việt Nam đã dần hoàn thiện.

Về tổng thể, Việt Nam ngày càng coi trọng chủ trương vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số lớn mạnh để vươn ra thế giới; phấn đấu đến năm 2025, xếp hạng về CPĐT của Việt Nam vào top 50 thế giới; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của CQNN đạt 100%.

Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về CPĐT còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức. Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển CPĐT rất chậm so với tiến độ cần có; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin (HTTT); chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều HTTT đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp.

Việc cung cấp DVCTT còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện DVCTT còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT gây khó khăn cho các DN trong triển khai các dự án. Các DVCTT tích hợp trên Cổng DVC quốc gia chưa đầy đủ, vẫn bao gồm cả DVCTT toàn trình và DVCTT một phần; Tỷ lệ cán bộ, công chức làm việc với văn bản điện tử, hồ sơ số chưa nhiều; Nguồn lực công nghệ cần cho chính phủ số, như mã định danh số, thanh toán số và các nền tảng vận hành liên thông dữ liệu ở Việt Nam chưa phù hợp, do thiếu sự thống nhất về chính sách và thể chế.

Nền tảng điện toán đám mây chính phủ (CGC) chưa được xây dựng, các CSDL số và hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu số an toàn, bảo mật mới chỉ triển khai được một phần, vẫn còn khoảng cách lớn để số hóa toàn diện về dữ liệu và luồng công việc; còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách TTHC và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, DN; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các HTTT của các CQNN còn chưa được quan tâm đúng mức; thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán; chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử và thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án CNTT.

Đặc biệt, việc cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ số. Song số lượng người dân sử dụng DVCTT thực tế còn thấp so tỷ lệ người sử dụng Internet trên cả nước. Đa số người dân vẫn chủ yếu làm việc với chính quyền theo các quy trình tiếp xúc trực tiếp và dựa trên giấy tờ tại bộ phận “một cửa” để thực hiện các TTHC.

Theo kết quả khảo sát được công bố tại tọa đàm chuyên đề “Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng DVCTT cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2023”, do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức, thì chỉ có 3,05% số người được phỏng vấn cho biết họ đã lập hồ sơ người dùng trên Cổng DVC quốc gia, và hơn 1% đã sử dụng Cổng Dịch vụ công để làm TTHC.

Lý do khiến con số người dân ít tiếp nhận các DVCTT cấp tỉnh, và do đó, chưa thực sự đồng hành cùng chính phủ điện tử nói chung là: Các tính năng để thực hiện DVCTT toàn trình chưa được bảo đảm; Quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử chưa được tối ưu hóa cho người dùng; Bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp DVCTT của trung ương và địa phương; Cổng DVC còn khó tiếp cận với người khiếm thị và đồng bào dân tộc thiểu số; Việc cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) chưa được quan tâm đúng mức.

Thống kê từ Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cũng cho thấy: Đến tháng 7/2023, tỷ lệ hồ sơ DVCTT, số lượng người dùng tương tác trên các cổng DVC cũng như Cổng DVC quốc gia đạt khoảng 60% số hồ sơ nộp trực tuyến; trong đó chỉ khoảng 32% do người dân trực tiếp thực hiện, còn 28% vẫn phải có sự hỗ trợ của cán bộ công chức Nhà nước.

Đặc biệt, hiện 62 Cổng cấp tỉnh không cung cấp chức năng tìm kiếm bằng giọng nói, trong khi công cụ tìm kiếm của 25 Cổng không cho kết quả nếu từ khóa tìm kiếm bị viết sai chính tả, gây khó khăn cho người dân tộc thiểu số có thể không giỏi viết tiếng Việt.

Ở góc độ người dân, để có thể sử dụng DVC trực tuyến (DVCTT) người dân cần đáp ứng được ba yếu tố: có thiết bị (điện thoại thông minh hoặc máy tính); có đường truyền Internet; và sau cùng nhưng lại quan trọng nhất là người dùng cần có khả năng, trình độ để sử dụng thành thạo thiết bị và dịch vụ công. Với các đòi hỏi ấy, DVCTT càng trở nên quá xa vời đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Để người dân đồng hành cùng CPĐT

Cả về lý thuyết và thực tế đều cho thấy, để tiếp tục xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam cần coi trọng nâng cao sự quan tâm và năng lực đồng hành của người dân với CPĐT; theo đó, cần tập trung triển khai loạt biện pháp đồng bộ nổi bật sau:

Một mặt, nhất quán và nỗ lực nâng cấp CPĐT theo hướng: Chuyên nghiệp (đồng bộ giao diện; ngôn ngữ dễ hiểu; giám sát chất lượng trên trải nghiệm người dùng); thông minh (kết nối dữ liệu; liên thông hệ thống; tối ưu hóa quy trình); đáng tin cậy (bảo mật thông tin người dùng).

Đặc biệt, cần tăng tính thân thiện, dễ sử dụng của giao diện Cổng DVCTT và tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển DVCTT để cải thiện tỷ lệ, nâng cao trải nghiệm của người dân và DN; đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; Tăng cường thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, DN và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ; Hoàn thành các CSDL quốc gia mang tính chất nền tảng, nhất là CSDL quốc gia về dân cư, đất đai... ; các HTTT Chính phủ không giấy tờ; Hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; HTTT báo cáo quốc gia; Đồng thời, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các HTTT ở Trung ương và địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; Cổng thanh toán quốc gia... để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp Chính phủ.

Mặt khác, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cần thiết cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, DN về CPĐT, khung kiến trúc CPĐT Việt Nam và nâng cao năng lực chủ động ngăn chặn các rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Ngoài ra, kết hợp chặt chẽ giữa cải cách TTHC với phát triển CPĐT; cải thiện các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa và tiện ứng dụng hiệu quả công nghệ số; vận dụng những kinh nghiệm pháp lý, tiêu chuẩn, sáng kiến quốc tế liên quan phù hợp với thực tiễn, mục tiêu và lợi ích của Việt Nam; sớm cung cấp, tích hợp tất cả DVCTT của các Bộ, ngành, địa phương lên Cổng DVC quốc gia.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm kinh phí cho xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số. Sử dụng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để tìm kiếm các giải pháp công nghệ, kĩ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công nghệ cho Cổng DVC quốc gia và các Cổng DVC của Bộ, ngành, địa phương liên quan; tăng cường nghiên cứu làm chủ các công nghệ lõi, như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain),thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), bảo mật, an toàn, an ninh mạng, nền tảng tích hợp, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng chuyên ngành, phục vụ xây dựng Chính phủ số; chú trọng ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở, hình thành hệ sinh thái để các DN công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số, phục vụ Chính phủ số. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, CSDL quốc gia, nền tảng số quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ công quốc gia, tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ CNTT, sử dụng vốn đầu tư công do ngân sách trung ương đảm bảo; phát triển hệ thống thanh toán điện tử.

Đồng thời, tiến hành đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả trong triển khai các dự án đầu tư và thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ CPĐT, Chính phủ số..

Chính phủ, các Bộ, ngành nâng cao hơn nữa tỷ lệ công khai, minh bạch và chất lượng trong xử lý các TTHC; tìm kiếm thông tin trên cổng DVC. Qua đó, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn, nhất là những đối tượng yếm thế với phương châm: Giải quyết thủ tục DVCTT phải nhanh, đơn giản hơn giải quyết thủ tục DVC trực tiếp.

Thực tế cũng cho thấy, cần coi trọng việc phát huy lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên và công dân trẻ tham gia sử dụng Cổng DVC quốc gia; phát huy sáng kiến kỹ thuật từ nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trẻ cho tiến trình CPĐT; gia tăng độ nhận diện của Cổng DVCTT quốc gia với đối tượng trẻ thông qua việc tích hợp các yêu cầu đăng ký/ đăng nhập, các DVCTT trên Cổng DVCTT quốc gia với một số hoạt động, nhu cầu trực tuyến của học sinh - sinh viên.

Trước mắt, huy động các nguồn lực xây dựng các điểm truy cập Internet miễn phí tại các vùng dân cư, đặc biệt là các vùng hẻo lánh là yêu cầu bức thiết để người dân, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận với Internet và sử dụng các DVCTT; có thể nghiên cứu mở rộng kinh nghiệm thành lập ở mỗi tổ dân phố tại phường, xã có một tổ công nghệ số cộng đồng, bao gồm chuyên gia và thanh niên thạo công nghệ để giúp UBND phường, xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cài đặt, đăng ký và sử dụng DVCTT; hướng dẫn các hộ kinh doanh, sản xuất khai thác ứng dụng kinh doanh trên nền tảng số; kết nối để chuyển tải các vấn đề, khó khăn mà người dân sử dụng cổng DVC gặp phải... từ đó nghiên cứu, đề xuất với các cấp cao hơn để có các biện pháp tháo gỡ.

Tóm lại, để người dân đồng hành trên hành trình xây dựng CPĐT cần có cách tiếp cận đúng đắn và nhất quán: đó là lấy người dân làm trọng tâm; nâng cao chất lượng cuộc sống công dân làm đích đến và bắt đầu bằng một kiến trúc công nghệ phù hợp, được xây dựng và triển khai trong kế hoạch tổng thể nhất quán, với các giai đoạn phù hợp và giải pháp thiết thực, cụ thể và đồng bộ...

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển
công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và
hội nhập quốc tế
2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Khung kiến trúc Chính phủ
điện tử Việt Nam (phiên bản 1.0), tr.4 (Văn bản số 1178/
BTTTT-THH ngày 21/4/2015).
3. https://moha.gov.vn/chuyen-doi-so/tin-tuc/Pages/listbnv.
aspx?CateID=956&ItemID=55548
4. https://www.brandsvietnam.com/19005-Xay-dung-chinh-
phu-dien-tu-can-bat-dau-tu-lay-dan-lam-goc;
5. https://tcnn.vn/news/detail/62700/Thuc-trang-va-giai-phap-
xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-o-Viet-
Nam.html;
6. https://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-
huong-toi-chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-
newsdetails-37599-14-186.html;
7. https://nhandan.vn/dich-vu-cong-truc-tuyen-con-nhieu-kho-
khan-post763166.html;
8. https://tapchimattran.vn/thuc-tien/chinh-phu-dien-tu-va-su-
tham-gia-cua-nguoi-dan-o-viet-nam-hien-nay-12124.html.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông để người dân đồng hành với chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO