Truyền thông

Truyền thông hội tụ cấp cơ sở: Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Nguyễn Lan Phương - Cục Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT 25/12/2023 00:00

Cuộc cách mạng công nghệ số đã từng bước tạo nên thói quen mới trong cách tiếp cận thông tin của người dân, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mọi người có thể đọc, xem, nghe tin tức về mọi vấn đề mình quan tâm ở mọi nơi, mọi lúc và có thể phản hồi ngay lập tức đối với thông tin vừa tiếp nhận được.

Tóm tắt:
* Bốn mô hình truyền thông hội tụ ở cấp huyện của Trung Quốc.
* Hiện trạng ứng dụng truyền thông hội tụ trong hoạt động truyền thông cấp huyện của Việt Nam.
* Kiến nghị, đề xuất với các Sở TT&TT và các đơn vị liên quan tại địa phương:
- Ứng dụng các thành tựu của công nghệ mới vào công tác sản xuất nội dung thông tin tại địa phương theo điều kiện thực tế.
- Tham khảo mô hình Trung tâm truyền thông cấp huyện của Trung Quốc để áp dụng cho việc tổ chức chuyển đổi hoạt động của đài truyền thanh - truyền hình (PTTH) cấp huyện sang truyền thông đa phương tiện.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan ở trung ương, địa phương đào tạo bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin, công nghệ số cho các phóng viên, biên tập viên cơ sở.

Xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện trong kỷ nguyên kỹ thuật số và các nguyên nhân về kinh tế - xã hội đã dẫn đến sự hình thành xu hướng truyền thông hội tụ.

Mô hình truyền thông hội tụ ở cấp huyện của Trung Quốc

Xác định truyền thông cấp huyện là truyền thông cơ sở, là một kênh thông tin quan trọng để các chính sách được truyền tải đến gần người dân hơn và có thể lắng nghe nhu cầu của người dân tốt hơn; là “chặng đường cuối cùng” để thực hiện các chính sách của Đảng với phương châm“Người dân và cấp huyện là cái gốc của đất nước” [1].

Phát biểu tại Hội nghị công tác tư tưởng và tuyên truyền toàn quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “Chúng ta phải nắm vững việc xây dựng trung tâm truyền thông cấp huyện, hướng dẫn quần chúng và phục vụ quần chúng tốt hơn” [2] và đưa ra phương hướng phát triển chiến lược quốc gia của việc xây dựng truyền thông từ cấp huyện.

Việc xây dựng các trung tâm truyền thông cấp huyện tích hợp các nguồn lực như: Đài PTTH cấp huyện, báo chí và các phương tiện truyền thông mới, tích hợp các dịch vụ truyền thông, dịch vụ sinh kế của người dân và các dịch vụ của Chính phủ, để hàng trăm triệu người có thể tận hưởng nhiều lợi ích hơn khi chia sẻ thành quả phát triển Internet trở thành một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực tuyên truyền tại Trung Quốc, thực hiện giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Quốc gia ban hành một số văn bản chuyên sâu để hỗ trợ xây dựng Trung tâm truyền thông cấp huyện [3]. Trên cơ sở đó, công tác thí điểm xây dựng Trung tâm truyền thông cấp huyện được triển khai trên toàn quốc. Kết quả của việc thí điểm đã hình thành một số mô hình hoạt động gồm:

- Mô hình hệ thống báo chí: Thực hiện theo cấu trúc “Nhà bếp trung tâm”4 của Nhân dân Nhật báo và tích hợp các tài nguyên truyền thông như: báo, truyền hình, phát thanh, trang web. Chẳng hạn như: Thành phố Bắc Kinh, tỉnh Hồ Nam, tỉnh Giang Tây, tỉnh Tứ Xuyên và một số tỉnh khác lấy tờ báo của tỉnh/thành phố làm người dẫn đầu và ra mắt nền tảng đám mây truyền thông bao phủ các huyện, thành phố trong tỉnh.

Một số ví dụ như:

Nhật báo Bắc Kinh ra mắt loạt video ngắn 10 tập “Giải mã một xã hội thịnh vượng trên mọi phương diện”, áp dụng hình thức sáng tạo của pingshu (một nghệ thuật kể chuyện truyền thống của Trung Quốc) và hoạt hình, để thể hiện các chiến lược, lịch sử và nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc lãnh đạo người dân xóa đói, giảm nghèo và đạt được sự thịnh vượng vừa phải.

Nhật báo Quý Châu thành lập Ban biên tập phương tiện truyền thông hội tụ trực tuyến đầu tiên của tỉnh để phục vụ 96 trung tâm truyền thông cấp huyện trong tỉnh, hỗ trợ quá trình xử lý thứ cấp và phổ biến nội dung, thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong việc tạo nội dung, công nghệ, ý tưởng sáng tạo và lập kế hoạch phát triển chung.

- Mô hình hệ thống PTTH: Một số tỉnh như Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc dựa vào các đài phát thanh và truyền hình tỉnh để xây dựng các nền tảng hỗ trợ công nghệ truyền thông hội tụ cấp huyện. Trong khi tỉnh Cam Túc, Tân Cương, Phúc Kiến xây dựng phương tiện truyền thông hội tụ cấp tỉnh là trung tâm điều hành với mạng lưới PTTH làm nòng cốt.

- Mô hình hợp tác: Tỉnh Sơn Tây, Quảng Tây và một số tỉnh khác yêu cầu rõ ràng các tờ báo của tỉnh hợp tác với các đài PTTH và các mạng lưới truyền thông khác trong tỉnh để cùng phát triển nền tảng đám mây thông minh của tỉnh và đảm nhận các chức năng của nền tảng công nghệ cấp tỉnh

- Mô hình công ty: Để chủ động hơn trong thời đại công nghệ và tránh những ràng buộc của các khái niệm truyền thống, một số huyện đã chọn hợp tác với các công ty công nghệ truyền thông mới để tạo ra một nền tảng hội nhập khu vực với mức độ xã hội hóa cao. Tuy nhiên, sự phát triển tiếp theo của mô hình này phụ thuộc vào thực lực của công ty và thái độ của chính quyền địa phương.

Theo Báo cáo phát triển truyền thông phát hành năm 2022 [5], tại Trung Quốc số lượng các đài PTTH cấp huyện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các đài PTTH của cả nước. Tính đến cuối năm 2021 toàn quốc có 2.542 đài phát thanh, truyền hình; trong đó có 2.106 đài PTTH cấp huyện, chiếm 83%.

Động thái nổi bật của chuyển đổi số và hội tụ phương tiện truyền thông chuyên sâu được thực hiện bởi báo chí các cấp [6] là tương tác với công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau trên các trang web và nền tảng truyền thông xã hội bằng cách sử dụng các sản phẩm đa phương tiện. Các đài PTTH, trung tâm truyền thông cấp huyện đã thực hiện tích hợp các tài nguyên truyền thông như: Báo, tivi, đài phát thanh, trang web... thông qua các nền tảng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo mục đích của việc cung cấp thông tin đến người dân.

Trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, mở rộng các mô hình ứng dụng như: Tin tức chính quyền, tin tức văn hóa sáng tạo, dịch vụ tin tức, hoạt động tin tức... Từ đó xây dựng nội dung chương trình cho phù hợp nhằm thể hiện hình ảnh tích cực của Đảng và Chính phủ, tăng cường sự giao tiếp giữa Chính phủ và người dân thông qua hoạt động của các trung tâm truyền thông cấp huyện.

Với sự phát triển nhanh của số người dùng Internet [7], đồng thời thực hiện phương hướng phát triển chiến lược quốc gia của việc xây dựng truyền thông từ cấp huyện. Các đài PTTH, trung tâm truyền thông cấp huyện tại Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc thay đổi, cập nhật nội dung thông tin trên những kênh thông tin chính thống như báo chí, PTTH mà bắt đầu thực hiện truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau trên các trang web, nền tảng truyền thông xã hội (Weibo, Wechat...) sử dụng các sản phẩm đa phương tiện (video clip ngắn, livestream...) [8], đây được coi là động thái nổi bật của chuyển đổi kỹ thuật số và hội tụ phương tiện truyền thông.

Ứng dụng trong hoạt động truyền thông cấp huyện của Việt Nam

Hoạt động truyền thông cấp huyện hiện nay ứng dụng truyền thông hội tụ không chỉ đơn giản là bước tiến sử dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ trong công tác thông tin, tuyên truyền để cung cấp thông tin đến người dân nhanh, kịp thời và đa dạng, mà còn đổi mới mô hình tổ chức hoạt động theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông.

a) Thay đổi phương thức cung cấp thông tin đến người dân theo hướng hội tụ về nội dung

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông người dân có thể tiếp cận nội dung thông tin thông qua rất nhiều nền tảng ứng dụng như thông qua mạng xã hội, Internet và các ứng dụng khác. Do đó, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện thực hiện hội tụ về nội dung, có nghĩa là cùng một nội dung chương trình nhưng được trình bày dưới dạng đa phương tiện kết hợp chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, liên kết đến các website, audio trực tuyến....

Bên cạnh đó, kết nối và chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu (CSDL) của địa phương dưới những hình thức chia sẻ khác nhau (mặc định, đặc thù, dữ liệu mở...) nhằm thu hút được sự quan tâm, khai thác của người dân, cộng đồng từ đó tiếp nhận được thông tin để khai thác thông tin xây dựng nội dung chương trình phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, miền, khu vực.

Từ việc hội tụ về nội dung tiến đến việc thay đổi, đa dạng hóa các phương tiện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện đặc thù của vùng, miền để thông tin đến được với người dân một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Bên cạnh phương thức truyền thống đang hoạt động hiệu quả là phát thanh cần tăng cường sử dụng các phương tiện, hình thức tuyên truyền “phi truyền thống” như thông qua App (cho điện thoại hoặc máy tính bảng), website, qua mạng xã hội... Nhằm tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân, từ đó nắm bắt được dư luận xã hội về các vấn đề thời sự trên địa bàn để tiếp tục xây dựng nội dung gắn với nhu cầu của người dân.

Một số địa phương đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc cung cấp thông tin, thay đổi các tiếp cận với người dân góp phần quan trọng trong việc truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân trên địa bàn. Có thể kể đến như: Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh người dân có thể tiếp cận với thông tin về việc tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống thông tin cơ sở thông qua việc truy cập tại Cổng thông tin điện tử của Quận hoặc quét mã QR trên điện thoại di động.

Một số địa phương như Hà Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, ... đã sử dụng đồng bộ hệ thống hệ thống thông tin điện tử (từ cấp tỉnh, huyện đến xã), mạng xã hội như một công cụ quan trọng để vừa cung cấp thông tin, truyền thông chính sách đến người dân, vừa tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người dân về các nội dung này như: huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang); quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng); quận Hà Đông, huyện Mê Linh, huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội); huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Định Hóa9 (tỉnh Thái Nguyên)... tích hợp đa phương tiện cả bản tin truyền hình, thời sự phát thanh, ảnh đẹp...

dinh-hoa.png
Hình minh họa: Giao diện bản tin Audio về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Thông qua việc thay đổi phương thức cung cấp thông tin đến người dân, các địa phương đã từng bước xây dựng môi trường tương tác số (cho phép thay thế ở mức độ cao hơn và dễ dàng hơn các hình thức tương tác cá nhân - cá nhân, cá nhân - cộng đồng). Trên cơ sở đó, có thể sáng tạo, tổ chức cung cấp thông tin với những hình thức khác nhau phù hợp với độ tuổi, giới tính, vùng miền... Đồng thời cũng có thể tiếp nhận những thông tin phản hồi của người dân một cách dễ dàng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản xuất nội dung chương trình cho phù hợp với thực tế.

toan-dan-podcast.png
Hình minh họa: Bài tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Mông trên kênh “Toàn dân Podcast”của công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (https://toandanpodcast.buzzspr...)

b) Ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất nội dung thông tin theo hướng hội tụ trong phương thức tác nghiệp

Trong thực tế, sau khi sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, hoặc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa (gọi tắt là Trung tâm), nhân sự làm công tác truyền thông (phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên) giảm nhiều so với trước. Với đặc thù của cơ quan truyền thông cấp huyện, mỗi người kiêm nhiệm 3 - 4 vai trò, từ viết tin, bài, quay phim, dựng phim đến phát thanh viên, dựng chương trình phát thanh; thực hiện các công việc khác như: hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt các cụm loa truyền thanh đài truyền thanh xã; hỗ trợ kỹ thuật truyền thanh trực tiếp các kỳ họp HĐND huyện...

huynh-quoc-hung.png
Hình minh họa: Phát thanh viên Huỳnh Quốc Hưng, Trung tâm Văn hóa, Thông tinvà Thể thao huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội dẫn chương trình bản tin tối ngày 20/9/2023 để phát trên kênh phát thanh, Youtute, Facebook10của huyện

Bên cạnh đó, do đặc thù ở cơ sở nhiều nơi điều kiện chưa thuận lợi (giao thông, thời tiết...) 1 phóng viên đài huyện khi tác nghiệp phải mang theo nhiều thiết bị (máy quay, micro, máy ảnh...) để đảm bảo vừa ghi hình, thu thập thông tin, ghi âm phỏng vấn... Với một khối lượng công việc lớn như vậy việc thực hiện hội tụ trong phương thức tác nghiệp theo hướng “một người thích ứng được nhiều việc” là một yêu cầu tất yếu.

Thay vì chỉ sử dụng các thiết bị truyền thống như phòng dựng, kết hợp trường quay, phòng bá âm; máy dựng phát thanh; máy dựng truyền hình; máy ảnh; máy camera các loại; bộ lưu trữ dữ liệu; máy tính... để xây dựng chương trình phát thanh hoặc truyền hình. Cần kết hợp và từng bước sử dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ để chủ động trong việc xây dựng nội dung như: Podcast (phương tiện hội tụ để tạo và phát các tập tin đa phương tiện qua máy tính, các thiết bị thông minh); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI, ChatGPT): chuyển văn bản, tài liệu, hình ảnh thành giọng nói đa ngôn ngữ, hỗ trợ sản xuất nội dung (ChatGPT); sử dụng các công cụ sửa ảnh, video trên điện thoại thông minh như: Midjourney, Imovie, Capcut...để tạo ra các hình ảnh và video độc đáo, chuyên nghiệp.

Tại Việt Nam, ở cấp cơ sở, việc ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất nội dung thông tin theo hướng hội tụ trong phương thức tác nghiệp còn rất hạn chế.

Bước đầu mới chỉ một số cơ sở ứng dụng và triển khai Podcast có hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương, đường lối, chính sách về an ninh trật tự... đến với người dân, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Ví dụ như kênh “Toàn dân Podcast” của công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, tính đến nay kênh đã xuất bản được 22 bản tin, thu hút hơn 1.720 lượt tải xuống và được phân phối trên 12 nền tảng khác nhau. Người dân có thể lưu lại những chương trình quan tâm và nghe lại ngay trên điện thoại cá nhân của mình. Cùng với đó, Công an huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Truyền thông huyện; cán bộ văn hóa các xã, thị trấn trong huyện để phát các bài tuyên truyền qua đài truyền thanh tại huyện, thị trấn và các xóm bản với các nội dung về chủ đề pháp luật và cuộc sống...

Kiến nghị, đề xuất

Từ kinh nghiệm tổ chức, triển khai mô hình truyền thông hội tụ ở cấp huyện của Trung Quốc và thực tế tại Việt Nam, kiến nghị với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan như sau:

Một là, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của công nghệ mới vào công tác sản xuất nội dung thông tin tại địa phương theo điều kiện thực tế. Ví dụ như ứng dụng Podcast, trí tuệ nhân tạo (ChatGPT), các công cụ sửa ảnh, video trên điện thoại thông minh như: Midjourney, Imovie, Capcut;...

Hai là, nghiên cứu, tham khảo mô hình hoạt động, kinh nghiệm tổ chức triển khai của Trung tâm truyền thông cấp huyện của Trung Quốc để áp dụng cho việc tổ chức chuyển đổi hoạt động của đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện sang mô hình hoạt động truyền thông đa phương tiện từ nay đến năm 2025 theo định hướng Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.

Ba là, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan ở trung ương, địa phương thực hiện đào tạo bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin, công nghệ số (chú trọng cả về nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo) cho các phóng viên, biên tập viên cơ sở để họ có thể chủ động ứng dụng các công nghệ số trong tác nghiệp.

1. Trích từ bài viết “Đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm truyền thông cấp quận”, Quang Minh nhật báo ngày 19/2/2019

2. “Từ ngày 20 - 21/9/2018 tại huyện Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp xúc tiến xây dựng trung tâm truyền thông cấp huyện
trên toàn quốc. Theo đó, trong năm 2018 khởi công xây dựng 600 trung tâm truyền thông cấp huyện và đến cuối năm 2020 cơ bản đạt được mục tiêu. Bắc Kinh đi đầu trong việc công
bố thành lập 16 trung tâm truyền thông cấp huyện và quận trong cả nước; tiếp theo đó là 84 trung tâm truyền thông cấp quận (thành phố, quận) ở tỉnh Phúc Kiến, 16 trung tâm truyền
thông hội tụ cấp huyện ở Thiên Tân...”- Điều tra về tình trạng xây dựng trung tâm truyền thông cấp huyện, Nhân dân nhật báo trực tuyến ngày 01/9/2020

3. Quy chuẩn xây dựng Trung tâm truyền thông cấp huyện; Quy phạm an toàn mạng lưới của Trung tâm truyền thông cấp huyện; Quy phạm vận hành và bảo trì của Trung tâm truyền
thông cấp huyện và Quy phạm giám sát từ xa và giám sát của Trung tâm truyền thông cấp huyện.

4. Nhà bếp trung tâm - Central Kitchen (một mô hình làm báo đa phương tiện của Nhân dân nhật báo cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc):
lấy sản xuất và phổ biến nội dung là chính, tạo ra nền tảng nghiệp vụ, nền tảng công nghệ và nền tảng không gian cho sự phát triển tổng hợp của truyền thông. “Nhà bếp trung tâm”
thành lập riêng Trung tâm điều phối của Tổng biên tập, thiết lập hệ thống liên kết thu thập tin tức và biên tập tin tức, thống nhất lực lượng giữa thu thập tin, biên tập tin và kỹ thuật. “Nhà bếp trung tâm” hiện thực hóa mô hình làm việc “Một nguồn tin vào, nhiều sản phẩm ra và phát tin trên đa nền tảng”.

5. Báo cáo phát triển truyền thông ở Trung Quốc phát hành năm 2022 do Hiệp hội nhà báo toàn Trung Quốc phát hành - Development of China’s News Media (Released in 2022)- All-
China Journalists Association;

6. Báo chí ở Trung Quốc được chia thành 3 cấp: báo chí cấp quốc gia, báo chí cấp tỉnh và báo chí cấp huyện. Theo số liệu thống kê năm 2020, Trung Quốc xuất bản 7.478 triệu bản báo
quốc gia, 12.384 triệu bản báo cấp tỉnh, 100 triệu bản báo cấp huyện.

7. Theo Báo cáo thống kê về phát triển Internet lần thứ 49 của Trung Quốc, tính đến tháng 12 năm 2021, số lượng người dùng Internet ở Trung Quốc đạt 1.032 triệu người, tăng 42,96
triệu người so với tháng 12 năm 2020 và tỷ lệ sử dụng Internet là 73,0%; số lượng người dùng tin tức trực tuyến đạt 771 triệu, tăng 28,35 triệu so với tháng 12 năm 2020, chiếm 74,7% tổng số người dùng Internet của Trung Quốc.
8. Nội dung nghe nhìn trực tuyến ở Trung Quốc đã tăng thêm 220 triệu giờ. Thời gian trung bình của người dùng Internet để xem video trực tuyến (bao gồm cả video ngắn) là khoảng
100 phút/người/ngày và nghe âm thanh trực tuyến là khoảng 20 phút/người/ngày.

10. https://www.youtube.com/watch?...; https://www.facebook.com/Daiph...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông hội tụ cấp cơ sở: Kinh nghiệm từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO