Truyền thông trên môi trường mạng: Bàn về yêu cầu giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0

10/10/2022 13:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự ra đời và phát triển của các mạng xã hội (MXH) trong thời đại số đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ các hoạt động truyền thông qua MXH, tạo nên một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong phương thức truyền thông của xã hội loài người và mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội, cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn thì truyền thông trên môi trường MXH cũng còn tồn tại nhiều hạn chế và tiềm ẩn cả nguy cơ. Thực tế này đặt ra yêu cầu về việc nghiên cứu, hướng dẫn, giáo dục người dân những kỹ năng, nguyên tắc sử dụng MXH một cách phù hợp để con người có thể khai thác MXH như một nguồn tài nguyên đem lại cho bản thân và xã hội những lợi ích chính đáng, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của MXH đối với đời sống con người.

Nếu coi MXH như một dạng tài nguyên, và con người nắm được kỹ năng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách phù hợp thì MXH sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn, giúp đời sống con người thêm thuận lợi và thu được nhiều lợi ích về các mặt kinh tế, xã hội…

Internet và hoạt động truyền thông qua mạng xã hội

Thế kỉ XXI chứng kiến sự bùng nổ của hình thức truyền thông mới trong lịch sử loài người: truyền thông qua MXH. Hiện nay, trên thế giới có nhiều MXH, trong đó có những MXH rất phổ biến, thu hút đông đảo người sử dụng từ khắp nơi như MXH Facebook, Twitter, Tiktok, Youtube. Ở Việt Nam, bên cạnh Facebook, Zalo cũng là một MXH được ưa chuộng, được sử dụng phổ biến trong giao tiếp, đời sống và cả trong công việc, kinh doanh…

MXH hiện nay hoạt động dựa trên cơ sở sự tồn tại và vận hành của mạng Internet. Chính sự phát triển của mạng Internet đã tạo điều kiện cho cho sự bùng nổ của các MXH từ khoảng đầu thế kỉ XXI cho đến nay. Mạng Internet phát minh quan trọng trong lịch sử truyền thông của xã hội loài người. Trong lịch sử, loài người đã sử dụng các loại phương tiện truyền thông như: tiếng nói, sách in, báo in, phim, sóng truyền hình, sóng phát thanh, điện tín… Mạng Internet là một loại phương tiện truyền thông mới, tích hợp được nhiều thế mạnh của các loại phương tiện truyền thông trước đây như giọng nói, hình ảnh. Internet ra đời đã trở thành một phương tiện truyền thông cơ bản, giúp truyền tải thông tin giữa bên phát và bên nhận rất nhanh chóng.

Theo nhà lý thuyết truyền thông McLuhan, phương tiện truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người. Sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới sẽ dẫn đến những thay đổi lớn lao trong xã hội, là bước ngoặt đưa xã hội bước sang những giai đoạn phát triển mới. Sự ra đời của Internet đã đưa thế giới tới gần hơn với khái niệm “làng toàn cầu” mà McLuhan đã từng nhắc đến từ giữa thế kỉ XX.

Mạng Internet đã hình thành và bước đầu phát triển trong thế kỉ XX. Internet tạo cơ sở cho MXH bắt đầu phát triển mạnh trong thế kỉ XXI. MXH ra đời đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức con người thực hiện hoạt động truyền thông, kết nối con người với nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi với chi phí thấp. Các MXH nhanh chóng được phát triển, mở rộng và được ưa chuộng trên toàn thế giới (1).

Sự ra đời và bùng nổ của mạng Internet, các MXH đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong hoạt động truyền thông của con người trong thế kỉ XXI.

Lý thuyết truyền thông cho thấy hoạt động truyền thông (HĐTT) là một trong những loại hoạt động cơ bản của con người. HĐTT nhằm mục đích chia sẻ thông tin, tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau, tạo ra những hiệu quả mong muốn (thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi).

Truyền thông trên môi trường mạng: Bàn về yêu cầu giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0 - Ảnh 2.

Mô hình truyền thông cơ bản (Trần Thị Hòa, 2021, trang 37).

HĐTT muốn đạt hiệu quả cần đảm bảo một số yếu tố sau:

- Nguồn thông tin: có thực, rõ ràng

- Thông điệp rõ ràng, đúng đắn

- Mã hóa phù hợp, giải mã chính xác

- Kênh truyền thông phù hợp

- Giải nhiễu

- Có khung nhận thức chung

MXH đã tạo ra một kênh truyền thông thuận lợi cho HĐTT, kết nối bên phát với bên nhận. Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, mạng Internet, sự kết nối này ngày càng thuận lợi, yếu tố nhiễu giảm hoặc nếu có xuất hiện cũng được giải quyết nhờ sự phát triển và hoàn chỉnh của công nghệ (2), khiến cho hoạt động truyền thông qua mạng xã hội được thông suốt, thuận lợi và ngày càng nhanh chóng.

Trong hiện tại và tương lai, cần tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về truyền thông trên MXH để hiểu sâu hơn về loại hình truyền thông này, trên cơ sở đó xây dựng các nguyên tắc khai thác, sử dụng MXH.

Sự phát triển của truyền thông qua MXH có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của con người. Không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu thông tin, giao tiếp, MXH còn có thể đáp ứng một số nhu cầu quan trọng khác. Ví dụ, nếu phân tích theo lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow, có thể thấy hoạt động buôn bán đồ ăn qua MXH giúp đáp ứng các nhu cầu thể chất về ăn uống, việc lập ra các hội nhóm trên MXH không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu về thông tin mà liên quan đến việc thỏa mãn nhu cầu về tâm lý, tình cảm (nhu cầu thuộc về/belonging), hoặc việc đăng tải thông tin, hình ảnh đẹp của bản thân lên MXH trong một số trường hợp có thể là một cách “khoe” để khẳng định tài năng và sự thành công của một người, qua đó thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân. Chính vì khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu của con người với chi phí không ngoài tầm với nên MXH rất được ưa chuộng và việc sử dụng MXH ngày càng trở nên phổ biến.

Một số đặc trưng của truyền thông trên mạng xã hội

MXH được sử dụng không chỉ cho mục đích giao tiếp, giải trí, cung cấp thông tin, mở rộng hiểu biết, mà còn có thể phục vụ cho công việc, học tập, kinh doanh (ví dụ như bán hàng qua mạng Facebook). Do đó, MXH ngày càng trở nên phổ biến, trở thành công cụ, phương tiện truyền thông quan trọng, và sử dụng MXH là thói quen, là một phần trong sinh hoạt hàng ngày của nhiều người. Sử dụng MXH đã trở thành một trong những hoạt động cơ bản trong đời sống của nhiều người trong xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Nhờ có MXH, con người có thể kết nối với nhau bất chấp sự xa cách về không gian và sự hạn chế về thời gian. Câu “xa mặt cách lòng” có thể giảm bớt ý nghĩa trong bối cảnh MXH phát triển như hiện nay, bởi MXH giúp con người luôn có thể kết nối với nhau nếu họ thực sự muốn.

HĐTT trên MXH có thể đem lại lợi ích lớn về mặt kinh tế. Lợi nhuận khổng lồ mà Facebook, Google thu được cho thấy MXH có thể là một phần quan trọng của nền kinh tế trong thời đại 4.0. Youtube đã và đang đem lại nguồn thu nhập cho nhiều nhà sáng tạo nội dung của MXH này. Trong kỉ nguyên số, các MXH có thể trở thành một phần của cỗ máy tạo ra lợi nhuận cho nền kinh tế. Vì vậy, các hoạt động quảng cáo, PR, bán hàng diễn ra nhộn nhịp trên nhiều trang MXH.

Tính thương mại được khai thác trên MXH là điều có thể quan sát và nhận ra.

Một trong những đặc trưng của truyền thông qua MXH là sự phụ thuộc vào mạng Internet. Với sự phát triển của kĩ thuật công nghệ thông tin hiện nay, tốc độ Internet ngày càng được tăng nhanh. Công nghệ 3G, 4G, 5G và trong tương lai là 6G giúp cho việc truyền tải âm thanh, hình ảnh, chữ viết rất nhanh chóng với chất lượng ngày càng cao. Vì vậy, việc lan truyền thông tin qua MXH rất nhanh chóng.

Ưu điểm của sự nhanh chóng này là giúp kết nối con người nhanh hơn, cung cấp thông tin nhanh, nhiều, cập nhật và thời sự. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động của con người như giao tiếp, học tập, kinh doanh… Đặc biệt, HĐTT trên MXH có thể hữu ích về mặt kinh tế khi nó giúp giảm bớt việc con người phải đi lại trực tiếp, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bên cạnh đó còn có thể giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường gây ra bởi sự gia tăng khí thải do sự vận hành của các phương tiện giao thông cơ giới.

Tuy nhiên, việc giảm giao tiếp trực tiếp cũng có mặt trái là tính “ẩn” có chọn lựa của truyền thông qua MXH. Người giao tiếp có thể không trực tiếp gặp nhau, việc quan sát hàng hóa không tận mắt có thể dẫn đến thiếu một số thông tin, hiểu lầm. Dựa vào tính “ẩn” có chọn lựa của MXH dẫn đến việc sinh ra các “anh hùng bàn phím” hoặc nảy sinh một số vụ lừa đảo qua mạng.

Sự nhanh chóng của thông tin MXH không phải luôn đi cùng sự chính xác và sâu sắc hay sự chọn lọc tinh tế. Thông tin trên MXH có thể sai do không qua kiểm chứng. Lượng thông tin nhiều, rất nhiều thứ được chia sẻ tràn lan, thậm chí tùy hứng theo cảm tính chủ quan của người sử dụng. Bên cạnh những thông tin cập nhật, bổ ích, tồn tại không ít loại “rác thông tin” như ngôn ngữ thô tục, hình ảnh phản cảm, nội dung thông tin không chỉ vô bổ mà còn kích động bạo lực, mang tính tiêu cực, tin đồn không đúng sự thật, thông tin bịa đặt… Đây chính là điểm trừ có thể làm giảm giá trị của tính nhanh nhạy, tiện lợi mà MXH tạo ra.

Môi trường mạng cũng tạo điều kiện cho tính dân chủ trong truyền thông. MXH tạo điều kiện cho người sử dụng mạng có thể lên tiếng về những vấn đề mà họ quan tâm, dù họ già hay trẻ, giàu hay nghèo, thuộc những dân tộc, quốc gia, tầng lớp khác nhau. Có những việc nếu phát biểu trực tiếp mặt đối mặt thì khó, nhưng thông qua không gian mạng, người ta có thể dễ dàng đưa ra ý kiến, nhận định, thể hiện thái độ của mình trong phần comment, review, trong các status, sử dụng các biểu tượng phong phú để thể hiện tình cảm, thái độ một cách dễ dàng, lôi cuốn.

Nếu báo chí có thể là nơi cất lên tiếng nói của người có quyền lực, giàu có, các ngôi sao, thì MXH cho phép những cá nhân vốn không nổi bật có thể trở nên nổi bật. Ví dụ, nhiều người phụ nữ nội trợ bình thường đã trở nên nổi tiếng trên mạng thông qua các video về nấu ăn. Không chỉ người nổi tiếng, mà một người có thể lên mạng livestream chia sẻ câu chuyện, cảm xúc của mình trước sự việc xảy ra, và không hiếm trường hợp, câu chuyện họ chia sẻ đã thu hút sự chú ý của xã hội, của dư luận. Điều này là thuận lợi đồng thời cũng tạo ra vấn đề: vì trên mạng có thể ăn nói thoải mái hơn nên dẫn đến phát ngôn tùy tiện, những quyết định hành động truyền thông cẩu thả, tạo ra hậu quả tiêu cực cho các bên liên quan trong HĐTT: ví dụ xúc phạm người khác, tùy tiện đăng tải, chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật…

Tính dân chủ này còn có thể mang tính chất xuyên biên giới, tức là một người ở nước này có thể đăng tải bài mà người nước khác có thể xem được. Điều nguy hiểm ở chỗ nó có thể đụng chạm vào những biên giới khác như văn hóa địa phương, thuần phong mỹ tục… Ví dụ, một khách du lịch nước ngoài đến một nơi nghỉ mát hoặc du lịch, chụp ảnh có tính “mát mẻ” rồi về nước đưa lên MXH. Những hình ảnh không phù hợp văn hóa nơi họ đã đến sẽ gây phản cảm, gây phản ứng vì đụng chạm đến những ranh giới giá trị, văn hóa của cộng đồng nơi họ đã đến.

Như đã phân tích ở trên, mặc dù thông tin nhanh nhạy, rộng mở đối với mọi người, song MXH cũng có điểm trừ rất lớn ở tính đáng tin cậy thấp. Tin giả, tin đồn thường xuyên xuất hiện trên MXH. Thông tin chưa qua kiểm chứng, thông tin mang tính chủ quan, cảm tính tràn ngập trên các trang mạng. Trên thực tế đã xuất hiện không ít vụ lừa đảo qua MXH. Thông tin qua MXH cũng đối diện nguy cơ bị đánh cắp, bị lạm dụng bởi một số thành phần bất hảo.

Bên cạnh đó, mặc dù có cơ sở là sự hoàn chỉnh của kĩ thuật truyền thông giúp cho HĐTT trên các MXH diễn ra nhanh chóng, thuận lợi nhờ khả năng hạn chế hoặc giải nhiễu kĩ thuật/vật lý, thì vẫn tồn tại yếu tố nhiễu liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa. Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa trên môi trường MXH (vốn thường là tự do, “mở” cho nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa, quốc gia khác nhau cùng tham gia) có thể gây ra những cản trở, khó hiểu, hiểu lầm, những tranh luận, thị phi không đáng có. Đó là do sự hạn chế của khung nhận thức chung giữa bên phát và bên nhận trên MXH.

Như vậy, HĐTT trên MXH có ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng, chi phí thấp và mức độ tự do cao, song nó cũng có những mặt hạn chế nhất định về chất lượng thông tin và tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến bảo mật thông tin, vi phạm quyền riêng tư. Do đó, việc sử dụng, khai thác MXH, thực hiện HĐTT trên MXH không nên chỉ mang tính tự phát, cảm tính, tràn lan mà nên có sự hướng dẫn dựa trên nền tảng sự hiểu biết và thái độ đúng đắn.

Truyền thông trên môi trường mạng: Bàn về yêu cầu giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0 - Ảnh 4.

(Hình minh họa)

Yêu cầu về giáo dục kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội

Mặc dù người dùng có thể sử dụng MXH với tư cách cá nhân, song HĐTT qua MXH là sự tương tác, có tác động đến những người tham gia hoạt động này và những người liên quan. Nói chung, truyền thông trên MXH là một loại hoạt động có tính xã hội. Do đó, HĐTT qua MXH vẫn cần diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, đạo đức và với sự hướng dẫn của lý trí thay vì phó mặc hoặc buông theo cảm tính.

Bên cạnh việc hiểu được lợi ích của truyền thông qua MXH và biết cách sử dụng MXH để phục vụ sinh hoạt, đời sống, kinh doanh..., người sử dụng mạng cần nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn trong các HĐTT trên mạng. Họ cũng cần biết được các quy định của luật pháp trong việc sử dụng mạng. Họ cần được giáo dục, phổ biến những quy tắc tối thiểu của HĐTT qua mạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Phương pháp sử dụng MXH đúng đắn cần được giáo dục như một loại kỹ năng sống cơ bản của con người thời đại 4.0, giống như ông bà ta thường nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Những quy tắc này thực ra cũng không vượt quá xa những quy tắc truyền thông cơ bản:

- Cung cấp thông tin chân thật, xác thực, không bịa đặt, dựng chuyện

- Không xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân

- Không gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức bằng HĐTT của mình

- Không xâm phạm quyền riêng tư

- Không sử dụng truyền thông cho mục đích xấu

- Tôn trọng luật pháp và đạo đức

Cần có sự cập nhật thường xuyên, để việc khai thác, sử dụng MXH đúng đắn, thói quen hoạt động truyền thông trên MXH một cách phù hợp sớm trở thành một phần của nền văn hóa giao tiếp số có tính hiện đại, hữu ích và nhân văn trong xã hội 4.0.

Người dân nên được hướng dẫn cách tự kiểm chứng thông tin, không vội vã tin vào những thông tin không có chứng cứ, thiếu cơ sở được đưa lên MXH. Trong hiện tại và tương lai, cần tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về truyền thông trên MXH để hiểu sâu hơn về loại hình truyền thông này, trên cơ sở đó xây dựng các nguyên tắc khai thác, sử dụng MXH. Về lâu dài, nên cập nhật các bộ quy tắc ứng xử trên MXH, có quy định rõ hơn về những thông tin được đăng tải rộng rãi trên MXH (đặt ra các giới hạn cho việc cung cấp thông tin, nhưng đảm bảo những giới hạn này là hợp lý, hợp pháp).

Nghiên cứu về MXH và HĐTT qua MXH là việc nên được tiến hành thường xuyên. Song song với đó, việc giáo dục người dân về cách sử dụng MXH cũng cần được thực hiện với chiến lược lâu dài trên các nhóm dân cư (đặc biệt là nhóm trẻ) và cần có sự cập nhật thường xuyên, để việc khai thác, sử dụng MXH đúng đắn, thói quen HĐTT trên MXH một cách phù hợp sớm trở thành một phần của nền văn hóa giao tiếp số có tính hiện đại, hữu ích và nhân văn trong xã hội 4.0.

Kết luận

Tóm lại, truyền thông qua MXH đã trở thành một phần của đời sống con người thời đại 4.0. Hình thức truyền thông gắn với kỉ nguyên số này có vai trò quan trọng trong việc kết nối và vận hành của xã hội, MXH hiện đã trở thành là phương tiện thông tin phổ biến, thiết yếu của đa số các cá nhân. Truyền thông qua MXH có một số ưu điểm nổi trội về tốc độ, về sự tiện lợi, về khả năng kết nối, về lợi ích kinh tế; tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số hạn chế, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của con người nếu con người không nhận thức được và có ý thức phòng tránh.

Do đó, việc nghiên cứu, giáo dục, hướng dẫn người dân các phương pháp, nguyên tắc phù hợp trong việc sử dụng MXH là rất cần thiết cho tất cả mọi người. Đặc biệt, với người trẻ là đối tượng tiếp cận MXH hội nhiều thì việc giáo dục kỹ năng giao tiếp, sử dụng MXH cần được tiến hành từ sớm. Nếu coi MXH như một dạng tài nguyên, và con người nắm được kỹ năng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách phù hợp thì MXH sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn, giúp đời sống con người thêm thuận lợi và thu được nhiều lợi ích về các mặt kinh tế, xã hội.../.

Tài liệu tham khảo:

(1). Ví dụ, mạng xã hội Facebook có nguồn gốc từ Mỹ nhưng hiện nay được sử dụng khắp thế giới, với số lượng người sử dụng vượt trên 1 tỉ.

(2). Ví dụ, điện thoại thông minh ngày càng được nâng cấp, cùng với sự phát triển của mạng Internet từ 2G đến 3G, 4G, 5G thì tốc độ đường truyền, chất lượng đường truyền ngày càng được nâng cao, khiến cho việc nhắn tin, chat, thực hiện các cuộc gọi video call qua mạng xã hội dễ dàng, nhanh chóng và với chất lượng hình ảnh và âm thanh rõ.

1. Trần Thị Hòa (2020), “Tiếp cận quan điểm của Marshall McLuhan về vai trò của phương tiện truyền thông đối với sự phát triển của xã hội trong kỉ nguyên 4.0”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học xã hội và nhân văn, tập 129, số 6D, trang 141-153.

2. Trần Thị Hòa (2021), Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông trên môi trường mạng: Bàn về yêu cầu giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO