Tư duy mới về thể chế phát triển

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế| 01/09/2021 07:15
Theo dõi ICTVietnam trên

"Có thể thấy, những tư duy mới về thể chế phát triển của Việt Nam ngày càng hòa hợp với xu hướng giá trị chung của thế giới, đó là vì phát triển đất nước bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu phồn vinh, hạnh phúc cho người dân của quốc gia mình."

Tư duy mới về thể chế phát triển  - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

Những báo cáo quan trọng (gọi tắt là các Văn kiện) của Đại hội XIII của Đảng, như Báo cáo Chính trị, Tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đã phản ánh nhiều điểm mới trong nhận thức của Đảng ta về đặc trưng mô hình, mục tiêu, động lực và các giải pháp phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (KTTTĐHXHCN) ở Việt Nam, đặc biệt là về thể chế phát triển. Đây là thành quả của quá trình phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, nghiên cứu bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, thể hiện bản chất cách mạng, sự dũng cảm khoa học, đổi mới sáng tạo, quyết tâm và bản lĩnh chính trị cao của Đảng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Tư duy mới về thể chế phát triển thể hiện trước hết ở nhận thức sâu sắc hơn về mô hình phát triển KTTTĐHXHCN ở Việt Nam, với những đặc trưng chung của kinh tế thị trường mang tính thời đại: Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các chủ thể kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường; 

Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước cần bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, cũng như bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi... Tất cả hướng tới mục tiêu cao nhất vì một Việt Nam: "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Với tinh thần đó, có thể thấy, những tư duy mới về thể chế phát triển của Việt Nam ngày càng hòa hợp với xu hướng giá trị chung của thế giới, đó là: dù ở đâu và thời đại nào, dù đa dạng và khác nhau về chế độ và thể chế chính trị, song mọi mô hình kinh tế muốn thành công đều phải xây dựng đồng bộ thể chế phát triển ngày càng hội tụ vào mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là vì phát triển đất nước bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu phồn vinh, hạnh phúc cho người dân của quốc gia mình.

Hơn nữa, nhận thức về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cũng được làm sâu sắc hơn, khẳng định Nhà nước có vai trò chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; nâng cao năng lực dự báo và ngăn chặn, trung hòa các tác động mặt trái của kinh tế thị trường (như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội…). 

"Lần đầu tiên tư duy thể chế phát triển của Việt Nam trong Đại hội XIII thể hiện đậm nét ở việc mở rộng, nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, Thị trường và Xã hội, thay vì chỉ có quan hệ Nhà nước với Thị trường như trước đây."

Nhà nước phát huy vai trò là nhạc trưởng giữ nhịp và đảm bảo ổn kinh tế vĩ mô, bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các cam kết, quy luật và quy trình kinh tế trong hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước …

Đặc biệt, lần đầu tiên tư duy thể chế phát triển của Việt Nam trong Đại hội XIII thể hiện đậm nét ở việc mở rộng, nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, Thị trường và Xã hội, thay vì chỉ có quan hệ Nhà nước với Thị trường như trước đây. Theo đó, tư duy về thể chế phát triển xác định rõ Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. 

"Một điểm mới nổi bật khác về thể chế phát triển của Đại hội XIII là lần đầu tiên chúng ta xác quyết những mục tiêu có tính dài hạn, cụ thể đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, thu nhập cao."

Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật…

Một điểm mới nổi bật khác về thể chế phát triển của Đại hội XIII là lần đầu tiên chúng ta xác quyết những mục tiêu có tính dài hạn, với 3 mốc về thời gian, yêu cầu, cấp độ cụ thể theo cách tiếp cận mới (cả về trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người và phù hợp với cách tiếp cận của thế giới, đó là: Việt Nam phải là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Về giải pháp thực hiện để đạt các mục tiêu này, nhiều điểm mới tích cực đáng ghi nhận trong nhận thức của Đảng, như: nhấn mạnh cả hai yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. 

Đặc biệt, lần đầu tiên Đảng nêu rõ yêu cầu: Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Điểm mới trong định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2021-2025 là xác định rõ yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

Thực hiện tốt hơn phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, tư duy mới về thể chế phát triển đòi hỏi phải có các cơ chế và chính sách mới thích đáng phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị cả ở cấp quốc gia và doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác.

Tư duy mới về thể chế phát triển  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh thế giới đang bùng nổ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, vừa duy trì xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đa cực, đa trung tâm, vừa gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn và chủ nghĩa thực dụng; gia tăng xung đột cục bộ và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo và các rủi ro kinh tế, chính trị, an ninh và môi trường quốc tế trong khi có sự suy giảm vai trò luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu, tư duy mới về thể chế phát triển ở Việt Nam đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tập trung nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước; Tăng cường đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Những nhận thức mới về thể chế phát triển không chỉ phản ánh sự phát triển tư duy kinh tế, bản lĩnh, trí tuệ về Đổi mới và Cách mạng của Đảng, mà còn tạo động lực và cơ chế để gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và để người dân được hưởng thụ ngày càng nhiều hơn thành quả của công cuộc đổi mới; để giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế, củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội, không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.

Với tinh thần đó, trong thực tiễn chỉ đạo về phát triển kinh tế thời gian tới theo tinh thần Đại hội XIII, các cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung và làm rõ hơn cơ chế quản lý nhà nước đối với các DNNN (nhất là loại hình 100% vốn nhà nước) không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường; bổ sung nguyên tắc "quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường" thành đầy đủ là "quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu, quy luật và quy trình của kinh tế thị trường, cũng như với các điều khoản hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết". 

Điều này là cần thiết để cơ chế thị trường được thực thi đầy đủ, bảo đảm uy tín chính trị, niềm tin thị trường và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, phòng tránh lợi ích nhóm từ việc biến độc quyền nhà nước thành độc quyền tư nhân (thí dụ trong trường hợp đi ngược quy trình thị trường, cho phép tự do hóa giá cả trước khi tự do hóa cạnh tranh thị trường về kinh doanh xăng dầu).

Đặc biệt, cần bổ sung thêm và làm rõ hơn chức năng nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước là chủ động dự báo và ngăn chặn, xử lý các khuyết tật, tác động mặt trái và khủng hoảng chu kỳ, vốn thuộc bản chất của kinh tế thị trường (như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội…).

Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự tôn và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế, lòng tin và các cơ chế hợp tác thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn./.

(Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021))

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tư duy mới về thể chế phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO