Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt NamKiosk y tế thông minh giúp người dân dễ dàng đăng ký khám chữa bệnh
Hệ thống Kiosk y tế thông minh giúp người dân có thể tự đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí nhanh chóng, dễ dàng. Đồng thời, các y, bác sĩ có thể chủ động tiếp nhận thông tin, theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân thuận tiện hơn.
Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh từ xa
Giải pháp Kiosk y tế thông minh là một dự án nằm trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Việc vào sử dụng, vận hành hệ thống Kiosk y tế thông minh cũng nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 12/CT-BYT của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, mục tiêu hướng đến 100% thanh toán không tiền mặt tại các bệnh viện và chuẩn hóa việc định danh, xác thực dữ liệu bệnh nhân, theo chủ trương của Đề án 06 của Chính phủ.
Ngày 31/5/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã ký kết với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để triển khai giải pháp Kiosk y tế thông minh (Kiosk MediPay).
Kiosk có các tính năng như: Đăng ký khám, chữa bệnh qua xác thực thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, tích hợp sổ sức khỏe điện tử; tạo tài khoản ngân hàng, cung cấp các sản phẩm tín dụng cho khách hàng theo quy định; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt.
Tại hội thảo “Sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam - Động lực cho thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển tại địa phương” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuối tháng 10/2024 tại Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc HDBank chi nhánh Gia Lai cho biết, việc triển khai Kiosk y tế thông minh giúp CĐS y tế khi kiosk có thể tự phục vụ, có thể giúp người dân đăng ký khám, chữa bệnh từ xa và thanh toán không dùng tiền mặt.
Cơ sở y tế triển khai Kiosk y tế thông minh không phát sinh chi phí đầu tư, không phát sinh chi phí vận hành và kết nối kỹ thuật. Trong khi đó, bệnh nhân không bị phát sinh bất kỳ chi phí trong việc sử dụng tiện ích.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh khẳng định: “Với kiosk y tế thông minh, người dân sẽ thao tác nhanh gọn để đăng ký khám, chữa bệnh. Cơ sở y tế cũng sẽ quản lý được hồ sơ bệnh án, quản lý kinh phí khám, chữa bệnh của người dân. Hiện, đơn vị đã triển khai vận hành tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Và với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Công an tỉnh và Sở Y tế Gia Lai, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai tại các cơ sở y tế trên địa bàn trong thời gian tới”.
Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, 3 cơ sở y tế đã hoàn thiện lắp đặt kiosk và đi vào vận hành chính thức là bệnh viện Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện Đà Nẵng và bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Số lượng cơ sở y tế đã xác nhận đăng ký triển khai là 157 cơ sở y tế, tương ứng 220 kiosk.
Kiosk chuyên dụng phục vụ mô hình chuyển đổi số
Kiosk y tế thông minh MediPay là dòng sản phẩm chuyên dụng phục vụ các mô hình CĐS theo chương trình CĐS quốc gia.
Kiosk với các thiết kế đặc biệt, có nhiều tính năng chuyên dụng như: Đọc CCCD thẻ chip 18 trường dữ liệu, xác thực khuôn mặt, in phiếu, đọc QR code…
Đặc tính chung là thiết kế và tạo hình bằng công nghệ laser công nghệ cao và sơn tĩnh điện lạnh nhanh cho thẩm mỹ vượt trội. Màn hình cảm ứng công nghiệp đa điểm nhanh mượt và máy tính công nghệ Intel - USA tin cậy. Tính năng đọc CCCD và xác thực với các thiết bị chuyên dụng, cung cấp SDK, API với Trung tâm RAR (Bộ Công an). Công nghệ chống giật chủ động Q-safe và chống ngã an toàn tuyệt đối (tùy chọn). Kiosk được lắp ráp và thi công theo tiêu chuẩn ISO quốc tế: ISO9001, ISO 14001, ISO 45001, ISO 27001, 5S.
Ngày 4/11, bệnh viện Đà Nẵng đã khánh thành và đưa vào sử dụng Kiosk y tế thông minh. Tại lễ khánh thành, Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (RAR), Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an mà trực tiếp là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội luôn luôn hướng tới CĐS trong ngành Y tế. Bộ Công an và Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều các hoạt động CĐS.
Việc bệnh viện Đà Nẵng cùng nhiều bệnh viện khác trên cả nước triển khai hệ thống Kiosk y tế thông minh mang lại một ý nghĩa vô cùng lớn, đặc biệt là tạo lập một hệ thống dữ liệu cho ngành y tế.
Khi vận hành triển khai hệ thống Kiosk y tế thông minh sẽ tạo lập một hệ thống dữ liệu thống nhất, kết nối chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an, giúp cho bệnh viện Đà Nẵng cũng như người bệnh được sử dụng những trải nghiệm thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tránh việc người dân phải xếp hàng đăng ký khám, chữa bệnh khá dài, gây quá tải bệnh viện.
Bên cạnh đó, việc tích hợp các loại giấy tờ, CCCD đối với bệnh nhân một cách chính xác, đáp ứng mục tiêu không thanh toán tiền mặt của ngành ngân hàng cũng như Chính phủ.
TS. BS. Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: "Việc bệnh viện Đà Nẵng phối hợp các đơn vị liên quan đưa vào vận hành triển khai hệ thống Kiosk y tế thông minh không chỉ giúp người dân chủ động trong việc đăng ký khám, chữa bệnh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các y bác sĩ, nhân viên y tế quản lý thông tin người bệnh một cách tốt hơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân".
Với những tính năng của kiosk y tế thông minh được triển khai tại nhiều bệnh viện Việt Nam, có thể khẳng định khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm công nghệ cùng chủng loại ở nước ngoài, đáp ứng thị trường trong nước, thực hiện mục tiêu của của Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”./.